Văn phòng: Phòng 10.05, nhà C12 tầng khu A Trường ĐH Mỏ - Địa chất

Địa chỉ: Số 18, phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Liêm, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.8384004

Email: tracdiacongtrinh@humg.edu.vn; tdct1005@gmail.com

1. Giới thiệu chung và lịch sử phát triển

Ngày 8/8/1966, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất trên cơ sở khoa Mỏ - Địa chất của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ngành mỏ, địa chất và trắc địa phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng Tổ quốc.

Cùng với sự ra đời của Trường, Bộ môn Trắc địa Cao cấp - Công trình thuộc khoa Trắc địa cũng được thành lập với nhiệm vụ giảng dạy các môn học chuyên ngành. Trong giai đoạn sơ tán (1968–1972), mặc dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy, đội ngũ cán bộ của Bộ môn vẫn kiên trì phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ đào tạo các thế hệ kỹ sư trắc địa đầu tiên.

Từ năm 1973, Bộ môn được tách thành một đơn vị chuyên ngành độc lập, có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Trắc địa công trình. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định vị thế là một trong những đơn vị đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này.


2. Cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ

Hiện nay, Bộ môn có 8 cán bộ giảng dạy gồm:

  • 03 Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS)
  • 03 Tiến sĩ (TS)
  • 01 Nghiên cứu sinh (NCS)
  • 01 Thạc sĩ (ThS)

Ngoài ra, Bộ môn còn có đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia đầu ngành, cán bộ khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trung tâm, tập đoàn và tổng công ty. Họ tham gia tích cực trong công tác đào tạo, hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh.


3. Cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm

Bộ môn đã xây dựng được một phòng thí nghiệm công nghệ cao phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Trang thiết bị hiện có gồm:

  • Máy toàn đạc điện tử TC-705: 01 chiếc
  • Máy thủy chuẩn điện tử Di-Ni: 01 chiếc
  • Máy thu tín hiệu vệ tinh GPS: 03 chiếc
  • Máy đo sâu hồi âm cầm tay: 01 chiếc
  • Máy đo sâu hồi âm đa tia: 01 chiếc
  • Máy chiếu (Projector): 01 chiếc

Ngoài ra, các cán bộ Bộ môn đã phát triển nhiều phần mềm chuyên dụng phục vụ xử lý số liệu trắc địa công trình.


4. Hoạt động chính và các kết quả đạt được

4.1. Công tác đào tạo

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn Trắc địa Công trình đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Các giảng viên trong Bộ môn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất.

Hiện nay, Bộ môn đảm nhiệm giảng dạy trên 30 môn học chuyên ngành cho các hệ đào tạo đại học, cao đẳng, cao học và nghiên cứu sinh. Sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản và hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Kết quả đào tạo nổi bật:

  • Đào tạo hàng nghìn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực trắc địa công trình.
  • Trên 300 học viên cao học đã hoàn thành luận văn và nhiều học viên khác đang tiếp tục nghiên cứu.
  • Hơn 20 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; hiện có 2 nghiên cứu sinh đang thực hiện.

4.2. Nghiên cứu khoa học và dự án

Bộ môn đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, Bộ, Thành phố và cấp cơ sở. Các nghiên cứu tập trung vào ứng dụng công nghệ hiện đại trong trắc địa công trình, phục vụ công tác khảo sát, thiết kế, thi công và quan trắc biến dạng công trình.

Một số đề tài tiêu biểu:

  • Cấp Nhà nước: Nghiên cứu quy trình trắc địa trong đo vẽ công trình ngầm và quan trắc chuyển dịch biến dạng.
  • Cấp Bộ: Nghiên cứu xây dựng phần mềm xử lý dữ liệu trắc địa, lưới hỗn hợp GPS – mặt đất, quan trắc thủy điện, ứng dụng tin học trong trắc địa công trình.
  • Cấp cơ sở: Các đề tài liên quan đến GPS, mô hình số địa hình, trắc địa công trình nhà siêu cao tầng, quan trắc lún, sai số đo đạc...

Một số hướng nghiên cứu nổi bật:

  • Công nghệ đo vẽ, thành lập bản đồ công trình ngầm.
  • Quy trình công nghệ quan trắc biến dạng.
  • Ứng dụng GPS và máy toàn đạc điện tử trong thi công.
  • Xử lý số liệu và xây dựng mô hình số địa hình.

Các kết quả nghiên cứu đã được công bố rộng rãi trên các tạp chí chuyên ngành, báo cáo tại hội nghị trong và ngoài nước, đồng thời triển khai ứng dụng thực tế tại nhiều công trình lớn trên cả nước.

4.3. Hợp tác quốc tế, doanh nghiệp và đào tạo

Bộ môn có quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều trường đại học và viện nghiên cứu quốc tế như CHLB Nga, Trung Quốc, Ba Lan, Lào..., đồng thời hợp tác với các đơn vị sản xuất và giảng dạy trong nước như:

  • Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng
  • Viện Địa chính
  • Trường ĐH Giao thông Vận tải, Kiến trúc, Xây dựng, Thủy lợi, Tài nguyên & Môi trường
  • Các tổng công ty và công ty tư vấn như Sông Đà, Vinaconex, Tư vấn điện, Tư vấn thủy lợi...

Các mối quan hệ này góp phần hỗ trợ thực tập, triển khai đề tài, chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng đào tạo.

Năm 2022, Bộ môn đã chủ trì mở ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, đến nay đã tuyển được 160 sinh viên. Câu lạc bộ Bất động sản cũng được thành lập năm 2025 thu hút được nhiều sinh viên tham gia.

4.4. Biên soạn tài liệu, sách giáo trình

Nhằm phục vụ công tác giảng dạy và học tập, các giảng viên trong Bộ môn đã biên soạn nhiều giáo trình, bài giảng và sách chuyên khảo giá trị, trong đó có thể kể đến:

Giáo trình - bài giảng tiêu biểu:

  • Ứng dụng mô hình số địa hình trong trắc địa công trình – Nguyễn Việt Hà, Trần Khánh
  • Quan trắc chuyển dịch và biến dạng công trình – Trần Khánh, Nguyễn Quang Phúc
  • Trắc địa công trình – Phan Văn Hiến (chủ biên)
  • Trắc địa công trình công nghiệp - thành phố – Nguyễn Quang Thắng, Trần Viết Tuấn
  • Máy trắc địa và đo đạc điện tử – Trần Viết Tuấn, Đinh Thị Lệ Hà, Lê Đức Tình
  • Trắc địa công trình biển – Nguyễn Quang Thắng, Trần Viết Tuấn
  • Xử lý số liệu trắc địa thực dụng. Phạm Quốc Khánh.

Sách chuyên khảo:

  • Bình sai lưới tự do và phân tích biến dạng – Phan Văn Hiến, Phạm Quốc Khánh (dịch)
  • Xử lý số liệu quan trắc biến dạng – Phan Văn Hiến, Phạm Quốc Khánh (biên dịch).
  • Xử lý số liệu quan trắc và dự báo biến dạng công trình. Phạm Quốc Khánh.

4.5. Công tác đoàn thể và hoạt động sinh viên

Bên cạnh công tác chuyên môn, các cán bộ Bộ môn luôn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, góp phần xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, sáng tạo.

Với sinh viên, Bộ môn đặc biệt chú trọng công tác gắn kết, định hướng nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động học thuật và chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên phát triển toàn diện cả về chuyên môn và kỹ năng.


5. Định hướng phát triển

Trong thời kỳ hội nhập, đổi mới hiện nay, Bộ môn tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Mục tiêu là trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Trắc địa công trình, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển khoa học - kỹ thuật của đất nước.


6. Khen thưởng

6.1. Tập thể

Với những thành tựu đã đạt được, tập thể Bộ môn đã nhiều lần được khen thưởng ở các cấp.

6.2. Cá nhân

+ Nhà giáo ưu tú: PGS.TS. Phan Văn Hiến, PGS.TS. Trần Khánh.

+ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: PGS.TS Nguyễn Quang Thắng, PGS.TS Nguyễn Quang Phúc.

+ Chiến sỹ thi đua cấp Bộ: PGS.TS Nguyễn Quang Phúc, PGS.TS Nguyễn Quang Thắng, PGS.TS. Trần Khánh.

+ Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo: PGS.TS Nguyễn Quang Thắng, PGS.TS Nguyễn Quang Phúc, PGS.TS. Trần Khánh, PGS.TS. Trần Viết Tuấn, ThS. Hoàng Thị Minh Hương, PGS.TS Nguyễn Việt Hà, PGS.TS Lê Đức Tình, PGS.TS Phạm Quốc Khánh, TS Nguyễn Hà, TS Phạm Trung Dũng, TS Nguyễn Thị Kim Thanh.