Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:
Đó chỉ là gợi ý...
Tuổi Trẻ ngày 25-12, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân (ảnh) cho biết:
Trao đổi với
- Tại cuộc họp về vấn đề tín dụng đào tạo, tôi đã giao trách nhiệm cho bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất với chính phủ biện pháp để tiếp tục quản lý SV vay vốn tín dụng đào tạo sau khi tốt nghiệp.
Trong quá trình trao đổi, thảo luận tại cuộc họp, có một số hướng được đưa ra. Nhưng trách nhiệm nghiên cứu, tìm giải pháp phù hợp đã được giao cho bộ GD-ĐT và hiện nay bộ chưa đề xuất, đặt ra giải pháp nào cả. Dù là giải pháp nào cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng, phải phù hợp và hiệu quả thì chính phủ mới chấp nhận.
* Nhưng thưa Phó thủ tướng, trong thông báo về kết luận tại cuộc họp của Văn phòng Chính phủ có đề cập việc "thể hiện đối tượng vay vốn tại các văn bằng, chứng chỉ để các cơ sở nhận sinh viên vay vốn sau khi tốt nghiệp phối hợp thu hồi vốn vay"?
- Như tôi đã nói, một số biện pháp có được đề cập tại cuộc họp dưới dạng gợi ý để các cán bộ quản lý tham gia ý kiến, đề xuất... Chưa có biện pháp nào được quyết định, bộ GD-ĐT còn phải có thời gian để nghiên cứu. Nhưng chắc chắn phải có biện pháp để xác định trách nhiệm của người vay vốn tín dụng đào tạo.
Từ trước đến nay, đối với vốn vay tín dụng đào tạo chưa có biện pháp nào để ràng buộc chặt chẽ người vay thực hiện trách nhiệm trả nợ. Cùng với việc tăng thêm ưu đãi, mở rộng diện được vay, nhà nước tăng đầu tư cho tín dụng đào tạo lên tới hàng ngàn tỉ đồng... thì buộc nhà nước cũng phải có biện pháp để quản lý, bảo vệ duy trì nguồn vốn, tiếp tục tạo cơ hội cho những thế hệ sau.
Vì thế chính phủ yêu cầu bộ GD-ĐT và cả các cán bộ quản lý các bộ ngành liên quan tham gia ý kiến, đề xuất biện pháp nào cho phù hợp trên cơ sở yêu cầu đó phải là một phương thức để người học đã được vay vốn ưu đãi phải có trách nhiệm trả nợ. Để thực hiện được điều này, tôi cho rằng có rất nhiều hình thức phong phú. Chúng ta cũng có thể học tập, rút kinh nghiệm từ những phương thức khác nhau mà các nước khác đã áp dụng.
Ví dụ để thể hiện được SV là đối tượng có vay vốn và có căn cứ để người sử dụng lao động cùng phối hợp với nhà nước thu hồi vốn vay có thể kèm theo bảng điểm, hồ sơ của SV đó một văn bản chứng nhận hay xác nhận SV đó đã vay vốn tín dụng ưu đãi, thời gian cần hoàn trả...
* Một số ý kiến cho rằng làm như vậy có thể ảnh hưởng đến tương lai, đến cơ hội tìm kiếm việc làm của SV, thậm chí là một sự xúc phạm đối với SV nghèo, thưa Phó thủ tướng?
- Đứng từ góc độ quản lý, nhà nước đem tiền cho SV vay - tất nhiên tin cậy các em sẽ trả lại như cam kết - nhưng cũng phải có công cụ quản lý và chế tài. Bản thân người vay cũng nên thấy rõ trách nhiệm có vay có trả, có trách nhiệm với chính sách ưu đãi của Nhà nước để các thế hệ sau tiếp tục được trợ giúp, có cơ hội được đi học như mình.
Việc xác nhận đối tượng vay sau khi tốt nghiệp cũng là cần thiết để người sử dụng lao động, các cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia chính sách này bằng việc khuyến khích người lao động trả nợ, hỗ trợ nhà nước thu hồi nợ. Vì đó cũng chính là một khoản đầu tư của nhà nước đào tạo nhân lực cho các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng.
Tôi cho rằng những SV đã vay vốn tín dụng đào tạo đều hiểu rõ tín dung đào tạo là một chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm hỗ trợ các em có điều kiện học tập. Khi đã quyết định vay tiền ăn học, tôi tin các em có đủ tự tin và quyết tâm học hành, sau này tìm kiếm việc làm để trả nợ.
Khi vay tiền, các em cùng với gia đình cũng tự nguyện cam kết sẽ trả nợ. Lòng tự trọng phải thể hiện ở việc các em có quyết tâm học tập, làm việc và trả nợ hay không chứ không phải ở việc cần giấu giếm mình đã vay tín dụng học tập. Vay tiền, mà vay nhà nước để ăn học, tại sao lại là một việc đáng xấu hổ?
Chẳng có gì đáng xấu hổ, thậm chí còn phải cảm thấy tự hào và luôn thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc nỗ lực làm việc, hoàn trả nhà nước, cống hiến cho xã hội! Tín dụng đào tạo đang và sẽ trở thành một hình thức hỗ trợ rất phổ biến.
Người học, người sử dụng lao động và xã hội sẽ càng ngày càng quen với phương thức này. Việc sử dụng sự hỗ trợ này để đạt được những kế hoạch, mục tiêu học tập của mỗi cá nhân là một việc hoàn toàn bình thường, đáng khuyến khích chứ không cần phải giấu giếm.
* Xin cảm ơn Phó thủ tướng.
THANH HÀ (tuoitre.com.vn)
|