Trích Quy chế thi tuyển
sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2010; ban hành kèm theo thông tư số 03/2010/TT-BGDĐT
ngày 11/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Điều 24. Trách nhiệm của cán bộ
coi thi (CBCT)
CBCT không được
làm nhiệm vụ tại điểm thi nơi có người thân (vợ, chồng, con, anh, chị ,
em ruột) dự thi, không được mang điện thoại di động trong khi làm
nhiệm vụ; không được giúp đỡ thí sinh làm bài thi dưới bất kỳ hình thức nào;
không được làm việc riêng; không được hút thuốc, uống bia, rượu, phải có mặt đúng
giờ và thường xuyên tại phòng thi để làm các nhiệm vụ theo trình tự sau đây:
1- Khi
có hiệu lệnh, CBCT thứ nhất gọi tên thí sinh vào phòng thi; CBCT thứ hai kiểm
tra các vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, hướng dẫn thí sinh ngồi đúng chỗ
quy định, tuyệt đối không để thí sinh mang vào phòng thi mọi tài liệu và vật dụng
đã bị cấm theo quy định về trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi tại Điều 25 của
Quy chế này, sử dụng thẻ dự thi và danh sách có ảnh để đối chiếu, nhận diện thí
sinh;
2- Khi có hiệu lệnh, CBCT thứ nhất đi nhận
đề thi, CBCT thứ hai nhắc nhở thí sinh những điều cần thiết về kỷ luật phòng
thi; ghi rõ họ tên và ký tên vào tất cả các tờ giấy thi và giấy nháp của
thí sinh; hướng dẫn và kiểm tra thí sinh gấp giấy thi đúng quy cách, ghi
số báo danh và điền đủ vào các mục cần thiết của giấy thi trước khi làm bài;
3- Khi
có hiệu lệnh, CBCT thứ nhất giơ cao phong bì đề thi để thí sinh thấy rõ cả mặt
trước và mặt sau còn nguyên nhãn niêm phong; bóc phong bì đựng đề thi và phát đề
thi cho từng thí sinh (trước khi phát đề thi cần kiểm tra số lượng đề thi, nếu
thừa, thiếu hoặc lẫn đề khác, cần thông báo ngay cho Uỷ viên phụ trách điểm thi
xử lý);
4- Khi
thí sinh bắt đầu làm bài, CBCT thứ nhất đối chiếu ảnh trong thẻ dự thi để nhận
diện thí sinh, ghi rõ họ tên và ký tên vào tất cả giấy thi, giấy nháp của
thí sinh. CBCT thứ hai bao quát chung (không thu thẻ dự thi của thí sinh).
Trong giờ làm bài, một CBCT bao quát từ đầu phòng thi đến cuối phòng thi, còn
CBCT kia bao quát từ cuối phòng thi đến đầu phòng thi cho đến hết giờ thi. CBCT
không đứng gần thí sinh khi họ làm bài thi. Khi thí sinh hỏi điều gì, CBCT chỉ được
trả lời công khai trong phạm vi quy định. Cả hai CBCT phải ghi rõ họ tên và
ký tên vào tất cả các tờ giấy thi, giấy nháp được phát bổ sung
cho thí sinh;
5- Chỉ
cho thí sinh ra khỏi phòng thi sớm nhất là sau 2/3 thời gian làm bài, sau khi
thí sinh đã nộp bài làm và đề thi. Nếu có thí sinh bị ốm đau bất
thường hoặc có nhu cầu chính đáng nhất thiết phải tạm thời ra khỏi phòng thi
thì CBCT phải báo cho cán bộ giám sát phòng thi để kịp thời báo cáo Uỷ viên phụ
trách điểm thi giải quyết;
6- Nếu
có thí sinh vi phạm kỷ luật thì CBCT phải lập biên bản xử lý theo đúng quy định.
Nếu có tình huống bất thường phải báo cáo ngay Uỷ viên phụ trách điểm thi hoặc
Trưởng ban Coi thi giải quyết;
7- Mười
lăm phút trước khi hết giờ làm bài, thông báo thời gian còn lại cho thí sinh biết;
8- Khi
có hiệu lệnh kết thúc buổi thi phải yêu cầu thí sinh ngừng làm bài và thu bài của
tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã bị thi hành kỷ luật. CBCT thứ hai duy trì trật
tự và kỷ luật phòng thi. CBCT thứ nhất vừa gọi tên từng thí sinh lên nộp bài, vừa
nhận bài thi của thí sinh. Khi nhận bài phải đếm đủ số tờ giấy thi của
thí sinh đã nộp, yêu cầu thí sinh tự ghi đúng số tờ và ký tên vào bản danh
sách theo dõi thí sinh. Khi nào thu xong toàn bộ bài thi mới cho
phép các thí sinh rời phòng thi;
9- Các
CBCT kiểm tra, sắp xếp bài thi theo thứ tự số báo danh. Các biên bản xử
lý kỷ luật (nếu có) phải kèm theo bài thi của thí sinh. CBCT thứ nhất trực
tiếp mang túi bài thi và cùng CBCT thứ hai đến bàn giao bài thi cho Uỷ viên Ban
thư ký HĐTS trường ngay sau mỗi buổi thi. Mỗi túi bài thi phải được kiểm tra
công khai và đối chiếu số bài thi và số tờ giấy thi của từng bài kèm theo bản
theo dõi thí sinh và các biên bản xử lý kỷ luật cùng tang vật (nếu có);
10-
Sau khi bàn giao xong bài thi, từng túi đựng bài thi được các Uỷ viên Ban thư
ký niêm phong tại chỗ. Mỗi túi bài thi được dán 3 nhãn niêm phong vào chính giữa
3 mép dán. Trên mỗi nhãn phải đóng dấu niêm phong vào bên phải và bên trái của
nhãn (một nửa dấu in trên nhãn, một nửa dấu in trên túi bài thi). Uỷ viên Ban thư ký và hai CBCT ghi
rõ họ tên và ký tên vào biên bản bàn giao.
Tuyệt đối không được để nhầm lẫn, mất
mát bài thi;
11- Sau giờ thi đầu tiên của mỗi môn thi,
CBCT thứ nhất báo cáo tình hình phòng thi cho Uỷ viên phụ trách điểm thi;
12- Các CBCT phải bảo vệ đề thi trong khi thi,
không để lọt đề thi ra ngoài phòng thi. CBCT thứ nhất nộp các đề thi thừa cho Uỷ
viên phụ trách điểm thi để niêm phong và giao cho Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh.
Các CBCT và những người làm nhiệm vụ phục vụ kỳ thi không được thảo luận,
sao chép, giải đề thi, mang đề thi ra ngoài hoặc giải thích đề thi cho
thí sinh.
Điều 40. Xử lý cán bộ tuyển sinh vi phạm quy chế
(trích những điểm liên quan đến CBCT)
1- Người tham gia công tác tuyển sinh có hành vi
vi phạm quy chế (bị phát hiện trong khi làm nhiệm vụ hoặc sau kỳ thi tuyển
sinh), nếu có đủ chứng cứ, tùy theo mức độ nặng nhẹ, sẽ bị cơ quan quản lý cán
bộ áp dụng quy định tại Pháp lệnh Cán bộ, Công chức và Nghị định số 35/2005/NĐ-CP
ngày 17/3/2005 của Chính phủ để xử lý kỷ luật; Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày
11/4/2005 của Thủ tướng chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục,
theo các hình thức sau đây:
a) Khiển trách đối với những người
phạm lỗi nhẹ trong khi thi hành nhiệm vụ.
b) Cảnh cáo đối với những người vi
phạm một trong các lỗi sau đây:
- Để cho thí sinh tự do quay cóp,
mang và sử dụng tài liệu hoặc các phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin,
ghi âm... tại phòng thi, bị cán bộ giám sát phòng thi hoặc cán bộ thanh tra tuyển
sinh phát hiện và lập biên bản.
c) Tùy theo mức độ vi phạm có thể bị
hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác (nếu là cán
bộ công chức, viên chức trong các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước), buộc thôi học
(nếu là sinh viên đi coi thi) đối với những người vi phạm một trong các lỗi sau
đây:
- Trực tiếp giải bài rồi hướng dẫn
cho thí sinh lúc đang thi.
- Lấy bài thi của thí sinh làm được
giao cho thí sinh khác.
d) Buộc thôi việc hoặc bị xử lý theo
pháp luật đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:
- Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc
đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi.
- Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi.
- Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của
thí sinh.
- Đánh tráo bài thi.
Cán bộ tuyển sinh làm mất bài thi của
thí sinh khi thu bài thi, vận chuyển, bảo quản, chấm thi hoặc có những sai phạm
khác trong công tác tuyển sinh, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý
kỷ luật theo một trong các hình thức kỷ luật quy định tại Điều này.
đ) Những cán bộ, sinh viên, học
sinh các trường kể cả trường trung học, tuy không tham gia công tác tuyển
sinh nhưng nếu có các hành động tiêu cực như: thi hộ, tổ chức lấy đề thi ra và đưa
bài giải vào cho thí sinh, gây rối làm mất trật tự tại khu vực thi sẽ bị buộc
thôi việc (nếu là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan doanh nghiệp
Nhà nước), đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học (nếu là học sinh,
sinh viên).
Những hình thức kỷ luật nói trên do
Hiệu trưởng quyết định, nếu người vi phạm thuộc quyền quản lý của nhà trường hoặc
lập biên bản đề nghị Bộ GD&ĐT có biện pháp xử lý, nếu người vi phạm không
thuộc quyền quản lý của nhà trường. Trong thời gian thi và chấm thi, nếu các Đoàn
hoặc cán bộ thanh tra tuyển sinh được thành lập, giao nhiệm vụ theo Quy chế của
Bộ GD&ĐT phát hiện thấy các trường hợp vi phạm quy chế thì lập biên bản tại
chỗ và đề nghị Chủ tịch HĐTS trường xử lý ngay theo các quy định của Quy chế
này.
2. Các hình thức xử lý vi phạm quy định tại khoản
1 Điều này, do cơ quan quản lý cán bộ ra quyết định theo thông báo về sai phạm
của cơ quan tổ chức kỳ thi, có thể kèm theo việc cấm đảm nhiệm những công việc
có liên quan đến thi cử từ 1 đến 5 năm.
3. Việc xử lý những cán bộ, giảng viên, giáo
viên, nhân viên cơ hữu của các trường ngoài công lập không phải là công chức,
viên chức vi phạm Quy chế Tuyển sinh do Hiệu trưởng quyết định xử lý theo quy định
của pháp luật lao động và Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Thủ tướng
Chính phủ.
HƯỚNG
DẪN COI THI TRẮC NGHIỆM
(Trích
Công văn số 3308/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 10
tháng 6 năm 2010 về việc tổ chức thi và chấm bài thi trắc nghiệm của Bộ Giáo dục
và Đào tạo)
1. Cán bộ coi thi có nhiệm vụ thực
hiện lịch làm việc như sau:
a)
Nhận túi đề thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, hồ sơ thi liên quan mang về phòng
thi, ghi số báo danh của thí sinh lên bàn (cách đánh số báo danh được thực
hiện theo quy định của Trưởng ban coi thi), ký tên vào phiếu trả lời trắc
nghiệm (TLTN), ký tên vào giấy nháp.
b)
30 phút trước giờ bát đầu làm bài: gọi thí sinh vào phòng thi, phát phiếu TLTN
và giấy nháp, hướng dẫn thí sinh điền vào các mục từ 1 đến 9 trên phiếu TLTN.
c)
15 phút trước giờ làm bài: kiểm tra niêm phong túi đề thi, mở túi đề thi và
phát đề thi theo các số báo danh đã ghi trên bàn (kể cả số báo danh của thí
sinh vắng mặt); đề thi được phát tuần tự theo hàng ngang hoặc theo cột dọc, đảm
bảo hai thí sinh ngồi cạnh nhau không có mã đề giống nhau. Khi phát đề thi, yêu
cầu thí sinh để đề thi dưới phiếu TLTN và không được xem đề thi. Khi
thí sinh cuối cùng nhận được đề thi thì cho phép thí sinh lật đề thi lên và ghi
mã đề thi vào phiếu TLTN. Nhắc thí sinh kiểm tra xem đề thi có đủ số câu theo
quy định không, nội dung có được in rõ ràng, có thiếu chữ, mất nét hay không và
tất cả các trang của đề thi có ghi cùng một mã đề thi không? nếu có những chi
tiết bất thường phải báo ngay cho CBCT xử lý. Cán bộ coi thi thu đề thi của những
thí sinh vắng mặt và niêm phong.
d)
Thông báo giờ bắt đầu làm bài, thời gian làm bài thi (đối với thi tuyển sinh đại
học, cao đẳng thời gian làm bài là 90 phút).
đ)
15 phút sau giờ làm bài: bàn giao cho thư ký Ban coi thi số đề thi và phiếu TLTN
còn dư (tại phòng thi).
e)
Thông báo cho thí sinh khi thời gian làm bài thi còn 15 phút và nhắc thí sinh
kiểm tra việc ghi và tô số báo danh, mã đề thi trên phiếu TLTN.
g)
Hết giờ làm bài, thu phiếu TLTN (không thu đề thi)
2. Xử lý
trong khi coi thi:
a) Sau khi phát đề thi, một cán bộ coi thi
lần lượt yêu cầu từng thí sinh ghi mã đề thi của mình vào 02 phiếu
thu bài thi, lưu ý thí sinh tuyệt đối không được ký tên vào phiếu vì
lúc này chưa nộp bài thi. Cán bộ coi thi phải giám sát để đảm bảo thí sinh ghi đúng
mã đề thi của mình vào phiếu thu bài thi.
b) Trong trường hợp đề thi thiếu câu, mất
nét, in mờ..., CBCT tìm đề thi có mã đề thi tương ứng hoặc có mã đề
thi khác với mã đề thi của những thí sinh ngồi bên cạnh để đổi cho thí sinh.
Bảo đảm mỗi thí sinh chỉ được phát 01 đề thi có mã khác với đề thi của những
thí sinh ngồi cạnh.
c) Trong khi thí sinh làm bài, CBCT phải bảo
vệ tất cả số đề thi và số phiếu TLTN đã nhận, không để lọt đề thi hoặc một phần
của đề thi và phiếu TLTN ra khỏi phòng thi. Phiếu trả lời trắc nghiệm bị hỏng
cũng phải được thu lại để bàn giao.
d) Nếu phát hiện 02 thí sinh ngồi cạnh nhau
theo hàng ngang có cùng mã đề thi, cần chuyển ngay 01 trong 02 thí sinh sang chỗ
khác, cùng hàng ngang, giữa 02 thí sinh có mã đề thi khác, sau đó ghi lại số
báo danh của thí sinh trên bàn.
đ) Khi phát hiện thí sinh làm bài sai quy
cách phải nhắc thí sinh sửa chữa. Không cho thí sinh ra ngoài trong suốt thời
gian làm bài, trường hợp quá cần thiết phải ra ngoài thì phải báo cho CBCT ngoài phòng thi xử lý. Cán bộ coi thi phải thu lại
đề thi và phiếu TLTN trước khi cho thí sinh ra ngoài.
e) Cán bộ coi thi không thu phiếu TLTN
trước khi hết giờ làm bài.
g) Khi hết giờ
làm bài, CBCT yêu cầu thí sinh ngồi tại chỗ, đặt bút xuống và tiến hành thu phiếu
TLTN. Trong quá trình thu phiếu TLTN, cán bộ coi thi phải kiểm tra kỹ việc ghi
và tô mã đề thi vào phiếu TLTN của thí sinh (so sánh mã đề thi đã ghi trên phiếu
TLTN và ghi trên phiếu thu bài thi với mã đề thi ghi trên tờ đề thi của thí
sinh; việc tô chì trong mục 10 tại các ô có tương ứng với chữ số ở đầu mỗi cột
hay không). Thu phiếu TLTN của thí sinh nào thì yêu cầu thí sinh đó ký tên vào 02
phiếu thu bài thi.
h) Cán bộ coi thi xếp phiếu TLTN theo số
báo danh từ nhỏ đến lớn, không xếp theo mã đề thi. Sau khi đã kiểm đủ tất cả
số phiếu TLTN theo số thí sinh dự thi và rà soát kỹ việc ký tên của thí sinh, CBCT
mới được cho thí sinh ra khỏi phòng thi.
i) Toàn bộ phiếu TLTN và một bản phiếu thu bài
thi (đã ghi mã đề thi và có đủ chữ ký thí sinh) bỏ vào túi bài thi để nộp
cho lãnh đạo hoặc thư ký Ban coi thi, rồi cùng niêm phong và ký
tên. Một bản phiếu thu bài thi còn lại để bên ngoài túi bài thi được bàn
giao cho Ban coi thi (để chuyển cho Thủ trưởng đơn vị lưu giữ, quản lý độc lập
với Tổ xử lý bài thi).