Tham dự Hội nghị về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, có PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng; Hiệu trưởng của 6 trường Đại học Kỹ thuật gồm: Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh , Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Thủy lợi và Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, cùng các đại biểu trong Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và đại diện lãnh đạo các đơn vị của 7 trường.
Sau phần phát biểu khai mạc của PGS.TS Phạm Duy Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, các đại biểu đã được nghe PGS. TS Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội trình bày báo cáo sơ kết về hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực đã được ký biên bản ghi nhớ giữa 7 trường như: phát triển chương trình đào tạo kỹ sư theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với chuẩn chương trình đảm bảo tương đương trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, tối thiểu 180 tín chỉ, hợp tác về tuyển sinh, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, truyền thông, quốc tế hóa giáo dục.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận sáng kiến, sáng tạo của các trường trong hợp tác để cùng nhau phát triển. Thứ trưởng gợi mở, bên cạnh biên bản ghi nhớ, hợp tác, hàng năm nên có kế hoạch và chọn ra những việc cần làm. Việc hình thành các nhóm trường đại học sẽ giúp các cơ sở đào tạo cùng hợp lực và tối ưu hóa nguồn lực. Khi đã kết nối với nhau thì sẽ có niềm tin và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với nhau để cùng nhau phát triển và có đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội.
Ngay sau đó, 7 trường Đại học kỹ thuật đã cùng nhau ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, 7 trường cùng hướng đến mục tiêu chung là cùng nhau phát triển, phát huy thế mạnh của mỗi trường để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động ứng dụng, chuyển đổi số trong quản trị đại học.
Nội dung về chuyển đổi số trong quản trị đại học mà 7 trường cùng ký kết hợp tác gồm: Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động chuyển đổi số, các nhóm giải pháp chuyển đổi số tại các trường; trong đó có các nhóm: quản trị số, đào tạo số, hạ tầng số và an toàn thông tin; hợp tác tổ chức triển khai phòng thí nghiệm ứng dụng chuyển đổi số dùng chung giữa các trường; tăng cường phối hợp nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm trong việc hiện đại hóa và bảo mật, số hóa dữ liệu thành tri thức. Qua đó, góp phần tăng trải nghiệm của sinh viên, trao quyền cho nhà nghiên cứu và tăng tốc độ nghiên cứu.
Nội dung hợp tác cũng đề cập đến việc xây dựng mạng lưới hạ tầng chuyển đổi số, cho phép trao đổi tài nguyên số giữa các trường như: thông tin, thư viện, học liệu số. Mặt khác, các trường sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị đại học, chiến lược quản trị hướng tới tự chủ đại học, đại học thông minh, đại học số. Cùng với đó, tăng cường phối hợp nghiên cứu và triển khai áp dụng mô hình quản trị đại học phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam nói chung và với điều kiện của từng trường đại học nói riêng.
Ban tổ chức kỳ vọng, hợp tác lần này nhằm nâng cao vai trò và tăng cường sự đóng góp của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các giảng viên của nhóm 7 trường trong việc tiên phong đổi mới, sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị đại học nhằm đạt được mục tiêu kép là: tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 và rút ngắn thời gian chuyển đổi mô hình hoạt động.
Dưới đây là một số hình ảnh sự kiện:
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại sự kiện
7 trường Đại học kỹ thuật đã cùng nhau ký biên bản ghi nhớ hợp tác
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác của Trường Đại học Mỏ - Địa chất