Phần lớn các sinh viên đều chọn cho mình một chuyên ngành (major) hoặc trường con (college or school) ngay khi nộp đơn vào trường, tuy nhiên điều này không bắt buộc. Nếu sinh viên chưa chọn cho mình một chuyên ngành nào, thì họ được gọi là "chưa quyết định" (undecided). Ở ĐH Ohio, sinh viên có thể chọn trường con và ngành bất kỳ lúc nào trong hai năm đầu đại học, và phải chọn trước khi tích lũy được 90 TC (tức là khoảng gần ½ khối lượng TC tối thiểu để tốt nghiệp). Mỗi sinh viên có một thông báo kiểm tra bằng cấp mà ở trường ĐH Ohio (và phần lớn các trường khác) gọi là DARS (viết tắt của degree audit report system). Cứ sau mỗi học kỳ thì nội dung của DARS lại được thay đổi để phản ánh những kết quả học tập sinh viên đã đạt được, để chỉ ra sinh viên còn cần phải đáp ứng những yêu cầu nào để tốt nghiệp. Tuy sinh viên được tự do đăng ký môn học, nhưng muốn đăng ký một môn nào đó sinh viên phải thỏa mãn một số yêu cầu, trong đó có yêu cầu tiên định (prerequisite). Do đó các giảng viên phải chấm bài và nộp điểm nhanh sau khi cho thi cuối kỳ, để sinh viên có thể đăng ký học tiếp, vì việc đăng ký một số môn học phụ thuộc vào kết quả các môn học trước đó có tốt hay không. Có những quy định cụ thể về thời hạn đăng ký môn học trong một học kỳ. Ví dụ, ở trường Ohio, sinh viên được tự đăng ký vào (add) hoặc đăng ký ra (drop) bất kỳ lúc nào trước 15 ngày sau khi học kỳ bắt đầu. Nếu đăng ký muộn hơn quy định trên thì phải được phép của giảng viên môn học đồng ý, và phải nộp một khoản lệ phí nhỏ. Nếu sinh viên không tự đăng ký vào một lớp nào đó được vì một lý do nào đó, ví dụ như vì không thỏa mãn được các yêu cầu tiên định, hoặc vì lớp đã kín chỗ, đã hết hạn tự đăng ký,..., thì sinh viên vẫn có thể đăng ký được nếu giảng viên của lớp đồng ý. Thậm chí, có một số ít môn học chỉ có thể đăng ký vào học được sau khi nhận được giấy đồng ý của giảng viên. Sinh viên khi đã tích lũy được gần đủ số tín chỉ để tốt nghiệp có thể kiểm tra DARS của mình để biết được đã hội đủ các điều kiện để tốt nghiệp chưa, và đăng ký xin tốt nghiệp (apply for graduation, or declare candidacy for graduation). Việc đăng ký này giúp phòng giáo vụ của trường (registrar office) kiểm tra chính thức quá trình học của sinh viên để kết luận là đã đủ tiêu chuẩn để tốt nghiệp chưa. Ngay cả trong trường hợp sinh viên đã hội đủ mọi tiêu chuẩn để tốt nghiệp, nếu không đăng ký xin tốt nghiệp thì vẫn chưa tốt nghiệp được và chưa được cấp bằng. Tuy vậy, điều này không ảnh hưởng gì đến việc sinh viên đi làm hoặc xin học tiếp cao học, vì ở Mỹ bằng chỉ là hình thức, còn bảng điểm chính thức (official transcript) mới quan trọng. Khi xin việc hoặc khi xin học tiếp cao học, nói chung người ta chỉ yêu cầu bảng điểm chứ không yêu cầu bằng. Trong một số trường hợp mà họ yêu cầu bằng thì chỉ cần một thư xác nhận của trường, nói rằng SV này đã thỏa mãn mọi tiêu chuẩn để cấp bằng, là được.
"Thầy đọc trò chép" vẫn có chất lượng cao?
Nói chung, đào tạo theo tín chỉ phản ánh một triết lý giáo dục chứ không phải là một phương pháp giảng dạy, và, vì thế, nó có thể có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ĐH từ quan điểm "toàn cục" hơn là từ quan điểm "cục bộ". Cụ thể hơn, một số ưu điểm mà có một số người gắn cho hệ tín chỉ, thực ra vẫn có thể tồn tại trong hệ niên chế, và một số nhược điểm được gắn cho hệ tín chỉ không đúng. Ví dụ, nếu nói rằng cách giảng dạy "thầy đọc trò chép" là nhược điểm của hệ niên chế, và cách giảng dạy chú trọng tranh luận, lôi cuốn sinh viên, là ưu điểm của hệ tín chỉ là không đúng. Thứ nhất, phương pháp Socrates như là một phương pháp sư phạm hiệu quả đã tồn tại từ thời cổ. Người Trung Quốc cũng có câu châm ngôn đại ý "nói cho tôi biết, tôi sẽ quên; chỉ cho tôi thấy, tôi sẽ nhớ; cho tôi cùng làm, tôi sẽ hiểu". Ở các trường ĐH danh tiếng ở các nước Nga, Pháp, Đức,... tuy không theo hệ tín chỉ, nhưng không thể nói là các giáo sư ở đó dạy theo kiểu "thầy đọc trò chép" được, mà ngược lại, khó có thể tìm thấy ở đâu có những lớp học lôi cuốn sinh viên hơn. Thứ hai, nhiều môn học hoặc nhiều lớp học, do tính chất của nó, chủ yếu vẫn được dạy theo cách "thầy đọc trò chép" hay "thầy diễn thuyết trò nghe", kể cả ở các trường ĐH lớn ở Mỹ.
Ưu điểm vẫn được "đặt" ở phương pháp
Ở các trường ĐH ở Mỹ thường các giảng viên đều cho sinh viên biết đề cương môn học (syllabus) vào đầu mỗi học kỳ, thường kiểm tra sinh viên giữa kỳ, cho và chấm các bài tập về nhà hoặc đề án cá nhân, đề án nhóm,... và thường phải duy trì giờ văn phòng (có mặt ở văn phòng khoảng 3-5 giờ trong một tuần để sinh viên có thể gặp nếu họ muốn). Tuy nhiên, chỉ có hai việc là cho sinh viên biết đề cương học và duy trì giờ văn phòng là nhiều ít mang tính bắt buộc, còn việc cho thi giữa kỳ bao nhiêu lần, cho điểm đi học và tham gia thảo luận không, với tỷ lệ bao nhiêu,..., các giảng viên đều có thể tự quyết định, vì tất cả những điều này đều có thể lý giải là thuộc phạm trù tự do hàn lâm (academic freedom). Trên thực tế, như là một truyền thống tốt và thường xuyên được các hiệu trưởng, trưởng khoa kêu gọi thực hiện, là việc các giảng viên hay cho thi giữa kỳ khoảng 2 lần, nhất là với các lớp học không có đồ án và các lớp mức thấp. Sinh viên cũng thích như vậy vì họ sợ nếu tất cả dồn vào kỳ thi cuối kỳ, thì tuần cuối cùng phải học ôn quá nhiều và độ rủi ro sẽ cao hơn. Việc sinh viên có quyền đánh giá giảng viên tự động dẫn đến là tuy không bắt buộc nhưng giảng viên nào cũng cho thi giữa kỳ; nhiều người còn cho điểm cho các hoạt động khác như đi học đều, chăm phát biểu, các đề án phụ hoặc cho thi lại, cho điểm thưởng,v.v.... Một số giảng viên lại còn áp dụng phương pháp cho điểm mang tên là curving , mà theo đó điểm của sinh viên trong một lớp phải có một "phân phối chuẩn", mà trên thực tế có nghĩa là nếu như không may gặp phải một lớp toàn sinh viên lười học (hãy tin tôi là có những lớp như thế), thì cũng phải cho nhiều điểm A, một số điểm B, còn điểm C, D hoặc F thì không nên cho, mà nếu có thì chỉ ít thôi [i] . Nhìn chung, nếu cộng tất cả lại thì những cách dạy như nêu trên là ưu điểm, vì nó quan tâm đến sinh viên và đề cao trách nhiệm của giảng viên. Nhưng đó là ưu điểm của một phương pháp giảng dạy chứ không phải là của hệ tín chỉ, vì những phương pháp đó cũng có thể áp dụng trong hệ niên chế (và không áp dụng trong hệ tín chỉ). Mặt khác, nói rằng "cắt vụn kiến thức" [ii] là nhược điểm của hệ tín chỉ cũng không hoàn toàn đúng, bởi vì trên thực tế thì các môn học trong hệ tín chỉ và hệ niên chế nói chung là không khác nhau. Nếu một lĩnh vực mà không đủ trình bày trong một môn học (như là trong một half course ở ĐH Harvard hay một môn 3-4 TC ở các trường khác), thì có thể trình bày trong 2 hoặc 3 môn (như full course ở ĐH Harvard, hoặc các môn học nằm trong một chuỗi, ví dụ như MATH263A-D ở ĐH Ohio).
Hệ tín chỉ có một số ưu điểm thực sự so với hệ niên chế
Ví dụ, nó cho phép sinh viên học nhanh chậm theo khả năng và/hoặc điều kiện cá nhân, hoặc chuyển đổi trường (transfer) dễ dàng. Những việc này nếu muốn thì vẫn có thể làm được trong hệ niên chế, nhưng rất bất tiện và không linh động như trong hệ tín chỉ. Nhưng điểm quan trọng hơn của hệ tín chỉ là nó nhấn mạnh tính đa dạng của nền tri thức, đề cao phương pháp để tìm hiểu thế giới (vật chất và tinh thần) hơn là những kiến thức cụ thể hoặc những thông tin cụ thể trong những lĩnh vực nào đó. Và trên cơ sở đó, cho phép sinh viên có những sự lựa chọn chương trình học theo sở thích của mình (nhưng không hoàn toàn tùy ý mà phải theo một số quy tắc). Một điểm nổi bật của các trường ĐH dạy theo hệ tín chỉ ở Mỹ là sự đa dạng, phong phú của các môn học khác nhau. Ở ĐH Ohio, tổng số các môn học khác nhau có thể tìm thấy trong niên giám là khoảng 5 nghìn môn [iii] ; ở các trường ĐH lớn khác của Mỹ số lượng các môn học có trong niên giám cũng nhiều tương tự. Tất nhiên, không phải năm học nào tất cả các môn đó cũng được dạy. Có những môn 2, 3 hoặc 4 năm mới dạy một lần, với số lượng sinh viên rất ít, và có những môn năm nào cũng có hàng chục lớp với hàng nghìn sinh viên. Sinh viên trong một lớp ít hay nhiều, phần lớn là do tính chất của môn học đó chứ không phải do chất lượng giảng dạy của giảng viên. Nhiều trường ĐH lớn ở Mỹ có những lớp có 400-500 sinh viên, thậm chí có lớp hơn 1000 sinh viên [iv] , trong khi đó cũng có những lớp chỉ có 3 sinh viên. Số sinh viên trong lớp nhiều hay ít còn phụ thuộc vào thời gian học có thuận tiện cho đa số sinh viên hay không, giảng viên cho điểm dễ hay khó, v.v... Các trường ĐH ở Mỹ không trả lương cho giảng viên dựa trên số lượng sinh viên vì, trên thực tế, thời gian giảng bài cho 1000 sinh viên cũng bằng thời gian giảng bài cho 3 sinh viên. Việc đánh giá sinh viên (chấm bài, cho điểm,...) trong những lớp có đông sinh viên thường được phân công cho các sinh viên cao học. Có thể, những giảng viên dạy những lớp lớn sẽ được cho thêm điểm (và như vậy là thêm một chút lương) vào các kỳ đánh giá hàng năm, sẽ được xem xét để giảm bớt số lớp phải dạy (ví dụ, chỉ phải dạy 1 lớp thay cho 2 lớp). Nói tóm lại, các công việc giảng dạy được phân công một cách công bằng nhất có thể, và tiêu chuẩn quan trọng nhất là giảng viên đó cần phải dành bao nhiêu thời gian cho công việc giảng dạy của mình. Ngoài các trường lớn, ở Mỹ có rất nhiều trường ĐH cỡ vừa và nhỏ, và tất cả đều đào tạo theo hệ tín chỉ. Tất nhiên, ở những trường chỉ có một vài nghìn sinh viên, với dăm bảy chục giảng viên, thì cuốn niên giám của họ mỏng hơn nhiều, và họ không thể có nhiều môn học như ở các trường lớn được. Hệ quả là sinh viên có ít lựa chọn hơn. Nhưng điều đó không thật quan trọng, miễn là sinh viên vẫn được tự chọn, tự xây dựng cho mình một chương trình học vừa đáp ứng được sở thích riêng, trong phạm vi có thể, vừa đáp ứng được các yêu cầu của giáo dục kiến thức rộng và yêu cầu chuyên ngành. Thực tế là ở Mỹ có rất nhiều trường ĐH nhỏ có số lượng sinh viên và giảng viên không nhiều, và như vậy không có nhiều lựa chọn các môn học, nhưng có chất lượng giảng dạy rất tốt. Nói chung, các trường đều khuyến khích giảng viên đề xuất các môn học mới. Giảng viên nào cũng có quyền đề xuất môn học mới. Có những quy định chi tiết về các thủ tục phải làm, theo các mẫu có sẵn, khi giảng viên muốn đề xuất một môn học mới, trong đó có tên gọi và mã của môn học, nội dung tóm tắt, sách giáo khoa sẽ sử dụng (nếu có), v.v... Nếu môn học được thông qua, nó sẽ được bổ sung vào niên giám và, tùy theo nhu cầu của sinh viên cũng như quyết định của trưởng khoa, có thể được dạy cho sinh viên. Mặt khác, nếu một môn học nào quá lâu không được dạy, và trường cũng không còn giảng viên có thể dạy được môn đó nữa, thì các tiểu ban về chương trình học của các khoa có thể đề nghị bỏ ra khỏi niên giám.
Bài 3: Hệ tín chỉ: "Viết lại một quyển niên giám"
Khi một trường ĐH chuyển từ hệ niên chế sang hệ tín chỉ, xuất hiện một loạt các vấn đề về: chương trình học, áp dụng CNTT trong quản lý, huấn luyện cho nhân viên và giảng viên về hệ tín chỉ, cố vấn cho sinh viên,..., trong đó xây dựng chương trình học và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý học của sinh viên là hai vấn đề quan trọng nhất.
|
Đại học DL Thăng Long. Ảnh:Lê Anh Dũng
|
Chỉ chú trọng đào tạo chuyên môn, vừa thừa vừa thiếu
Như đã nói ở trên, hệ tín chỉ ở Mỹ cho phép sinh viên được tự do lựa chọn môn học theo ý thích của mình nhưng phải tuân theo những quy tắc nhất định, tức là phải thỏa mãn các yêu cầu của giáo dục kiến thức rộng và các yêu cầu của chuyên ngành.
Cụ thể, sinh viên phải chọn từ 25%-35% phân phối tương đối đều trong các lĩnh vực toán, ngôn ngữ, khoa học tự nhiên, văn học nghệ thuật, khoa học xã hội,... của chương trình giáo dục kiến thức rộng, và 35%-50% trong các lĩnh vực chuyên ngành, số còn lại được chọn tự do không ràng buộc.
Ở Việt Nam, có thể nói rằng tất cả các trường ĐH đều có một chương trình lõi gần giống như nhau, bao gồm các môn bắt buộc như Triết học Max-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa duy vật, Lịch sử Đảng, v.v... Về mặt thực chất, chương trình đó có thể xem là chương trình giáo dục kiến thức rộng ở các trường ĐH ở Việt Nam.
Một số trường chia các môn học thành các môn đại cương và chuyên nghiệp, nhưng tuyệt đại đa số các môn học đại cương này cũng chỉ gồm các môn triết học nói trên và các môn cơ bản của chuyên ngành. Không có những yêu cầu giáo dục kiến thức rộng thực sự.
Như vậy, vấn đề là chúng ta có nên mở rộng chương trình giáo dục kiến thức rộng hiện nay để đưa thêm một số môn trong các lĩnh vực kiến thức khác nhau hay không? Có nhất thiết phải bắt buộc sinh viên các ngành xã hội học các môn tổng quan về khoa học tự nhiên hay công nghệ, và sinh viên các ngành tự nhiên học các môn tổng quan về văn học và nghệ thuật, khoa học xã hội, hay những vấn đề chung của khoa học và công nghệ, hay không?
Có thể thấy là các trường ĐH ở Việt Nam cho đến nay có xu hướng chú trọng đào tạo chuyên môn hơn là giáo dục kiến thức rộng.
Điều này có thể được giải thích là vì các nhà giáo dục Việt Nam cho rằng sinh viên đã được học đầy đủ các kiến thức rộng trong trường phổ thông rồi, và việc dạy thêm các kiến thức khác ngoài chuyên môn trong trường ĐH là một sự lãng phí.
Mong ước đưa Việt Nam tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng được phản ảnh trong các chương trình học của các khoa khoa học tự nhiên và công nghệ được xếp dày đặc các môn học rất sâu về chuyên môn ngay trong chương trình cử nhân (chất lượng dạy các môn đó ở các trường ĐH ở Việt Nam như thế nào là một đề tài khác).
Trường ĐH trang bị gì cho sinh viên?
Các trường ĐH ở Việt Nam, khi chuyển sang hệ tín chỉ, cần hiểu rõ bản chất của hệ tín chỉ ở Mỹ và của hệ giáo dục ĐH ở Việt Nam, đặt chúng trong môi trường kinh tế và xã hội của mỗi nước để xem có cần phải thay đổi chương trình học hay không, và nếu cần phải thay đổi thì với mức độ như thế nào. |
Thực tế cho thấy khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, và những gì sinh viên học được trong bốn năm ở trường ĐH chỉ là những phần cơ sở nhập môn của các chuyên ngành học mà thôi.
Vì vậy, thay vì tham vọng nhồi nhét các kiến thức chuyên ngành, điều có ích hơn là đạt được một sự cân bằng giữa học chuyên ngành và kiến thức rộng, bao gồm cả việc rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng phân tích, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, truyền đạt thông tin, các kỹ năng mềm về các lĩnh vực làm việc độc lập cũng như làm theo nhóm, hợp tác tốt với đồng nghiệp, tâm lý học, v.v...
Điều đặc biệt quan trọng là phải làm sao để sinh viên xác định được là những kiến thức học được ở trường chỉ là phần mở đầu thôi. Nhưng đó là phần mở đầu rất quan trọng, chuẩn bị cho họ kiến thức và kỹ năng để họ tiếp tục học suốt chặng đời tiếp theo, ngay từ những ngày tháng đầu tiên rời ghế nhà trường để đi vào cuộc sống.
Yêu cầu "đào tạo theo nhu cầu xã hội" là chính đáng, nhất là trong điều kiện Việt Nam; chúng ta còn quá nghèo để có thể cho phép mình lãng phí đào tạo ra rồi không sử dụng được vào mục đích gì.
Tuy nhiên, nhu cầu của các doanh nghiệp về lao động rất đa dạng và thay đổi liên tục, cho nên nếu các doanh nghiệp muốn sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể hòa nhập ngay vào môi trường kinh doanh của họ thì chỉ có cách là họ tự mở trường đại học của công ty họ.
Trên thực tế các công ty lớn ở Mỹ đều có các bộ phận đào tạo của công ty, chuyên giúp cho các nhân viên mới vào làm quen nhanh với các quy trình và công cụ chuyên môn được sử dụng trong công ty. Nhiều khi, các công ty này hợp tác với các trường ĐH để đào tạo, hoặc outsource việc huấn luyện này cho các công ty chuyên về huấn luyện cho doanh nghiệp (corporate training companies).
Chúng ta cần hiểu đúng đào tạo theo nhu cầu xã hội không có nghĩa là đào tạo theo nhu cầu của một doanh nghiệp cụ thể nào, cho dù doanh nghiệp đó rất có quy mô và uy tín, mà là cần phải thường xuyên cập nhật giáo trình, chương trình, đổi mới các môn học, ngành học. Đồng thời duy trì mối quan hệ giữa trường ĐH và các doanh nghiệp thông qua hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và tìm việc làm, v.v...
Thông qua những mối quan hệ trường ĐH và doanh nghiệp như thế, có thể tìm thấy những kỹ năng nào là quan trọng nhất, cần thiết nhất trong quá trình hội nhập của sinh viên vào cuộc sống, để trên cơ sở đó thiết kế những chương trình đào tạo sao cho sau khi tốt nghiệp sinh viên dễ thích nghi với các điều kiện làm việc khác nhau.
Vì thế, tôi cho rằng các trường ĐH ở Việt Nam cũng cần xây dựng lại chương trình đào tạo sao cho đạt được sự cân bằng giữa kiến thức chuyên môn và kiến thức rộng.
Tuy nhiên, thời gian học của sinh viên chỉ hạn chế trong 4 năm và chương trình học không nên quá nặng nề, để khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu.
Một đặc điểm nữa của giáo dục ĐH ở Việt Nam là cần phải chú trọng nhiều đến tiếng Anh. Do đó, chương trình giáo dục kiến thức rộng của các trường ĐH ở Việt Nam có thể chỉ chiếm khoảng 10%-20% tổng sốTC mỗi sinh viên phải tích lũy.
Tiếng Anh cũng có thể chiếm khoảng 10% tổng số tín chỉ nữa, còn lại là chương trình chuyên ngành (40%-60% số TC), chương trình triết học Max-Lenin, và các môn tự chọn hoàn toàn theo sở thích. Cũng có thể gộp chương trình triết học Max-Lenin vào chương trình giáo dục kiến thức rộng.
Hệ tín chỉ = "Viết lại một quyển niên giám"
Như vậy, mặc dù các trường ĐH ở Việt Nam đều có các chương trình học đang sử dụng, việc xây dựng lại chương trình học khi chuyển sang hệ tín chỉ là điều bắt buộc phải làm.
Nói một cách ngắn gọn, xây dựng chương trình học theo hệ tín chỉ tức là viết lại một quyển niên giám cho trường ĐH.
Nhưng không chỉ là một liệt kê các môn học, mà phải là một quyển niên giám với đầy đủ chức năng của nó, để làm sao mỗi sinh viên đều có thể tìm thấy ở đó đầy đủ thông tin về các môn học, về các yêu cầu để được nhập học, đăng ký học các môn, đăng ký chuyên ngành và tốt nghiệp, v.v...
Cụ thể hơn, sau đây là liệt kê một số yêu cầu mà quyển niên giám phải có:
- Mỗi một môn học đều phải có tên môn học, mã, số TC, nội dung tóm tắt và yêu cầu tiên quyết;
- Phải có quy định cụ thể về chương trình giáo dục kiến thức rộng và danh sách những môn nằm trong chương trình này;
- Phải có quy định cụ thể về yêu cầu của các trường con và các khoa, danh sách các chuyên ngành của các khoa (tên và mã của từng chuyên ngành), và các yêu cầu cụ thể của từng chuyên ngành (số TC cần phải học về chuyên ngành, danh sách của các môn có thể lựa chọn, các hạn chế, một số lựa chọn mẫu để sinh viên tham khảo,...).
Công việc xây dựng chương trình là một khối lượng công việc lớn và phải huy động rộng rãi các giảng viên trong trường tham gia. Từ việc tập hợp lại các môn hiện nay đang dạy, cấp cho mỗi môn một mã hợp lý, viết một giới thiệu tóm tắt (không quá 200 chữ) cho từng môn, quy định yêu cầu tiên quyết, số TC,..., đến việc xây dựng chương trình giáo dục kiến thức rộng, các chương trình của các khoa và các chuyên ngành.
Ngoài ra, cần phải thiết kế thêm một số môn học bổ sung để phục vụ cho hệ tín chỉ, để cung cấp thêm cho các chương trình chuyên ngành và đặc biệt là cho các chương trình giáo dục kiến thức rộng, để sinh viên thực sự được lựa chọn, cho dù còn là một lựa chọn hạn chế.
Nếu không làm như thế, tôi e rằng việc chuyển đổi từ hệ niên chế sang tín chỉ chẳng qua là đem cái khung tín chỉ đè lên cái hệ niên chế mà thôi.
Để cho công việc tiến hành có hiệu quả, đúng tiến độ, mỗi trường ĐH phải có một hội đồng chương trình phụ trách chung việc xây dựng các chương trình học. Trong hội đồng chương trình cần có các ban phụ trách chương trình giáo dục kiến thức rộng và các chương trình chuyên môn, và mỗi trường con, mỗi khoa phải có các ban xây dựng các chương trình chuyên môn.
Xây dựng các chương trình học phải là công việc chung của đội ngũ giảng viên của toàn trường. Các ban nói trên có trách nhiệm tổ chức, phân công công việc đến các nhóm giảng viên để xây dựng các chương trình học, chứ không phải là họ phải trực tiếp làm công việc này.
Bài 4: Quản lý "thủ công" sẽ bóp méo hệ tín chỉ
Trong lộ trình chuyển đổi từ hệ niên chế sang hệ tín chí, các trường ĐH cỡ trung bình và lớn ở Việt Nam sẽ phải có kế hoạch áp dụng CNTT trong việc quản lý học tập của sinh viên.
Quản lý học tập của SV: CNTT nên đi trước 1 bước
|
Toàn cảnh buổi toạ đàm "Ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục" tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Dũng
|
Khi chuyển sang đào tạo theo hệ tín chỉ, số lượng công việc liên quan đến thông tin về sinh viên tăng lên một cách đáng kể.
Ví dụ, các thông báo DARS nói đến ở trên cần phải được nhanh chóng cập nhật sau mỗi học kỳ và gửi đến cho sinh viên, vì việc đăng ký các môn học tiếp theo phụ thuộc vào kết quả học trước đó được phản ánh lại trong DARS. Còn có rất nhiều những chi tiết rắc rối khác liên quan đến các yêu cầu khác nhau của các khoa, các chương trình chuyên ngành, v.v...
Những trường ĐH nhỏ, với khoảng một vài nghìn sinh viên, có thể vẫn vận hành được bằng những phương pháp thủ công kết hợp với áp dụng vi tính văn phòng, vì việc vào điểm thủ công và in thủ công các thông báo DARS cho một hoặc hai nghìn sinh viên, tuy rất vất vả và mất nhiều thời gian, có thể vẫn làm được.
Nhưng độ phức tạp của công việc này tăng lên rất nhanh khi số lượng sinh viên môn học và chuyên ngành tăng. Với những trường lớn trên 10 nghìn sinh viên và đào tạo theo hệ tín chỉ, nếu không áp dụng CNTT thì việc đăng ký học của sinh viên chắc chắn sẽ rất lộn xộn, các trường sẽ phải đơn giản hóa thủ tục đến mức mà phải thỏa hiệp hầu hết các yêu cầu chặt chẽ về đăng ký học, tức là làm cho hệ đào tạo không thực sự còn là hệ tín chỉ nữa!
Công nghệ thông tin áp dụng trong trường ĐH chủ yếu thông qua 3 bộ phần mềm về nhân sự (HR), tài chính (finance) và hệ thông tin sinh viên (SIS).
Nói chung, những hệ này có thể được triển khai độc lập, tuy nhiên xu hướng hiện nay ở các trường ĐH ở Mỹ là sử dụng các hệ thống phần mềm tích hợp tương tự như các hệ ERP (enterprise resource planning) của các doanh nghiệp. Hệ thông tin sinh viên (TTSV) đóng vai trò như phần quan hệ khách hàng (CRM) trong ERP của doanh nghiệp, nhưng nó có nhiều tính chất đặc thù, phức tạp hơn, và nói chung là khác các hệ CRM dành cho các doanh nghiệp.
Không đi vào chi tiết của việc ứng dụng CNTT trong các trường ĐH, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng trong lộ trình chuyển đổi từ hệ niên chế sang hệ tín chí, các trường ĐH cỡ trung bình và lớn ở Việt Nam sẽ phải có kế hoạch áp dụng CNTT trong việc quản lý học tập của sinh viên.
Nếu điều kiện chưa cho phép, có thể chưa áp dụng ERP trong trường, hoặc chưa có một hệ TTSV đầy đủ, nhưng ít nhất cũng cần một hệ TTSV đủ để hỗ trợ cho việc đào tạo theo hệ tín chỉ (hệ TTSV đăng ký học).
Phần mềm hệ TTSV: Nên "nội hóa"
Có lẽ hiện nay ở Việt Nam chưa có những hệ thống phần mềm đáp ứng những yêu cầu này. Thông thường, khi một công ty phần mềm thiết kế một hệ thống mới cho một doanh nghiệp, họ và doanh nghiệp kết hợp với nhau thành lập một đội hỗn hợp gồm nhân viên của hai bên để thảo luận về các chức năng cần thiết và quy trình vận hành.
Nhưng các kỹ sư phần mềm của Việt Nam chưa có điều kiện để tìm hiểu các chức năng cần có của một hệ thông tin SV trong trường ĐH, còn các công chức và nhân viên ở các trường ĐH cũng nói chung là chưa có nhiều kinh nghiệm sử dụng các hệ thông tin SV, và điều đó là trở ngại lớn cho việc hợp tác.
Việc hy vọng các tổ chức quốc tế sẽ cho không các trường ĐH Việt Nam các phần mềm hệ TTSV là phi thực tế.
Ngay cả khi họ cho không, những sản phẩm đó cũng không thể sử dụng ngay được, vì các hệ TTSV không phải là một phần mềm đóng gói cứ cài đặt vào máy là chạy. Các hệ thống chỉ chung nhau một cái "lõi", còn khi áp dụng vào từng trường ĐH thì phải thay đổi rất nhiều để phù hợp với các đặc điểm riêng của từng trường.
Thông thường ở Mỹ, giá của phần mềm chỉ chiếm khoảng 15% tổng chi phí để triển khai một hệ TTSV, còn lại là phần cứng (10%), tư vấn từ công ty cung cấp dịch vụ (45%) , chi phí cho đội ngũ triển khai từ phía nhà trường (20%) và chi phí đào tạo sử dụng (10%).
Nếu một công ty phần mềm ở nước ngoài miễn phí cho các trường ĐH ở Việt Nam giá thành của phần mềm, thì cũng vẫn phải trả chi phí tư vấn để triển khai, tức là lương cho nhân viên của họ sang để sửa đổi, bổ sung, chuyển giao,... Những chi phí này rất lớn vì khối lượng công việc phải làm thêm rất nhiều (tính đến các sự khác nhau giữa các hệ thống ĐH của Mỹ và Việt Nam), cộng với các chi phí vé máy bay, khách sạn,... Ngoài ra, mỗi khi có vấn đề gì cần giải quyết gấp thì khoảng cách địa lý xa sẽ gây nhiều trở ngại và chi phí lớn.
Vì những lý do trên, giải pháp sử dụng các hệ TTSV của các công ty phần mềm Việt Nam sản xuất vẫn thực tế hơn cả.
Nói chung, ở Việt Nam có nhiều lập trình viên rất giỏi, như là một dàn nhạc đã có đầy đủ các nhạc công giỏi. Cho nên có thể tin rằng nếu có một sự hợp tác tốt giữa các công ty phần mềm và các trường ĐH, thì có thể thiết kế và cho ra đời thành công phần mềm hệ TTSV đáp ứng các yêu cầu của việc chuyển đổi giáo dục ĐH Việt Nam sang hệ tín chỉ, như kế hoạch của Bộ GD&ĐT.