Bảng xếp hạng Webometrics được thực hiện bởi một đơn vị nghiên cứu cấp quốc gia của Tây Ban Nha từ năm 2004.
Mặc dù ban đầu đây chỉ thuần tuý là bảng xếp hạng website các trường đại học, nhưng qua thời gian, có nhiều yếu tố cho thấy Webometrics đang hướng tới một bảng xếp hạng các trường đại học thực sự.
Hiện nay, mỗi năm 2 lần (vào tháng 1 và tháng 7), Webometrics đưa ra kết quả xếp hạng cho các trường đại học trên thế giới dựa trên 4 chỉ số đánh giá các thông số của website và công bố khoa học của các cơ sở giáo dục. Bốn chỉ số này là:
1. Mức độ hiện diện (Presence): Số lượng các trang web con nằm trong tên miền web chính của một trường. Trọng số 10%.
2. Mức độ ảnh hưởng (Impact): Số lượng các liên kết (backlink) từ các website bên ngoài vào các trang web của trường đang xem xét. Trọng số 50%.
3. Mức độ mở (Openess): Số lượng các trích dẫn các công trình khoa học từ các tác giả hàng đầu của trường đang xem xét trên nguồn dữ liệu Google Scholar. Trọng số 10%.
4. Mức độ xuất sắc (Excellence): Số lượng các bài báo trong số những bài báo được trích dẫn nhiều nhất ở 26 lĩnh vực, công bố trong hệ thống tạp chí Scopus do Scimago thống kê. Trọng số 30%.
Theo bảng xếp hạng Webometrics tháng 1/2017, 10 đại học, trường đại học, học viện Việt Nam có xếp hạng cao nhất gồm:
1. Đại học Quốc gia Hà Nội (vị trí 1580 trên thế giới)
2. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (vị trí 1764 trên thế giới)
3. Học viện Nông nghiệp Việt Nam (vị trí 2070 trên thế giới)
4. Trường Đại học Cần Thơ (vị trí 2261 trên thế giới)
5. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (vị trí 2588 trên thế giới)
6. Đại học Quốc gia TPHCM (vị trí 2758 trên thế giới)
7. Trường Đại học Mỏ - Địa chất (vị trí 3159 trên thế giới)
8. Đại học Thái Nguyên (vị trí 3267 trên thế giới)
9. Trường Đại học Bách khoa TPHCM (vị trí 3550 trên thế giới)
10. Trường Đại học Nông Lâm TPHCM (vị trí 3576 trên thế giới)
Với vị trí 3159 trên thế giới, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đứng ở vị trí 89 trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù vẫn tiếp tục là 1 trong 8 trường đại học của Việt Nam lọt top 100 khu vực Đông Nam Á nhưng so với bảng xếp hạng được công bố hồi tháng 7/2016, Trường Đại học Mỏ - Địa chất bị tụt 2 bậc, từ vị trí số 5 xuống vị trí số 7 trong bảng xếp hạng các trường đại học của Việt Nam.
Lý giải cho sự tụt hạng này, PGS. TS. Lê Văn Hưng - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết: “Xếp hạng của Trường Đại học Mỏ - Địa chất trên thế giới giảm từ vị trí 2812 xuống vị trí 3159 chủ yếu là do chỉ số Impact của website Nhà trường (trọng số 50%) giảm mạnh từ vị trí 1443 xuống vị trí 5673. Chỉ số này đo lường mức độ ảnh hưởng của nội dung website đối với cộng đồng mạng thông qua số lượng các liên kết từ các trang web bên ngoài tới website của Nhà trường. Số lượng liên kết này đã giảm gần một nửa so với lần đánh giá xếp hạng tháng 7/2016. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân sau: Dữ liệu đánh giá được thu thập từ ngày 1 đến ngày 20/1/2017. Thời gian này, Nhà trường vừa chuyển sang dùng cổng thông tin điện tử mới nên số lượng tin, bài viết chưa nhiều và vì vậy, số lượng bài được đăng tải lại hoặc tham chiếu (có liên kết) đến từ các trang web bên ngoài là không nhiều. Qua đây cũng thấy rằng để Nhà trường có được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng Webometrics, chúng ta cần những bài viết có chất lượng, có sức lan tỏa trên cổng thông tin điện tử. Đây có thể là những bài viết phổ biến kiến thức, có tính hướng dẫn, kiến giải và đưa ra những giải pháp cho các hiện tượng tự nhiên, xã hội xảy ra ở nước ta,…
Ngoài Impact, trong lần đánh giá này chỉ có thứ hạng chỉ số Presence của Trường ta tăng còn thứ hạng của 2 chỉ số còn lại là Openess và Excellence đều giảm, đặc biệt là Openess (giảm 849 bậc). Đây cũng là chỉ số mà nhiều trường đại học Việt Nam bị tụt giảm thứ hạng. Cụ thể, Webometrics xếp hạng chỉ số này theo tổng số lượng trích dẫn vào các bài báo khoa học của 9 nhà khoa học hàng đầu của cơ sở giáo dục đang xét (10 người cao nhất loại đi người có số lượng trích dẫn nhiều nhất) có hồ sơ trên Google Scholar, trong khi ở nước ta chưa có nhiều nhà khoa học tạo hồ sơ công bố trên Google Scholar. Do vậy, các nhà khoa học của Trường nên tạo hồ sơ công bố khoa học của mình trên Google Scholar. Đặc biệt, trong các công bố phải ghi đúng tên trường là Hanoi University of Mining and Geology và sử dụng email của Nhà trường có tên miền trùng với tên miền của cổng thông tin điện tử. Nếu không, các trích dẫn của những công bố này sẽ không được tính cho Trường”.