Khoan - nổ mìn là khâu quan trọng đầu tiên trong quá trình khai thác mỏ, là một trong những phương pháp phá vỡ đất đá hiệu quả nhất trong khai thác ở các mỏ lộ thiên hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì tác động của nổ mìn đến môi trường xung quanh là rất lớn.
Hiện nay, ngoài việc thực hiện tốt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 2008 của Bộ Công thương về an toàn trong nổ mìn ở các mỏ lộ thiên thì việc áp dụng công nghệ tiên tiến, các phương pháp, phần mềm tính toán cho độ chính xác và an toàn cao cũng được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả.
Để giảm thiểu những tác hại về chấn động nổ mìn xuống mức thấp nhất đối với môi trường xung quanh, việc áp dụng các thuật toán AI hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng, mang lại hiệu quả cao. Dựa trên cách tiếp cận này, qua điều tra, khảo sát, các nhà khoa học của Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng đã phát triển được mô hình trí tuệ nhân tạo để dự báo chính xác sóng chấn động sinh ra do nổ mìn ở các mỏ lộ thiên. Phương pháp này vừa đảm bảo độ chính xác, tin cậy, đáp ứng được mục tiêu giảm tác hại của việc nổ mìn xuống mức thấp nhất.
Tiếp cận công nghệ 4.0, Trường Đại học Mỏ - Địa chất được xem là một trong những đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến để đảm bảo an toàn trong nổ mìn. "Sử dụng các thuật toán này tính toán cho điều kiện cụ thể sẽ đem lại những hiệu quả lớn cho các mỏ ở Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững" - GS.TS Bùi Xuân Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trưởng Bộ môn Khai thác lộ thiên khẳng định.
Xem chi tiết nội dung phóng sự "An toàn trong nổ mìn" được Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện cùng Bộ môn Khai thác lộ thiên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất ở đường link dưới đây:
https://vtv.vn/video/quoc-gia-so-28-7-2018-314068.htm