Thời gian thực hiện: 2017-2018
Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Bùi Hoàng Bắc
Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Mỏ - Địa chất
Thời gian nghiệm thu: 14h00' ngày 14 tháng 6 năm 2019 (Thứ Sáu)
Địa điểm: Phòng họp Thuận Thành, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Phường Đức Thắng - Quận Bắc Từ Liêm - TP Hà Nội;
Trân trọng kính mời các đại biểu và nhà khoa học quan tâm tới dự.
THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
Làm sáng tỏ đặc điểm phân bố và chất lượng của khoáng vật nano dạng ống haloysit khu vực Thạch Khoán, Phú Thọ và đề xuất định hướng sử dụng haloysit khu vực Thạch Khoán, Phú Thọ.
Tính mới và sáng tạo:
- Xác định sự tồn tại của khoáng vật haloysit dạng ống khu vực Thạch Khoán, Phú Thọ.
- Xác định được sự phân bố của hai nhóm haloysit (theo diện và theo chiều thẳng đứng) trong đới phong hóa từ pegmatite trong khu vực nghiên cứu.
- Xác định được thàng phần haloysit theo cỡ hạt và các đặc tính cơ bản (chiều dài, chiều rộng, diện tích bề mặt, kích thước độ rỗng) của haloysit khu vực nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu:
- Khoáng vật haloysit dạng ống tồn tại trong các tầng phong hóa, bán phong hóa từ các thân pegmatit khu vực nghiên cứu và lân cận.
- Trong moong đang khai thác, mật độ haloysit tăng dần theo chiều từ trên xuống dưới, từ mức độ phong hóa mạnh đến yếu và tỷ lệ nghịch với mật độ của khoáng vật kaolinit. Cụ thể: Đối với cỡ hạt <90µm: tầng 1: 83,3%; tầng 2: 64,9%; tầng 3: 57,7%. Đối với cỡ hạt <32 µm: tầng 1: 87,3%, tầng 2: 66,7%, tầng 3: 54,6%. Đối với cỡ hat <2 µm: tầng 1: 92,8%, tầng 2: 87,9% và tầng 3: 80,3%. Trung bình cho các cỡ hạt là cỡ hạt <90 µm: 68,6%, cỡ hạt <32 µm: 69,6% và cỡ hạt <2 µm: 87%.
- Trong đới phong hóa, nhóm haloysit có chiều dài ngắn, đường kính ngoài của ống to thì phân bố ở tầng trên cùng, trong khi đó nhóm haloysit có chiều dài dài, đường kính ngoài của ống nhỏ hơn thì phân bố ở tầng dưới.
- Các haloysit có chiều dài ngắn trong mẫu ở tầng trên cùng của moong khai thác được phân bố chủ yếu ở độ dài từ 250 đến 750 nm, chiếm 47,2% trong tổng số các haloysit trong mẫu. Trong khi đó, các haloysit có chiều dài chiếm ưu thế trong mẫu ở tầng dưới chân moong với 69,9% độ dài từ 750 đến 1250 nm.
- Các haloysit có chiều dài ngắn có đường kính ngoài các ống > 100 nm chiếm 79,1% các haloysit có trong mẫu ở tầng trên cùng của moong (UPS), trong khi các haloysit có độ dài lớn hơn thì lại có đường kính ngoài ống trong khoảng 50 - 100 nm chiếm 74,2% các haloysit có trong mẫu phân tích ở tầng dưới chân moong.
- Diện tích bề mặt của haloysit được xác định cho các mẫu tầng trên và tầng dưới lần lượt là 15,7434 và 22,0211 m2/g. Độ rỗng trung bình của haloysit tầng trên và tầng dưới lần lượt là 18,9837 và 17,0281 nm.
- Các đặc tính về hình thái và kích thước của haloysit khu vực nghiên cứu khá tương đồng với haloysit trong một số mỏ trên thế giới. Tuy nhiên, kích thước chiều rộng của ống haloysit khu vực nghiên cứu dường như to hơn các haloysit khu mỏ khác trên thế giới.
Sản phẩm của đề tài:
- Bài báo đăng trên tạp chí Quốc tế ISI: 01 bài;
- Bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước: 01 bài;
- Đào tạo Thạc sỹ: 02 học viên;
- Hướng dẫn sinh viên NCKH: 02 nhóm;
- 01 Báo cáo phân tích, đánh giá đặc điểm phân bố và chất lượng khoáng vật dạng ống haloysit khu vực Thạch Khoán, tỉnh Phú Thọ.
- 01 Sơ đồ phân bố các mỏ kaolin chứa haloysit dạng ống khu vực Thạch Khoán, Phú Thọ
Phương thức chuyển giao, địa chỉ ứng dụng, tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu:
Phương thức chuyển giao:
- Chuyển giao trực tiếp các kết quả nghiên cứu để sử dụng trong cơ sở đào tạo, các cơ quan nghiên cứu khoa học và các cơ sở sản xuất.
Địa chỉ ứng dụng:
- Trường Đại học Mỏ - Địa chất,
- Các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học,
- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.