Trường Đại học Mỏ - Địa chất đón tiếp đoàn Trường Đại học Trisakti (Indonesia) đến thăm và làm việc

13/05/2025

Từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 5 năm 2025, Trường Đại học Mỏ - Địa chất (HUMG) vinh dự đón tiếp đoàn công tác từ Trường Đại học Trisakti (Indonesia) trong khuôn khổ chương trình giao lưu học thuật và trải nghiệm văn hóa. Đoàn gồm các giảng viên, cán bộ và sinh viên Trường Đại học Trisakti, do TS. Suryo Prakoso – Trưởng Khoa Công nghệ Địa chất và Năng lượng – dẫn đầu. Chuyến thăm không chỉ là dịp để hai bên trao đổi chuyên môn, mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa hai trường đại học trong đào tạo và nghiên cứu.

Tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, đoàn đã có buổi làm việc với Phòng Hợp tác quốc tế và trao đổi chuyên môn Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất. Hai bên thảo luận về chương trình đào tạo, định hướng nghiên cứu và phương án triển khai hợp tác chuyên môn trên cơ sở Biên bản ghi nhớ đã ký giữa hai khoa và hai Nhà trường, phù hợp với thế mạnh và định hướng phát triển của mỗi bên. Ngoài ra, đoàn đã cùng giảng viên, sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế đang học tập trao đổi tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất tham quan và thảo luận chuyên môn sôi nổi tại Bảo tàng Địa chất của Trường Đại học Mỏ - Địa chất – một không gian trưng bày học thuật tích hợp với đào tạo, giới thiệu nhiều mẫu vật địa chất đặc trưng phục vụ giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu.

Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa các cam kết hợp tác, góp phần nâng cao hiệu quả kết nối học thuật và mở rộng cơ hội quốc tế hóa trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, chuyến thăm của đoàn cũng là một dịp để tăng cường giao lưu giữa sinh viên hai trường sau sự kiện trại hè sinh viên quốc tế do Trường Đại học Trisakti tổ chức và tài trợ cho sinh viên HUMG tham gia vào năm 2024 tại Indonesia.

Đoàn công tác Trường Đại học Trisakti chụp ảnh lưu niệm sau buổi làm việc tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Đoàn Trisakti tham quan Bảo tàng Địa chất tại HUMG

Đoàn cũng đã dành thời gian tham quan các di tích tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò và Hồ Hoàn Kiếm. Đây là những địa danh mang giá trị lịch sử – văn hóa đặc biệt, góp phần nâng cao hiểu biết về các giai đoạn phát triển lịch sử – chính trị của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện tiếp cận không gian văn hóa – đô thị tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.

Hoạt động trải nghiệm của đoàn Trisakti tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội

Trong những ngày tiếp theo, đoàn đã cùng các giảng viên và sinh viên của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất - Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện chuyến khảo sát thực địa tại Hà Giang – vùng đất nổi tiếng với vẻ đẹp địa chất kỳ vĩ và bản sắc văn hóa đặc sắc. Tuyến khảo sát không chỉ khám phá các đặc điểm địa chất độc đáo của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn mà còn để lại ấn tượng mạnh mẽ với cảnh sắc ngoạn mục và tầng sâu di sản, văn hóa với nhiều quan sát có giá trị chuyên môn.

Khảo sát thực địa tại Núi Đôi Cô Tiên – một điểm dừng trong hành trình của đoàn Trisakti tại Hà Giang

Đoàn Trisakti tham quan Dinh thự Vua Mèo – Di tích lịch sử dân tộc H’Mông

Đoàn Trisakti  khảo sát thực địa tại Bãi đá mặt trăng Sà Phìn

Chuyến thăm và làm việc của đoàn Trường Đại học Trisakti không chỉ đánh dấu một bước tiến trong quan hệ hợp tác giữa hai cơ sở giáo dục đại học, mà còn thể hiện cam kết chung trong việc thúc đẩy trao đổi học thuật, nghiên cứu liên ngành và phát triển nguồn nhân lực quốc tế chất lượng cao. Thông qua các hoạt động chuyên môn kết hợp với trải nghiệm thực địa và giao lưu văn hóa, chương trình đã góp phần làm sâu sắc thêm sự kết nối giữa hai nhà trường, đồng thời mở ra nhiều triển vọng hợp tác chiến lược, bền vững trong thời gian tới.

Toàn cảnh từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng

 

P.HTQT