TT - Không ít nội dung quan trọng nhất của đề án tổng thể đổi mới thi và tuyển sinh vẫn đang nằm giữa những luồng ý kiến trái chiều nhau. Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm, GS Lâm Quang Thiệp - nguyên vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về những nội dung đang gây tranh luận nhiều nhất của đề án đổi mới thi và tuyển sinh.
* Khi đóng góp ý kiến cho đề án tổng thể đổi mới thi và tuyển sinh, GS chọn cả phương án đồng ý và không đồng ý với việc áp dụng thi trắc nghiệm (TN) đối với phần lớn các môn thi. Vì sao vậy, thưa GS?
- Bảng trưng cầu ý kiến của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đặt một câu hỏi nên hay không nên thi TN đối với phần lớn các môn học đã nêu. Tuy nhiên trong câu hỏi không nói rõ thi TN như thế nào. Tôi đồng ý sử dụng TN nếu triển khai theo đúng qui trình của khoa học và công nghệ TN, và không đồng ý sử dụng TN nếu không theo đúng qui trình như vậy.
Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông chưa phải tuyển chọn nhân tài
Đặc điểm của các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học ở nước ta là có hàng triệu thí sinh tham gia, và phải hoàn thành trong một thời gian tương đối ngắn. Mục tiêu xã hội của kỳ thi là đảm bảo sự công bằng, sao cho mọi thí sinh từ mọi vùng miền có thể thi vào mọi trường đại học mà họ mong muốn, đảm bảo tính khách quan, hạn chế tối đa những tiêu cực trong quá trình thi, quá trình chấm thi...
Mục tiêu chuyên môn của kỳ thi chưa phải tuyển chọn nhân tài, mà chỉ là đánh giá những kiến thức cơ bản và không để lọt nhân tài. Với các mục tiêu đó, có thể nói hình thức TN là thích hợp nhất đối với các kỳ thi này.
|
Một trong các ưu điểm quan trọng của phương pháp TN là cho phép thử các câu hỏi TN trên các mẫu thử đủ lớn nhằm phân tích, chỉnh sửa, loại bỏ các câu hỏi xấu và lựa chọn các câu hỏi tốt để đưa vào đề thi chính thức. Thực hiện việc này đúng theo công nghệ sẽ đảm bảo tăng chất lượng đề thi mà vẫn không lộ đề. Tiếc rằng các kỳ thi vừa qua quá trình này không được thực hiện nghiêm túc nên đề thi không đảm bảo chất lượng.
Ngoài việc thử nghiệm đó, cũng phải thiết kế đề TN, quét chấm bài TN, biến đổi điểm thô (tính theo số câu làm đúng) ra điểm cuối cùng... theo một qui trình khoa học. Nói tóm lại, phải áp dụng đúng khoa học về TN cho kỳ thi TN, vì hiện nay đã có một khoa học như vậy phát triển khá cao trên thế giới.
* Hiện có không ít ý kiến không đồng tình với việc áp dụng thi TN vì cho rằng TN chủ yếu đánh giá khả năng ghi nhớ mà không đo được các năng lực tư duy cao cấp cũng như khả năng diễn đạt...
- Tôi không đồng ý là TN chỉ đánh giá được năng lực tư duy thấp: có thể viết các câu hỏi TN đánh giá được tất cả các cấp bậc của năng lực nhận thức từ thấp đến cao (biết, hiểu, áp dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá), và những người viết câu hỏi TN thành thạo có thể làm được điều đó. Đừng nghĩ rằng thi TN trong quá trình dạy và học cũng giống như các kỳ thi vui trên TV.
Các câu hỏi TN trên TV chỉ đánh giá được năng lực tư duy thấp (nhớ, biết), vì mục tiêu chủ yếu của các kỳ thi vui trên TV là cung cấp thông tin cho người xem chứ không phải đánh giá chính xác năng lực của người thi. Ngược lại, mục tiêu của TN trong giáo dục lại nhằm đo lường năng lực của người thi. Do đó trong giáo dục phải xây dựng được các loại câu hỏi TN đánh giá được tất cả các mức năng lực tư duy từ thấp đến cao.
Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý về nhược điểm của TN là không đánh giá được khả năng diễn đạt. Ngoài ra, TN cũng buộc trả lời theo một khung định sẵn, không cho phép biểu hiện năng lực sáng tạo tự do như tự luận.
|
Một kỳ thi quốc gia thì thí sinh sẽ bớt khổ sở vì các kỳ thi sau tốt nghiệp THPT. Ảnh: M.ĐỨC |
* Tại sao GS lại vẫn cho rằng nên áp dụng TN cho phần lớn các môn tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển ĐH?
- Tuy có một số nhược điểm như vừa nêu nhưng TN có nhiều ưu điểm: có thể đánh giá một phạm vi kiến thức rộng trong một khoảng thời gian ngắn, từ đó ít gây may rủi do trúng tủ, trật tủ. Tiếp đến, việc chấm điểm TN là hoàn toàn khách quan, có thể dễ dàng chấm bằng máy. Và một ưu thế rất quan trọng nữa của thi TN là khoa học về TN đã đạt được những thành tựu rất lớn, giúp thiết kế được các đề TN đo chính xác năng lực của thí sinh, đặc biệt là thiết kế được các đề có mức độ tương đương rất cao để dùng cho các kỳ thi.
* GS đánh giá như thế nào về phương thức tổ chức một kỳ thi quốc gia THPT lấy kết quả đồng thời xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ đang được cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đưa ra lấy ý kiến?
- Tôi nhất trí việc nên tổ chức chỉ một kỳ thi theo tiêu chuẩn quốc gia ở cuối bậc phổ thông, nhưng tôi muốn nêu một phương án khác: đó không phải là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, cũng không phải kỳ thi tuyển trực tiếp vào ĐH mà là kỳ thi đánh giá năng lực người học ở cuối bậc phổ thông.
Kỳ thi này nên tổ chức độc lập theo một tiêu chuẩn quốc gia chung cho học sinh ở cuối bậc phổ thông và cho mọi người muốn được tuyển vào đại học, không phụ thuộc việc người ấy đã tốt nghiệp phổ thông hay chưa. Đa số trường đại học dựa vào kết quả của kỳ thi này, kèm với bằng tốt nghiệp phổ thông và các thông tin khác để tuyển.
THANH HÀ (tuoitre.com.vn)