Cổ phần hóa để tăng cạnh tranh trong giáo dục ĐH

24/12/2007

 Trong thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến khác nhau về việc cổ phần hóa các trường đại học, Ban Biên tập  Bản tin Mỏ - Địa chất  xin đăng tải một số bài viết của các nhà giáo, nhà khoa học về vấn đề này.

Lý thuyết hệ thống chỉ ra rằng khi hai bên hợp tác với nhau để cùng làm một việc gì đó thì hiệu suất công việc sẽ cao nhất khi sự phân công dựa trên sở trường của mỗi bên.

Cổ phần hóa trong đào tạo nhân lực lĩnh vực sản xuất

Đây là một trong những biện pháp cụ thể để thực hiện xã hội hóa giáo dục, thực hiện phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm. Vậy phải xem xét vấn đề cổ phần hóa trên cơ sở phương châm này.

Bộ GD&ĐT không nên can thiệp quá sâu vào việc tuyển sinh, để dành công sức và tiền của cho việc hoạch định chính sách phát triển giáo dục bậc ĐH

Lý thuyết hệ thống chỉ ra rằng khi hai bên hợp tác với nhau để cùng làm một việc gì đó thì hiệu suất công việc sẽ cao nhất khi sự phân công dựa tren sở trường của mỗi bên. Ở đây Nhà nước một bên, nhân dân một bên hợp tác với nhau để xây dựng giáo dục ĐH. Vậy sở trường của NN là gì, của nhân dân (cổ đông) là gì?

NN có trong tay quyền lực đối nội và đối ngoại, có ngân sách do nhân dân đóng thuế và NN phải lo mọi mặt cho dân, từ việc lớn đến việc nhỏ, việc trước mắt, hằng ngày đến việc lâu dài hằng thập kỷ, thậm chí hằng thế kỷ.

Nhân dân ở đây là các cổ đông. Dù họ có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đến đâu đi nữa thì họ cũng phải kinh doanh giáo dục có lãi, có thế trường của họ mới tồn tại và phát triển được.

Cho nên, không nên và thực tế cũng khó cổ phần hóa những trường lo chuyện lâu dài cho đất nước như các trường về khoa học cơ bản, về khoa học xã hội, các trường đạo tạo cho các lĩnh vực quản lý NN, an ninh, quốc phòng.

Chúng ta chỉ nên cổ phần hóa những trường đào tạo nhân lực để phát triển sản xuất, dịch vụ cần cho đời sống hằng ngày của nhân dân. Các cổ đông trong khu vực này có thể là những doanh nghiệp thực hiện một đầu mối giữa đào tạo và sử dụng, kiểu như đại học FPT.

Bộ cần xây dựng chính sách hỗ trợ trường ngoài công lập

Hiện nay, nhiều cán bộ trong bộ máy NN coi thường các trường ngoài công lập, muốn duy trì cơ chế "xin, cho", gây nhiều cản trở, chậm trễ cho sự phát triển mạng lưới các trường ngoài công lập.

Đáng lẽ, các trường ngoài công lập ghé vai chia sẻ gánh nặng với NN thì NN phải có những chính sách tạo thuận lợi cho họ. Nếu so sánh các chính sách trong lĩnh vực kinh tế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với các chính sách trong lĩnh vực giáo dục, tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập thì những người làm giáo dục thực sự cảm thấy tủi thân.

Bộ GD&ĐT hiện nay vẫn còn ôm đồm nhiều việc dưới trách nhiệm của cơ quan quản lý NN ở tầm vĩ mô. Ví dụ, vấn đề tuyển sinh ĐH hằng năm, làm tổn phí rất nhiều công sức, tiền của của Bộ, làm Bộ bị hạn chế trong việc lo đến những vấn đề lớn khác.

Theo tôi, việc tuyển sinh phải phân cấp về cho các trường, các khoa vì chỉ trường và khoa mới nắm vững đến từng chi tiết, nắm vững nhu cầu tuyển sinh của mình.

Nếu bớt đi những việc vốn không phải của mình như vậy, Bộ sẽ đỡ được bao nhiêu gánh nặng, để tập trung làm công tác vĩ mô, trong đó đề ra các chính sách hỗ trợ các trường ngoài công lập.

Nếu hệ thống trường ngoài công lập phát triển tốt, chắc chắn sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh, làm cho các trường công lập hoàn thiện mình hơn để hai bên cùng có lợi.

GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn