Nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài NCKH cấp Bộ mã số B2016-MDA-04ĐT do PGS.TS Nguyễn Khắc Giảng chủ trì

14/12/2018

Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ  "Nghiên cứu sử dụng đá perlit và tro bụi thủy tinh núi lửa để làm vật liệu xử lý ô nhiễm nước và hỗ trợ chăm sóc cây trồng" mã số B2016-MDA-04ĐT do PGS.TS Nguyễn Khắc Giảng làm chủ trì

Mã số: B2016-MDA-04ĐT

Thời gian thực hiện: 2016-2018

Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Nguyễn Khắc Giảng

Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Thời gian nghiệm thu: 14h00' ngày 18 tháng 12 năm 2018 (Thứ Ba)

Địa điểm: Phòng họp Thuận Thành, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Phường Đức Thắng - Quận Bắc Từ Liêm - TP Hà Nội;

Trân trọng kính mời các đại biểu và nhà khoa học quan tâm tới dự.

THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

Làm sáng tỏ các đặc điểm thành phần vật chất, vị trí địa chất, đặc điểm kỹ thuật của các đá perlit, phun trào felsic và tro bụi thủy tinh núi lửa tại một số khu vực tiêu biểu trên lãnh thổ Việt Nam có triển vọng ứng dụng trong thực tế trong sản xuất nông nghiệp và môi trường; bước đầu đánh giá khả năng sử dụng chúng trong công nghệ sản xuất vật liệu xử lý môi trường nước và hỗ trợ chăm sóc cây trồng
Tính mới và sáng tạo:

- Đề tài nghiên cứu khả năng ứng dụng một số loại vật liệu tự nhiên hoàn toàn mới trong lĩnh vực môi trường. Trên thế giới người ta mới quan tâm đến perlit, diatomit và các loại sét hấp phụ cao thuộc nhóm smectit trong các lĩnh vực khác nhau, còn tuf felsic và tro bụi núi lửa mới chỉ được sử dụng trong làm vật liệu xây dựng và đây là các loại vật liệu chưa từng được nghiên cứu khả năng ứng dụng trong lĩnh vực môi trường. Như vậy việc sử dụng tuf của hệ tầng Đơn Dương và Tro bụi của hệ tầng Đại Nga trong lĩnh vực môi trường là một cách tiếp cận mới và có tính sáng tạo thực sự. Hơn nữa, các thành tạo tuf felsic và tro bụi núi lửa basalt là những loại đá có diện phân bố khá rộng rãi ở Việt Nam nên có ý nghĩa rất lớn khi triển khai ứng dụng trong thực tế để bảo vệ môi trường.

- Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, người ta mới chỉ sử dụng vật liệu perlit và pumic nung làm giá thể (nơi cho rễ cây bám) cho cây trồng và việc sử dụng chủ yếu cho cây cảnh và thủy canh nên quy mô còn hạn chế. Việc nghiên cứu thử nghiệm các đá nghiền tự nhiên bón trực tiếp như một loại phân khoáng vi dinh dưỡng cho cây trồng là một công trình tiên phong nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm tự nhiên sử dụng trực tiếp cho nông nghiệp không những ở Việt Nam mà còn là một hướng mới của sản xuất phân bón dinh dưỡng khoáng cho cây trồng trên thế giới.

Kết quả nghiên cứu:

- Bước đầu đã xác định được các vật liệu perlit phân bố rất hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam, còn các loại đá phun trào mafic và felsic Mezosoi và Kainosoi khác phân bố khá rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là tại các khu vực Đông bắc và Tây bắc Bắc bộ, ven biển miền Trung và Tây Nguyên.

- Trong các loại đá phun trào trên, các loại đá vụn núi lửa (tuf felsic của hệ tầng Đơn Dương và tro bụi thủy tinh núi lửa (basalt) của hệ tầng Đại Nga) có khả năng ứng dụng rất tốt để sản xuất vật liệu xử lý môi trường. Các đá này phân bố khá rộng rãi ở khu vực Trung và Nam Trung bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là khu vực Đà Lạt-Lâm Đồng (tuf Đơn Dương) và khu vực Vân Hòa-Phú Yên (tro bụi của hệ tầng Đại Nga).

- Kết quả thí nghiệm bước đầu cho thấy tuf felsic Đơn Dương và tro bụi núi lửa của hệ tầng Đại Nga có khả năng hấp thụ rất tốt các ion kim loại nặng (hấp phụ trên 90% khối lượng Pb+2, Cu+2 trong dung dịch thử nghiệm) và hợp chất hữu cơ (hấp thụ trên 75% Xanh Methylen) trong môi trường nước, trong đó vật liệu biến tính (loại nghiền và nung ở 900oC) có khả năng hấp thụ tốt hơn vật liệu nghiền chưa nung.

- Kết quả của 3 đợt trồng thử nghiệm đối với các loại cây ngắn ngày (Rau Cải Mào gà, Rau Dền Tía) cho thấy cả hai loại vật liệu thử nghiệm có tác dụng rõ rệt trong việc kích thích phát triển trong một số giai đoạn sinh trưởng của cây so với các mẫu đối chứng (cây trồng trên đất không trộn vật liệu thử nghiệm), trong đó các vật liệu nghiền không nung có tác dụng tốt hơn so với các vật liệu biến tính (nung ở 900oC).

Các kết quả nghiên cứu rất đáng khích lệ trên là tiền đề cho việc tiếp tục nghiên cứu toàn diện đói với khả năng hấp phụ các chất độc hại khác của các loại vật liệu thử nghiệm trên và khả năng sử dụng trực tiếp các sản phẩm đá tự nhiên cung cấp bổ sung các chất vi lượng cho cây trồng, đặc biệt là tại những khu vực đất bạc màu bị nghèo kiệt chất vi khoáng.

 Sản phẩm của đề tài:

- Sơ đồ địa chất + mặt cắt địa chất chi tiết khu vực Pò Hèn-Tấn Mài (Quảng Ninh) tỷ lệ 1: 50.000;

- Sơ đồ địa chất + mặt cắt địa chất chi tiết khu vực Nậm Chiến (Sơn La) tỷ lệ 1:50.000;

- Sơ đồ địa chất + mặt cắt địa chất chi tiết khu vực Tú Lệ-Nghĩa Lộ (Yên Bái) tỷ lệ 1: 50.000;

- Sơ đồ địa chất + mặt cắt địa chất chi tiết khu vực Vân Hòa (Phú Yên) tỷ lệ 1:50.000;

- Sơ đồ địa chất + mặt cắt địa chất chi tiết khu vực Gia Lai-Tây Nguyên tỷ lệ 1:50.000;

- Sơ đồ địa chất + mặt cắt địa chất chi tiết khu vực Lạng Sơn tỷ lệ 1: 50.000;

- Sơ đồ địa chất + mặt cắt địa chất chi tiết khu vực Đà Lạt tỷ lệ 1: 50.000;

- Các sơ đồ gia công và thử nghiệm mẫu.

- Công bố 02 bài báo cáo tại hội nghị khoa học trong nước và 02 báo cáo đăng trong kỷ yếu Hội nghị Quốc tế;

- Góp phần đào tạo Tiến sỹ: Cung cấp tài liệu cho 01 NCS đang làm Luận án tiến sỹ;

- Đào tạo 01 Sinh viên đại học bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp.

 

Phương thức chuyển giao, địa chỉ ứng dụng, tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu:

Kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho các đơn vị phối hợp là Trung tâm Triển khai công nghệ Khoáng chất, Đại học Mỏ - Địa chất và Công ty Cổ phần tư vấn Tài nguyên và Môi trường Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện thêm, sau đó sẽ triển khai rộng rãi đến các đơn vị trong lĩnh vực xử lý môi trường và sản xuất nông nghiệp

Phòng KHQT