Hội thảo đã tập trung vào các vấn đề chính như tổng quan về nghiên cứu, sản xuất, chế tạo máy và thiết bị mỏ phục vụ cho khai thác khoáng sản tại Việt Nam, những thuận lợi và khó khăn trong nghiên cứu chế tạo máy và thiết bị mỏ hiện nay, khả năng hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp - viện nghiên cứu nhằm phát triển ngành cơ khí Việt Nam.
Tham gia hội thảo, GS. Gabov Victor Vasilievich, trường Đại học Mỏ Saint - Petersburg đã giới thiệu những lĩnh vực máy mỏ được thực hiện bởi Bộ môn Chế tạo máy trường ĐH Mỏ Saint - Petersburg phù hợp khắc phục khó khăn khi khai thác các vỉa mỏng, không ổn định. Đặc biệt, GS đã giới thiệu giải pháp sử dụng máy khấu kiểu mới nhằm tăng năng suất, giảm giá thành khai thác và tăng hiệu suất sử dụng máy khấu.
Lịch sử và xu hướng phát triển chế tạo máy mỏ của Liên Bang Nga, quá trình hợp tác chế tạo giữa các quốc gia và thị phần nội địa hóa sản phẩm tại Nga do PGS.Zadkov Denis Aleksandrovich, Trường ĐH mỏ Saint Petersburg trình bày. Báo cáo của ông được đánh giá cao do đã khái quát được ưu nhược điểm, số lượng máy khai thác đã được chế tạo từ trước đến nay và dự báo xu thế nghiên cứu chế tạo các máy khai thác mới.
Một đại diện khác của trường ĐH Mỏ Saint - Petersburg là PGS. Khalimonenko Aleksei Dmitrievich đã trao đổi với các thành viên hội thảo về đảm bảo chất lượng gia công của các bộ phận chính xác của máy khai thác bằng dụng cụ gốm, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của lớp gốm phủ đối với chế độ làm việc của máy mỏ, công nghệ phủ lớp gốm và gia công chế tạo, so sánh đánh giá chất lượng chi tiết có các lớp phủ độ dày khác nhau.
Đến từ trường Đại học Mỏ và Công nghệ Trung Quốc Từ Châu, GS. Tạ Phương Vĩ đã khái quát về tình hình khai thác khoáng sản tại Trung Quốc, xu thế chế tạo máz khấu điều khiển tự động trong các mỏ hầm lò, những khó khăn trong quá trình điều khiển tự động và giải pháp thực hiện.
Đặc điểm của cơ khí mỏ Việt Nam, các thiết bị điển hình trong đào lò, khai thác và vận tải hiện nay, các thông số cơ bản của mỗi loại thiết bị và phạm vi sử dụng đã được giới thiệu tại Hội thảo qua đại diện của Viện Khoa học công nghệ mỏ - Vinacomin, TS. Ngô Quốc Trung.
Từ kết quả ở Hội thảo, các bên đã thống nhất một số nội dung hợp tác như: phối hợp trong nghiên cứu khoa học thông qua các đề tài nghị định thư hoặc song phương, tăng cường khảo sát, thăm quan thực tế tại Nga và Trung Quốc để phát triển hướng nghiên cứu mới, cập nhật nhu cầu sử dụng máy và thiết bị mỏ tại Việt Nam trong thời gian tới để tăng cường hiệu quả hợp tác. Các doanh nghiệp và viện nghiên cứu cũng chứng kiến kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường để sẵn sàng tuyển dụng sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất nói chung và ngành Máy và thiết bị mỏ nói riêng, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Nhà trường..
Ảnh: GS. TS. Bùi Xuân Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất đánh giá cáo tinh thần hợp tác giữa các trường đại học quốc tế với trường Đại học Mỏ - Địa chất
Thay mặt Nhà trường, GS.TS. Bùi Xuân Nam đánh giá cao tinh thần hợp tác giữa các trường đại học Mỏ Saint - Petersburg, Đại học Mỏ và công nghệ Trung Quốc (Từ Châu) và các viện nghiên cứu, cơ quan sản xuất để cùng nghiên cứu, sản xuất, chế tạo thiết bị cơ khí phục vụ khai thác mỏ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học mỏ.
Trường đại học Mỏ và Công nghệ Trung Quốc và Trường Đại học Mỏ St. Petersburg là những đối tác lâu đời của Trường Đại học Mỏ-Địa chất, trong nhiều năm lại đây đã đào tạo nguồn nhân lực cho trường ĐH Mỏ-Địa chất và ngành mỏ trong nước.