Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức Hội thảo “Xây dựng chương trình đào tạo ngành Đá quý, đá mỹ nghệ”

01/10/2021

Buổi Hội thảo “Xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Đá quý, đá mỹ nghệ” của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất, Trường Đại học Mỏ - Địa chất (HUMG) diễn ra ngày 30/9/2021 trong bối cảnh sự phát triển của nền kinh tế đang diễn ra song hành với nhu cầu sử dụng, khai thác, gia công chế tác, kinh doanh đá quý, đá mỹ nghệ ngày càng lớn.

Đến nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực của lĩnh vực này còn rất hạn chế; vẫn chưa có một trường đại học nào đào tạo Đá quý, Đá mỹ nghệ trình độ đại học. Điều này đã phần nào hạn chế sự phát triển của các công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác, chế biến, kiểm định và kinh doanh đá quý, đá mỹ nghệ; ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành, đến tính hội nhập quốc tế.

Trong khi đó, Việt Nam có những nguồn tài nguyên đá quý, đá mỹ nghệ khá phong phú như ruby, saphia ở Lục Yên (Yên Bái), Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An), Đắc Nông, Bình Thuận; Beril, topaz ở Thanh Hóa và Đắc Lắc. Nguồn đá mỹ nghệ khá phong phú như opal và chancedon ở Tây Nguyên, Gia Lai, Đắc Lắk, đá serpentin màu ở Kon Tum, Yên Bái, đá marble trắng và màu ở Nghệ An, Yên Bái, các loại đá màu ở nhiều địa phương cả ở phía Nam và phía Bắc. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia được đào tạo bài bản về Đá quý, đá mỹ nghệ đã khẳng định rằng việc mở ngành Đá quý, đá mỹ nghệ là nhu cầu tất yếu và lâu dài của thực tiễn và hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

Hội thảo đã nhận được nhiều đóng góp quý báu, sự tán thành để xây dựng ngành “Đá quý, đá mỹ nghệ” từ đại diện Ban Giám hiệu, các bộ phận chức năng liên quan của HUMG; các nhà khoa học, các chuyên gia, các lãnh đạo đơn vị, trung tâm, doanh nghiệp kinh doanh, cơ sở chế tác đá quý, đá mỹ nghệ. Những ý kiến đóng góp đã được Tổ soạn thảo tập hợp và sớm hoàn thiện chương trình để kịp tuyển sinh đại học vào năm 2022.

Buổi Hội thảo được diễn ra dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến: