Để nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các trường đại học, ngoài việc tập trung vào cải tiến chất lượng đào tạo, mở rộng hợp tác và giao lưu trong nước và quốc tế, tăng sức ảnh hưởng về học thuật… các trường đã chủ động mở rộng ngành nghề để đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực cho đất nước, giúp phát triển kinh tế xã hội.
Trường Đại học Mỏ - Địa chất là một đơn vị rất chú trọng công tác này với mong muốn đào tạo cho đất nước những nhân sự có khả năng chuyên môn, có khả năng phát huy trí tuệ của mình ở những vị trí khác nhau góp phần thúc đẩy tiến bộ công nghệ xã hội và phát triển kinh tế.
Đối với lĩnh vực Dầu khí, đây là ngành công nghiệp mũi nhọn đang hoạt động mạnh trở lại thời gian gần đây. Điều này tạo áp lực đẩy giá dầu thô trên thế giới leo thang ở mức 85$/thùng và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nền công nghiệp dầu khí nói chung và dịch vụ dầu khí nói riêng đã có những tiềm năng phát triển.
Trong khi đó tại Việt Nam, hoạt động dịch vụ dầu khí giữ vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động của ngành công nghiệp Dầu khí với mục tiêu làm chủ thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Tiềm năng cho việc mở chuyên ngành đào tạo Dịch vụ Công trình Biển - Dầu khí là rất lớn và cần thiết, đáp ứng yêu cầu về nhân lực ngành dầu khí cho đất nước.
Ngày 19/10/2021, Bộ môn Thiết bị Dầu khí và Công trình, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã tổ chức buổi hội thảo xây dựng chương trình đào tạo Đại học chuyên ngành “Dịch vụ công trình biển – Dầu khí”. Chương trình đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ đại diện Ban Giám hiệu, các bộ phận chức năng liên quan của Nhà trường, các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các tổng công ty, công ty, đơn vị trong lĩnh vực dầu khí và cựu người học. Những ý kiến đóng góp này sẽ được Tổ soạn thảo tập hợp và sớm hoàn thiện chương trình để kịp tuyển sinh đại học vào năm 2022.
Dưới đây là toàn cảnh buổi Hội thảo: