Mục tiêu của đề tài
- Xác định được nguồn gốc, cơ chế xâm nhập mặn các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ ven biển khu vực thành phố Đà Nẵng.
- Đề xuất giải pháp kiểm soát xâm nhập mặn nước dưới đất có xét đến ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác nước dưới đất trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng khu vực thành phố Đà Nẵng.
Tính mới và sáng tạo:
Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ có liên quan
- Hiểu được nguồn gốc và cơ chế xâm nhập mặn các tầng chứa nước khu vực ven biển thành phố Đà Nẵng sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu và các công cụ nghiên cứu hiện đại (phương pháp thủy địa hóa, kỹ thuật đồng vị, mô hình hóa…) phù hợp và có độ tin cậy. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, đề xuất một hệ phương pháp nghiên cứu nguồn gốc và cơ chế xâm nhập mặn cho các tầng chứa nước ven biển.
- Tổng hợp các giải pháp khoa học công nghệ nhằm hạn chế xâm nhập mặn các tầng chứa nước ven biển, đề xuất các giải pháp cho khu vực ven biển thành phố Đà Nẵng bao gồm bổ sung nhân tạo, xây dựng đập ngăn mặn và chống hạn, xác định hợp lý lưu lượng khai thác.
Đối với phát triển kinh tế-xã hội
- Làm căn cứ khoa học cho việc điều chỉnh quy hoạch, xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển bền vững TP. Đà Nẵng; trong điều hành chỉ đạo và quản lý sử dụng hợp lý tài nguyên nước và giúp ích cho các nhà quản lý trong công tác điều hành sản xuất hàng năm của thành phố trong mùa kiệt. Mô hình mô phỏng dòng chảy và quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất có thể dùng như một công cụ quản lý tài nguyên nước đồng thời đánh giá sự phù hợp của các công trình đang khai thác và các công trình dự kiến đưa vào khai thác nước dưới đất.
- Việc hiểu được cơ chế, nguồn gốc và lựa chọn giải pháp kiểm soát xâm nhập mặn sẽ góp phần hiệu quả trong khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước dưới đất phục vụ ăn uống sinh hoạt và phát triển kinh tế xã hội.
- Góp phần đổi mới trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường tiệm cận theo hướng hiện đại hóa.
Đối với tổ chức chủ trì và các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu
- Ngoài những tác động đem lại như đã nêu trong mục 18.1 thì Đề tài góp phần nâng cao năng lực khoa học với sự liên kết rộng lớn của các đơn vị nghiên cứu khác nhau; đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu cho các cán bộ khoa học chuyên ngành ĐCTV.
Đối với các cơ quan ứng dụng (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng) được đề tài cung cấp bộ mô hình tính toán cân bằng nước (SWAT), mô hình dòng chảy và dịch chuyển mặn nhạt nước dưới đất (SEAWAT) nhằm phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước.
Kết quả nghiên cứu:
- Phân vùng hiện trạng xâm nhập mặn nước dưới đất
- Bộ số liệu phân tích đánh giá nguồn gốc của nước dưới đất, bổ sung thông tin cho mô hình mô phỏng dòng chảy và xâm nhập mặn nước dưới đất. Nguồn gốc và cơ chế xâm nhập mặn nước dưới đất.
- Các giải pháp kỹ thuật kiểm soát xâm nhập mặn đảm bảo phát triển bền vững tài nguyên nước dưới đất.
Sản phẩm của đề tài:
Sản phẩm khoa học:
- 01 Bài báo được chấp nhận đăng trên tạp chí nước ngoài thuộc danh mục SCIE
- 02 bái báo đăng trên tạp chí trong nước có chỉ số ISSN
- 01 báo cáo tại Hội thảo Quốc tế và đăng trên kỷ yếu của Hội thảo
- 06 báo cáo và bài báo đăng trong các Hôi thảo quốc gia
Sản phẩm đào tạo:
Hỗ trợ đào tạo 01 NCS theo hướng nghiên cứu của Đề tài
01 thạc sĩ bảo vệ thành công theo hướng Nghiên cứu của Đề tài
Sản phẩm khác:
Bản đồ phân vùng hiện trạng mặn nhạt khu vực thành phố Đà Nẵng tỷ lệ 1:50.000
Bộ mô hình số mô phỏng quá trình xâm nhập mặn ứng với các hoạt động khai thác nước dưới đất và các kịch bản biến đổi khí hậu-nước biển dâng
Sơ đồ kỹ thuật giải pháp kiểm soát xâm nhập mặn
Phương thức chuyển giao, địa chỉ ứng dụng, tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu:
Nhóm tác giả nghiên cứu sẽ chuyển giao toàn bộ kết quả nghiên cứu, bộ cơ sở dữ liệu thu thập phục vụ cho công tác mô phỏng bằng mô hình số cũng như phần mềm chạy mô hình cho Trường Đại học Mỏ-Địa chất - đơn vị chủ trì đề tài phục vụ các công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học tiếp theo.
Ngoài ra, các kết quả sẽ được chuyển giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Đà Nẵng quả dưới dạng bộ cơ sở dữ liệu và mô hình mô phỏng vận động và dịch chuyển mặn kèm chương trình để chạy. Các mô hình mô phỏng vận động và xâm nhập mặn là công cụ giúp Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, mô hình tính toán sẽ giúp Sở Khoa học Công nghệ và Sở Tài nguyên và Môi trường quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất.
Địa chỉ ứng dụng
- Sản phẩm nghiên cứu của Đề tài là hệ phương pháp nghiên cứu cơ chế và nguồn gốc xâm nhập mặn, bộ mô hình số nghiên cứu vận động-lan truyền nước dưới đất khu vực thành phố Đà Nẵng. Sau khi đề tài kết thúc, các kết quả nghiên cứu xâm nhập mặn cho vùng thành phố Đà Nẵng sẽ được sử dụng trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong trường Đại học Mỏ-Địa chất.
- Kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ phục vụ định hướng cho công tác quản lý tài nguyên nước. Ngoài ra, các sở ban ngành liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng,… đều được tiếp nhận các kết quả của nghiên cứu này.