Nghiệm thu cấp Bộ đề tài NCKH cấp Bộ mã số B2022-MDA-14 do TS Nguyễn Văn Phóng làm chủ nhiệm

23/02/2024

Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ  đề tài KH&CN cấp Bộ  "Nghiên cứu tính chất cơ học động của đất phục vụ thiết kế nền móng tháp điện gió, áp dụng cho khu vực ven biển Sóc Trăngg" mã số B2022-MDA-14 do TS Nguyễn Văn Phóng làm chủ nhiệm

Mã số:  B2022-MDA-14

Thời gian thực hiện: 2022-2023

Chủ nhiệm đề tài: TS Nguyễn Văn Phóng 

Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Thời gian nghiệm thu: 9h00' ngày 29 tháng 02 năm 2024 (Thứ Năm)

Địa điểm: Phòng họp Thuận Thành, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Phường Đức Thắng - Quận Bắc Từ Liêm - TP Hà Nội;

Trân trọng kính mời các đại biểu và nhà khoa học quan tâm tới dự.

THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

Mục tiêu:

- Xây dựng được mô hình thí nghiệm nghiên cứu độ bền và biến dạng động của đất tương ứng với biên độ, tần số của tổ hợp tải trọng động tác dụng lên tháp điện gió phù hợp với địa điểm xây dựng;

- Sử dụng mô hình thí nghiệm xác định độ bền và biến dạng động của đất nền phục vụ xây dựng tháp điện gió vùng ven biển Sóc Trăng.

Tính mới và sáng tạo:

- Đã xây dựng mô hình thí nghiệm trong phòng (mô hình tải trọng, mô phỏng điều kiện ứng suất và trạng thái mẫu) xác định tính chất cơ học động của đất nền tháp điện gió phù hợp với địa điểm xây dựng; Áp dụng mô hình thí nghiệm trong phòng nghiên cứu thực nghiệm làm sáng tỏ đặc trưng biến dạng động, độ bền động và khả năng hóa lỏng của các loại đất nền đặc trưng trong vùng nghiên cứu; đồng thời xác định được quy luật biến đổi các đặc trưng tính chất cơ học động của một số loại đất điển hình trong phạm vi nghiên cứu;

- Đưa ra cơ sở khoa học (lý thuyết và thực nghiệm) để xây dựng quy trình, chỉ dẫn kỹ thuật tiến hành thí nghiệm ba trục động phục vụ thiết kế tháp điện gió trong điều kiện Việt Nam, đồng thời đề xuất được phương pháp tính toán nền móng có xét tới mức độ nhạy cảm của đất nền với tải trọng động.

Kết quả nghiên cứu:

- Đã phân tích tổng quan về tính chất cơ học động và xác định các vấn đề động học liên quan đến tháp điện gió;

- Làm sáng tỏ đặc điểm tự nhiên, đặc điểm nền đất và phân chia cấu trúc nền đất các khu vực quy hoạch điện gió tỉnh Sóc Trăng;

- Làm rõ được đặc điểm công trình điện gió, đặc điểm tải trọng động của tháp điện gió và các giải pháp nền móng khả thi, xác định được các loại tải trọng động tác dụng lên tháp điện gió trong phạm vi nghiên cứu.

- Xây dựng được mô hình thí nghiệm trong phòng xác định tính chất cơ học động của đất tương ứng với đặc điểm của tổ hợp tải trọng động tác dụng lên tháp điện gió trong phạm vi nghiên cứu;

- Xác định được tính chất cơ học động của các loại đất nền trong phạm vi nghiên cứu bằng thực nghiệm theo mô hình thí nghiệm phù hợp với công trình điện gió;

- Làm sáng tỏ quy luật biến đổi đặc trưng cơ học động của đất nền trong phạm vi nghiên cứu làm cơ sơ đề xuất quy trình, chỉ dẫn kỹ thuật cho thí nghiệm ba trục động, đánh giá mức độ nhạy cảm của đất nền với tải động tháp điện gió và phục vụ tính toán, thiết kế nền móng tháp điện gió;

- Đưa ra quy trình, chỉ dẫn kĩ thuật xác định tính chất cơ học động của đất nền phục vụ thiết kế tháp điện gió.

Sản phẩm của đề tài:

a) Sản phẩm khoa học:

- 01 Bài báo tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục ISI (nhóm Q3/Q4);

- 01 Bài báo tạp chí quốc tế trong danh mục Scopus (nhóm Q3);

- 03 Bài báo tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước (được HĐGSNN tính điểm);

- 01 Báo cáo khoa học hội nghị quốc tế;

- 04 Báo cáo tại hội nghị khoa học toàn quốc.

b) Sản phẩm đào tạo:

- Đã hướng dẫn 01 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ.

c) Sản phẩm ứng dụng:

- Bộ kết quả thí nghiệm xác định đặc trưng cơ lý của đất và các chỉ tiêu tính chất cơ học động của đất bằng phương pháp ba trục động (theo tiêu chuẩn ASTM D3999 và ASTM D5311);

- Quy trình và chỉ dẫn kỹ thuật xác định tính chất cơ học động của đất phục vụ thiết kế nền móng tháp điện gió;

- Quy trình và chỉ dẫn kỹ thuật thí nghiệm xác định tính chất cơ học động của đất bằng phương pháp ba trục động;

- Tài liệu về phương pháp tính toán nền móng có xét tới mức độ nhạy cảm của đất nền với tải trọng động tháp điện gió. 

Phương thức chuyển giao, địa chỉ ứng dụng, tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu:

a. Phương thức chuyển giao

Các kết quả nghiên cứu của Đề tài như quy trình thí nghiệm xác định biến dạng động, độ bền động, phương pháp tính toán nền móng có xét đến mức độ nhạy cảm của đất nền với tải trọng động được chuyển giao đến các cơ quan, địa chỉ ứng dụng theo phương thức trao kiến thức thông qua hình thức hội thảo, đào tạo và tư vấn. Các kết quả của Đề tài còn được lưu trữ dưới dạng bản in và bản mềm trong đĩa CD tại trường Đại học Mỏ - Địa chất để phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học

b. Địa chỉ ứng dụng

- Trường Đại học Mỏ - Địa chất phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học;

- Các cơ quan quản lý, tư vấn, thiết kế trong lĩnh vực xây dựng;

- Các trường đại học kĩ thuật có đào tạo ngành/chuyên ngành địa kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật xây dựng trong cả nước.

Phòng KHCN