Thực hiện báo cáo việc thực hiện quy chế công khai đối với các cơ sở giáo dục đại học theo quy định tại Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2016 - 2017 Trường Đại học Mỏ - Địa chất tiếp tục thực hiện tốt các quy định tại Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT, cụ thể như sau:

I. Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế

1. Các chuẩn đầu ra

Nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển Trường Đại học Mỏ - Địa chất giai đoạn 2008 - 2020 và tầm nhìn đến 2030, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tháng 3/2009 và ban hành thực hiện từ tháng 6/2009, trong đó có đề ra các yêu cầu về chất lượng đào tạo của Trường.

Trường đã ban hành Quy định chuẩn đầu ra các chuyên ngành đào tạo hệ đại học chính quy (theo Quyết định số 1450/QĐ-MĐC-ĐH&SĐH ngày 30/11/2010) và Quy định chuẩn đầu ra về tin học, ngoại ngữ cho sinh viên đại học hệ chính quy, đào tạo theo hệ thống tín chỉ (theo Quyết định số 3448/QĐ-MĐC-ĐTĐH ngày 25/8/2014 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2015, 2016 theo Quyết định số 1837/QĐ-MĐC ngày 31/12/2015 và 71/QĐ-MĐC ngày 12/01/2017).

Hàng năm, Nhà trường đều tiến hành rà soát chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra các ngành đào tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế của Trường và nhu cầu xã hội. Sinh viên các chuyên ngành của Trường Đại học Mỏ - Địa chất sau khi tốt nghiệp ra trường có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, sức khoẻ, năng lực, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành đào tạo, đáp ứng các yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất n­ước; có khả năng quản lý, thiết kế, giám sát, tổ chức chỉ đạo thi công và tham gia nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực chuyên ngành được đào tạo; đảm bảo được các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục thể chất, ngoại ngữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và tiêu chuẩn về giáo dục quốc phòng do liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng quy định.

2. Về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm học 2015-2016  có việc làm

Hàng năm, Nhà trường tổ chức Hội chợ việc làm tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội tiếp cận với các nhà tuyển dụng, đồng thời mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Ngày 03/6/2016, Nhà trường đã tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và việc làm sinh viên. Tại Hội chợ việc làm đã có 57 đơn vị đăng ký tuyển dụng và 38 đơn vị tuyển dụng trực tiếp; nhà tuyển dụng là các Công ty, Tổng công ty, các Tập đoàn kinh tế trong cả nước, đã có khoảng 1.219 cơ hội việc làm cho sinh viên, trong đó ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là ngành xây dựng (103) và ngành điện - điện tử (107). Năm 2016 số lượng vị trí việc làm tăng gấp đôi so với năm 2015 nguyên nhân là do một số đơn vị tuyển dụng làm việc ngắn hạn số lượng lớn, và nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực đi làm việc tại Nhật Bản tăng cao. Sau Hội chợ việc làm còn có nhiều Công ty, Doanh nghiệp tư nhân gửi nhu cầu tuyển dụng các tân cử nhân, kỹ sư của Trường. Qua đó cho thấy các ngành nghề mà Nhà trường đào tạo vẫn đang rất cần thiết cho nhu cầu của xã hội.

Nhà trường cũng tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho sinh viên như xây dựng bộ dữ liệu về sinh viên tốt nghiệp năm 2016 (số điện thoại, email liên hệ) gửi cho các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng; gửi thông tin cho sinh viên tốt nghiệp qua email của sinh viên, đăng thông tin trên website, facebook, bảng tin, giúp đỡ sinh viên hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng, viết giấy giới thiệu đến doanh nghiệp cần tuyển dụng đó đến tham gia ứng tuyển; phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội…mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên. Đồng thời, Nhà trường tăng cường quan hệ, xây dựng và ký kết các thỏa thuận hợp tác với một số doanh nghiệp lớn liên quan đến ngành đào tạo của Trường để sinh viên có thể đến tham quan, kiến tập, thực tập ngành nghề và tuyển dụng việc làm sau khi tốt nghiệp. Phối hợp đào tạo, bồi dưỡng sinh viên theo hướng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

II. Về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục

1. Về đội ngũ nhà giáo, cán bộ giảng dạy

Nhà trường luôn chú trọng đến việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ viên chức, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ giảng viên. Đội ngũ giảng viên của Nhà trường đang ngày càng được trẻ hóa, có trình độ cao và khá đa dạng về ngành nghề, phân bố ở các khoa, bộ môn chuyên ngành đáp ứng được yêu cầu của công tác giảng dạy theo mục tiêu đào tạo của Nhà trường.

Hiện nay, tổng số cán bộ viên chức của Trường là 891, trong đó có 684 cán bộ giảng dạy (2 GS, 58 PGS, 212 Tiến sĩ, 395 Thạc sĩ, 77 Cử nhân). Trong năm 2016, Nhà trường đã cử 14 cán bộ đi học tập trong nước trong đó có 7 học viên cao học và 7 nghiên cứu sinh; cử đi đào tạo ở nước ngoài là 15 cán bộ trong đó có 02 học viên cao học và 13 nghiên cứu sinh và 01 cán bộ nghiên cứu sau tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ này góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường trong thời gian tới.

2. Về cơ sở vật chất

Nhà trường đã có quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất trên diện tích đất hiện có. Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu Đô thị Đại học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2015 đến 2019 (theo Quyết định số 2041/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) với tổng kinh phí được cấp là 190 tỷ (theo Quyết định số 7819/QĐ-BGDĐT ngày 27/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Thực hiện công tác quản lý dự án theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Một số hạng mục được triển khai trong năm 2016 gồm: Khảo sát tuyến đường giao thông; Thẩm tra thiết kế BVTC và dự toán hệ thống điện; Số hóa bản đồ địa chính tại phường Cổ Nhuế 2; Lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất tại phường Cổ Nhuế 2; Thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sau khi thu hồi đất. Năm 2016, Nhà trường đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 7ha đất tại phường Cổ Nhuế 2 và đầu tư xây dựng một phần hạ tầng kỹ thuật khu Đô thị Đại học với tổng mức đầu tư là 80 tỷ đồng.

Để nâng cao năng lực nghiên cứu của cán bộ nghiên cứu khoa học, giảng viên và sinh viên trong lĩnh vực địa chất khoáng sản, địa chất thủy văn và môi trường, Nhà trường đã triển khai dự án đầu tư xây dựng PTN nghiên cứu khoa học địa chất với tổng mức đầu tư là 59,67 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 2012 - 2016, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp 80%, vốn tự có hợp pháp của Trường cấp 20%. Hiện nay, công trình PTN đã bàn giao đưa vào sử dụng và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án (Quyết định số 3564/QĐ-BGDĐT ngày 16/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Nhờ đó, điều kiện học tập và làm việc cho cán bộ và sinh viên trong toàn trường ngày càng được nâng cao. Nhìn chung, giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, Hội trường hiện tại đã đáp ứng cho các hoạt động của Trường. Tuy khuôn viên trường còn chật hẹp xong Nhà trường đã tận dụng, bố trí sắp xếp hợp lý để đảm bảo chất lượng đào tạo cho tất cả các ngành.

v Các phòng thí nghiệm trong những năm qua luôn được tăng cường các thiết bị hiện đại phục vụ cho đào tạo và NCKH. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí trực tiếp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo rất hạn chế, Nhà trường đã vận dụng nguồn kinh phí thường xuyên để trang bị thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập. Năm 2016, Nhà trường đã triển khai thực hiện dự án tăng cường thiết bị phòng học với kinh phí 8,9 tỷ đồng từ nguồn chi không thường xuyên và nguồn thu hợp pháp năm 2016.

Đồng thời, Nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt 02 dự án tăng cường năng lực nghiên cứu PTN, đó là: Dự án Hiện đại hóa trang thiết bị giảng dạy và nghiên cứu cho ngành Trắc địa - Bản đồ, Tuyển khoáng (theo Quyết định số 2935/QĐ-BGDĐT ngày 23/8/2016), thời gian thực hiện 2016 - 2017 với tổng mức đầu tư là 20.675.266.000 đồng và Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu Phòng thí nghiệm Cơ Điện, thời gian thực hiện 2016 - 2017 với tổng mức đầu tư là 8.400.000.000 đồng (theo Quyết định số 5457/QĐ-BGDĐT ngày 16/11/2016). Hai dự án này hoàn thành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường.

Năm 2016, Trường đã thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Mỏ - Địa chất với tổng kinh phí 5.075.500.000 đồng từ nguồn vốn tài trợ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trong đó kinh phí cho thiết bị khoảng 3,6 tỷ đồng.

v Hiện nay toàn Trường có 36 phòng thí nghiệm, trong đó: Khoa Trắc địa, Bản đồ và Quản lý đất đai: 08 phòng, Khoa Khoa học và Kỹ thuật địa chất: 08 phòng, Khoa Cơ - Điện: 05 phòng, Khoa Dầu khí: 05 phòng, Khoa Khoa học cơ bản: 02 phòng, Khoa xây dựng: 01 phòng, Khoa Môi trường: 01 phòng, Khoa CNTT: 01 phòng, Khoa Kinh tế và QTKD: 01 phòng, Khoa Mỏ: 04 phòng.

Tình hình hoạt động các phòng thí nghiệm trong toàn trường khá hiệu quả, có các phòng hoạt động liên tục, hết công suất như: PTN Vật lý, PTN Hóa học, PTN Dầu khí khối thượng nguồn, PTN và Xưởng thực hành Kỹ thuật Điện - Điện tử, PTN Kỹ thuật cơ khí -Thủy lực, PTN Địa tin học, PTN Địa chất công trình phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

Năm 2016, Trung tâm Phân tích, Thí nghiệm và Công nghệ cao được thành lập phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, các dịch vụ KHCN, các hợp đồng sản xuất trong và ngoài trường.

Bên cạnh đó, Nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với các Tập đoàn kinh tế như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Bản đồ - Bộ Tổng tham mưu, Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam… trong hoạt động đào tạo nhằm tăng cường thực tập sản xuất và thí nghiệm giúp sinh viên tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại của cơ sở sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội sau khi ra trường.

III. Công khai Tài chính

* Tổng thu năm 2015

            - Thu từ ngân sách:                                      85,734 tỷ đồng

            - Từ học phí, lệ phí:                                     168,795 tỷ đồng

            - Từ NCKH và chuyển giao công nghệ:    2,415 tỷ đồng

            - Từ nguồn khác:                                          14,567 tỷ đồng

IV. Về hình thức và địa điểm công khai

Tất cả các thông báo, báo cáo tổng kết, báo cáo Hội nghị CBVC, công tác tháng, công tác quý, lịch công tác tuần, chiến lược phát triển Trường, quy chế chi tiêu nội bộ, kế hoạch tài chính đầu năm, các quyết định và quy định của Nhà trường đều được công khai trên Website của Trường. Các tài liệu trên đều được in ấn và gửi đến các đơn vị trong Trường và lưu ở bộ phận văn thư, lưu trữ của Trường.

Kèm theo văn bản này là biểu mẫu tổng hợp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

HIỆU TRƯỞNG

(Đã ký)

PGS.TS Lê Hải An

 

 

File đính kèm