Thực hiện báo cáo việc thực hiện quy chế công khai đối với các cơ sở giáo dục đại học theo quy định tại Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2017 - 2018 Trường Đại học Mỏ - Địa chất tiếp tục thực hiện tốt các quy định tại Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT, cụ thể như sau:

I. Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế

1. Các chuẩn đầu ra

Nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển Trường Đại học Mỏ - Địa chất giai đoạn 2008 - 2020 và tầm nhìn đến 2030, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tháng 3/2009 và ban hành thực hiện từ tháng 6/2009, trong đó có đề ra các yêu cầu về chất lượng đào tạo của Trường. Năm 2015, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, Nhà trường đã tiến hành rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển Trường với nội dung chính là thay đổi mục tiêu phát triển “Trường Đại học định hướng nghiên cứu” thành “Trường Đại học định hướng ứng dụng” (theo Quyết định số 1287/QĐ-MĐC ngày 19/10/2015).

Năm học 2016 - 2017, Nhà trường đã tiến hành rà soát chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra các ngành đào tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế của Trường và nhu cầu xã hội. Trường đã ban hành Quy định Chuẩn đầu ra các chuyên ngành đào tạo hệ đại học chính quy (theo Quyết định số 1975/QĐ-MĐC ngày 22/10/2016) và Quy định Chuẩn đầu ra ngoại ngữ, Chuẩn đầu ra tin học cho sinh viên đại học hệ chính quy, đào tạo theo hệ thống tín chỉ (theo Quyết định số 1396/QĐ-MĐC ngày 24/10/2017).

Theo đó, sinh viên các chuyên ngành của Trường Đại học Mỏ - Địa chất sau khi tốt nghiệp ra trường có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, sức khoẻ, năng lực, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành đào tạo, đáp ứng các yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất n­ước; có khả năng quản lý, thiết kế, giám sát, tổ chức chỉ đạo thi công và tham gia nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực chuyên ngành được đào tạo; đảm bảo được các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục thể chất, ngoại ngữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và tiêu chuẩn về giáo dục quốc phòng do liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng quy định.

2. Về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm học 2015-2016 có việc làm

Hàng năm, Nhà trường tổ chức Hội chợ việc làm tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội tiếp cận với các nhà tuyển dụng, đồng thời mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Ngày 08/6/2017, Nhà trường đã tổ chức Ngày hội việc làm sinh viên. Tại Ngày hội việc làm đã có 80 đơn vị đăng ký tuyển dụng và 74 đơn vị tuyển dụng trực tiếp; nhà tuyển dụng là các Công ty, Tổng công ty, các Tập đoàn kinh tế trong cả nước, đã có khoảng 6.590 cơ hội việc làm cho sinh viên, trong đó ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là kỹ thuật viên (tốt nghiệp hệ cao đẳng các ngành khối kỹ thuật) (5.127), ngành quản trị kinh doanh (191), mạng máy tính (115); ngành có nhu cầu tuyển dụng ít là ngành địa chất (Địa chất công trình - Địa chất thủy văn: 3, Địa chất công trình - Địa kỹ thuật: 4), Xây dựng công trình ngầm và mỏ (5), Địa sinh thái và Công nghệ môi trường (6). Năm 2017, số lượng vị trí việc làm tăng gấp 5 lần so với năm 2016 nguyên nhân là do một số đơn vị tuyển làm việc bán thời gian (392 vị trí) và nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực đi làm việc tại Nhật Bản tăng cao. Sau Hội chợ việc làm còn có nhiều Công ty, Doanh nghiệp tư nhân gửi nhu cầu tuyển dụng các tân cử nhân, tân kỹ sư của Trường. Qua đó cho thấy các ngành nghề mà Nhà trường đào tạo vẫn đang rất cần thiết cho nhu cầu của xã hội.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2016 có việc làm đúng chuyên ngành khá cao, đặc biệt các ngành như Công nghệ thông tin (56,15%), Kế toán (57,82%), Quản trị kinh doanh (94,87%), Kỹ thuật Điện - Điện tử (61,02%), Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa (57,78%), Kỹ thuật Cơ khí (56,76%)… Sinh viên sau khi ra trường có khả năng và trình độ, đáp ứng khá tốt yêu cầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số ngành có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm khá cao nhưng tỷ lệ có việc làm đúng chuyên ngành không cao như Kỹ thuật dầu khí (tỷ lệ có việc làm: 94,25%, tỷ lệ có việc làm đúng chuyên ngành: 24,5%), Công nghệ kỹ thuật hóa học (tỷ lệ có việc làm: 88,89%, tỷ lệ có việc làm đúng chuyên ngành: 12,82%), Kỹ thuật Địa vật lý (tỷ lệ có việc làm: 91,6%, tỷ lệ có việc làm đúng chuyên ngành: 21,59%)… Nguyên nhân do trong năm vừa qua ngành dầu khí thế giới và trong nước nói chung có nhiều biến động, các doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh dầu khí thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân sự; do đó ảnh hưởng đến đầu ra của các ngành này. Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp các ngành này có chất lượng đầu vào và đầu ra khá tốt nên việc tìm kiếm việc làm không quá khó khăn, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp và thậm chí nhiều sinh viên đã được bố trí vào các vị trí quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Về vị trí việc làm: sinh viên tốt nghiệp làm việc trong khu vực tư nhân là chủ yếu (chiếm trên 60%), tiếp đến là các công ty liên doanh với nước ngoài; khu vực Nhà nước chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước như Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, một số viện nghiên cứu…; sinh viên làm việc trong các cơ quan nhà nước, hành chính sự nghiệp chiếm tỉ lệ rất ít.

Nhà trường cũng tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho sinh viên như phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tuyển dụng trực tiếp tại Trường giúp sinh viên tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo: Tập đoàn Hoa Sen (5 sinh viên được tuyển dụng), Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp (8 sinh viên được tuyển dụng), Công ty Holcim Việt Nam (11 sinh viên được tuyển dụng), Công ty SAMSUNG Việt Nam (31 sinh viên được tuyển dụng), Nhà máy Ô tô VEAM Việt Nam (26 sinh viên được tuyển dụng); xây dựng bộ dữ liệu về sinh viên tốt nghiệp (số điện thoại, email liên hệ) gửi cho các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng; gửi thông tin cho sinh viên tốt nghiệp qua email của sinh viên, đăng thông tin trên website, facebook, bảng tin, giúp đỡ sinh viên hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng, viết giấy giới thiệu đến doanh nghiệp cần tuyển dụng đó đến tham gia ứng tuyển; phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội…mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên. Đồng thời, Nhà trường tăng cường quan hệ, xây dựng và ký kết các thỏa thuận hợp tác với một số doanh nghiệp lớn liên quan đến ngành đào tạo của Trường để sinh viên có thể đến tham quan, kiến tập, thực tập ngành nghề và tuyển dụng việc làm sau khi tốt nghiệp. Phối hợp đào tạo, bồi dưỡng sinh viên theo hướng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

II. Về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục

1. Về đội ngũ nhà giáo, cán bộ giảng dạy

Nhà trường luôn chú trọng đến việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ viên chức, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ giảng viên. Đội ngũ giảng viên của Nhà trường đang ngày càng được trẻ hóa, có trình độ cao và khá đa dạng về ngành nghề, phân bố ở các khoa, bộ môn chuyên ngành đáp ứng được yêu cầu của công tác giảng dạy theo mục tiêu đào tạo của Nhà trường.

Hiện nay, tổng số cán bộ viên chức của Trường là 874, trong đó có 668 cán bộ giảng dạy (2 GS, 56 PGS, 218 Tiến sĩ, 396 Thạc sĩ, 54 Cử nhân). Trong năm 2017, Nhà trường đã cử 28 cán bộ đi học tập trong nước trong đó có 10 học viên cao học và 18 nghiên cứu sinh; cử đi đào tạo ở nước ngoài là 22 cán bộ trong đó có 01 học viên cao học, 20 nghiên cứu sinh và 01 cán bộ nghiên cứu sau tiến sĩ. Cử đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho 01 cán bộ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 249 cán bộ. Đội ngũ cán bộ này góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường trong thời gian tới.

2. Về cơ sở vật chất

Nhà trường đã có quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất trên diện tích đất hiện có. Dự án Đầu tư xây dựng Hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu Đô thị Đại học đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo Quyết định số 7819/QĐ-BGDĐT ngày 27/10/2009 với tổng mức đầu tư là 190,407 tỷ đồng (trong đó chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng: 66,156 tỷ đồng) có diện tích sử dụng đất 23,6 ha trên địa bàn của 3 phường Cổ nhuế 2, Xuân Đỉnh, Đức Thắng. Thời gian thực hiện dự án là 2015 - 2019, được điều chỉnh theo Quyết định số 2041/QĐ-BGDĐT ngày 15/6/2016. Năm 2017, đã thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng với diện tích đất đã được thu hồi theo quyết định của UBND quận Bắc Từ Liêm là 7ha/123 hộ dân và 1 tổ chức (UBND phường) nằm trên địa giới hành chính phường Cổ Nhuế 2 (5ha/60 hộ dân), phường Xuân Đỉnh (2ha/63 hộ dân). Nhà trường cùng với UBND phường Xuân Đỉnh đã thực hiện đo đạc, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất của 23 hộ dân với diện tích 1ha thuộc địa giới hành chính phường Xuân Đỉnh làm cơ sở lập phương án đền bù. Dự kiến đến 31/11/2017 sẽ hoàn thành đền bù, giải phòng mặt bằng khu vực này.

Các phòng thí nghiệm trong những năm qua luôn được tăng cường các thiết bị hiện đại phục vụ cho đào tạo và NCKH. Năm 2017, Nhà trường đã triển khai thực hiện dự án tăng cường thiết bị phòng học với kinh phí 3,36 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Nhà nước; mua sắm máy tính phòng học ngoại ngữ với kinh phí gần 200 triệu đồng; mua sắm dụng cụ vật tư máy quang phổ phát xạ Plasma thuộc Trung tâm Phân tích, Thí nghiệm Công nghệ cao với kinh phí gần 600 triệu đồng; mua sắm dụng cụ, vật tư, hóa chất thí nghiệm là 869 triệu đồng.

Đồng thời, Nhà trường đang triển khai thực hiện 02 dự án tăng cường năng lực nghiên cứu PTN, đó là: Dự án Hiện đại hóa trang thiết bị giảng dạy và nghiên cứu cho ngành Trắc địa - Bản đồ, Tuyển khoáng (theo Quyết định số 2935/QĐ-BGDĐT ngày 23/8/2016) với tổng mức đầu tư là 20.675.266.000 đồng và Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu Phòng thí nghiệm Cơ Điện với tổng mức đầu tư là 8.400.000.000 đồng (theo Quyết định số 5457/QĐ-BGDĐT ngày 16/11/2016). Hai dự án này hoàn thành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường.

Nhờ đó, điều kiện học tập và làm việc cho cán bộ và sinh viên trong toàn trường ngày càng được nâng cao. Nhìn chung, giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, Hội trường hiện tại đã đáp ứng cho các hoạt động của Trường. Tuy khuôn viên trường còn chật hẹp xong Nhà trường đã tận dụng, bố trí sắp xếp hợp lý để đảm bảo chất lượng đào tạo cho tất cả các ngành.

Hiện nay toàn Trường có Trung tâm Phân tích thí nghiệm công nghệ cao cùng với 36 phòng thí nghiệm, trong đó: Khoa Trắc địa, Bản đồ và Quản lý đất đai: 08 phòng, Khoa Khoa học và Kỹ thuật địa chất: 08 phòng, Khoa Cơ - Điện: 05 phòng, Khoa Dầu khí: 05 phòng, Khoa Khoa học cơ bản: 02 phòng, Khoa xây dựng: 01 phòng, Khoa Môi trường: 01 phòng, Khoa CNTT: 01 phòng, Khoa Kinh tế và QTKD: 01 phòng, Khoa Mỏ: 04 phòng.

Tình hình hoạt động các phòng thí nghiệm trong toàn trường khá hiệu quả, có các phòng hoạt động liên tục, hết công suất như: PTN Vật lý, PTN Hóa học, PTN và Xưởng thực hành Kỹ thuật Điện - Điện tử, PTN Kỹ thuật cơ khí -Thủy lực, PTN Địa tin học, PTN Địa chất công trình phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, Nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với các Tập đoàn kinh tế như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Bản đồ - Bộ Tổng tham mưu, Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam… trong hoạt động đào tạo nhằm tăng cường thực tập sản xuất và thí nghiệm giúp sinh viên tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại của cơ sở sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội sau khi ra trường.

III. Công khai Tài chính

* Tổng thu năm 2016

            - Thu từ ngân sách:                                      73,73 tỷ đồng

            - Từ học phí, lệ phí:                                     169 tỷ đồng

            - Từ NCKH và chuyển giao công nghệ:    12,8 tỷ đồng

            - Từ nguồn khác:                                          21,6 tỷ đồng

IV. Về hình thức và địa điểm công khai

Tất cả các thông báo, báo cáo tổng kết, báo cáo Hội nghị CBVC, công tác tháng, công tác quý, lịch công tác tuần, chiến lược phát triển Trường, quy chế chi tiêu nội bộ, kế hoạch tài chính đầu năm, các quyết định và quy định của Nhà trường đều được công khai trong phạm vi toàn trường. Các tài liệu trên đều được in ấn và gửi đến các đơn vị trong Trường và lưu ở bộ phận văn thư, lưu trữ của Trường.

Kèm theo văn bản này là biểu mẫu tổng hợp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

HIỆU TRƯỞNG

(đã ký)

PGS.TS Lê Hải An

File đính kèm