Văn phòng: Phòng 306 nhà C12 tầng

Địa chỉ: Số 18, phố Viên,·phường Đức Thắng, quận Bắc Liêm, Hà Nội

Điện thoại: 024 38.386.439

Fax: 024.38.398.633

Email: tochuccanbo@humg.edu.vn

Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tổ chức - Cán bộ

1. Chức năng:

a) Xây dựng, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ cấu tổ chức, bộ máy và nhân sự.

b) Triển khai công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động.

c) Xây dựng các quy định, chính sách quản lý thuộc các lĩnh vực vụ trách, đảm bảo chế độ, chính sách đối với cán bộ, viên chức và người lao động.

d) Thực hiện công tác thanh tra.

2. Nhiệm vụ:

2.1. Công tác xây dựng, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ cấu tổ chức, bộ máy và nhân sự

a) Giúp Hiệu trưởng xây dựng, rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhân sự đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; xây dựng các văn bản, quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và mối quan hệ giữa các đơn vị thuộc Trường; thực hiện quy trình thành lập và giải thể các đơn vị, tổ chức trực thuộc Trường.

b) Là đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ cấu vị trí việc làm và đánh giá, phân loại cán bộ, viên chức; thực hiện việc sắp xếp hợp lý đội ngũ việc làm, tinh giản biên chế để nâng cao năng suất làm việc, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy của Trường.

c) Tư vấn cho Hiệu trưởng về nhân sự tại các vị trí việc làm; chuẩn bị các quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ, điều động hoặc luân chuyển vị trí công tác, kiện toàn các Hội đồng, Ban tư vấn, Tổ công tác của Trường theo yêu cầu.

d) Phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Hiệu trưởng xây dựng quy hoạch nhân sự lãnh đạo, quản lý; chiến lược và kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức; lập và triển khai kế hoạch biên chế cho các đơn vị trong Trường.

e) Quản lý, lập kế hoạch và thực hiện quy trình tuyển dụng, thi nâng hạng, bổ nhiệm và chuyển các chức danh nghề nghiệp, thôi việc, chuyển công tác đối với giảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động.

f) Phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Hiệu trưởng và các Hội đồng có liên quan thực hiện quy trình xét đạt chuẩn chức danh GS, PGS, danh hiệu NGND, NGƯT ở cấp Trường; xét kéo dài thời gian công tác đối với cán bộ, viên chức đã đến tuổi nghỉ chế độ theo quy định.

g) Quản lý hồ sơ cán bộ, viên chức và người lao động của Trường; quản lý các hợp đồng có sử dụng nhân sự ngoài Trường để thực hiện các nhiệm vụ của Trường; quản lý và theo dõi việc thực hiện các hợp đồng thỉnh giảng; quản lý và triển khai thực hiện công tác kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng kê khai.

h) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác quản lý, đánh giá, xét kỷ luật cán bộ, viên chức và người lao động trong toàn Trường.

2.2. Công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động

a) Xây dựng và triển khai kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm và lập dự toán ngân sách cho đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu tiêu chuẩn của mỗi vị trí việc làm.

b) Xây dựng kế hoạch và lộ trình kiểm tra, đánh giá năng lực, trình độ (tin học, ngoại ngữ và chuyên môn) của cán bộ, viên chức và người lao động theo yêu cầu tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm.

c) Làm các quyết định cử và quản lý cán bộ đi công tác, học tập ở trong và ngoài nước, tiếp nhận cán bộ về Trường theo quy định.

2.3. Công tác đảm bảo chế độ, chính sách theo quy định đối với cán bộ, viên chức và người lao động

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý, xét duyệt và thực hiện chế độ chính sách về tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn và bảo hộ lao động, hưu trí và các chế độ chính sách khác cho cán bộ, viên chức và người lao động.

b) Phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng Bộ chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả công việc (KPI/BSC) và các quy định liên quan để đánh giá, phân loại cán bộ theo hiệu quả công việc làm cơ sở để rà soát, điều chỉnh quy định về chi tiêu nội bộ và phân phối các nguồn thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động theo quy định một cách hiệu quả nhất.

2.4. Công tác Thanh tra

a) Lập kế hoạch hàng năm và định kỳ tiến hành thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và các quy định nội bộ đối với mọi hoạt động của Trường trong phạm vi trách nhiệm quản lý của Hiệu trưởng theo đúng quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra và giám sát đột xuất khi cần hoặc khi có dấu hiệu vi phạm.

b) Đề xuất Hiệu trưởng giải quyết, xử lý tồn tại và điều chỉnh, bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, chỉ đạo hoạt động để tăng cường hiệu quả quản lý, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong Trường; trường hợp khẩn cấp, ra quyết định chỉ hoạt động gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của cán bộ, viên chức, người lao động và người học hoặc gây ảnh hưởng xấu về mặt chính trị xã hội và báo cáo với Hiệu trưởng ngay sau khi xử lý.

c) Kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình việc thực hiện các quy chế, quy định của Trường và của các cấp có thẩm quyền; thống kê, báo cáo kết quả công tác thanh tra cho Hiệu trưởng và các cấp có thẩm quyền theo quy định hiện hành.

d) Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

e) Kết hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

f) Giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các hoạt động của Trường do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

3. Nhiệm vụ khác: 

- Tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Trường triển khai các hoạt động chuyên môn và quản lý liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được quy định cụ thể cho mỗi đơn vị trong Quy định này, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Trường.

- Thường xuyên rà soát và cập nhật các văn bản pháp luật để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị theo đúng quy định; chủ động, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ trình Hiệu trưởng ban hành nhằm chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Trường liên quan đến chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

- Chủ động ra các quyết định quản lý, điều hành nếu được ủy quyền.

- Đề xuất với Hiệu trưởng kế hoạch năm, quý, tháng, tuần; phương án thực hiện các kế hoạch; và giải quyết các công việc đối nội, đối ngoại theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Quản lý, theo dõi, tổng hợp và giải quyết công tác chuyên môn nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ và quyền được giao.

- Thực hiện công tác lưu trữ theo quy định tất cả các văn bản do đơn vị làm đầu mối thực hiện và các văn bản khác (bản cứng và bản mềm) liên quan đến chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

- Hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các công tác nghiệp vụ đối với các đơn vị thuộc Trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác để thực hiện tốt công việc của Trường. Quản lý trực tiếp và toàn diện cán bộ, viên chức và người lao động của đơn vị.

- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, viên chức trong đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ và đáp ứng các yêu cầu phát triển của Trường.

- Quản lý, sử dụng tài sản được giao một cách an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.

- Xây dựng và văn bản hóa quy trình giải quyết các công việc được giao theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

- Chủ trì và làm đầu mối phối hợp với Phòng Quan hệ Công chúng và Doanh nghiệp tổ chức các sự kiện của Trường liên quan đến chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

- Ngoài nhiệm vụ chung được quy định tại Điều này, các đơn vị chức năng còn có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được quy định riêng cho mỗi đơn vị trong Quy định này và thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng trường (HĐT) và Ban Giám hiệu (BGH) chỉ đạo.