KHOA HỌC DỮ LIỆU (DATA SCIENCE)

10/08/2021

Tên ngành: KHOA HỌC DỮ LIỆU (DATA SCIENCE)

Mã trườngMDA

Mã ngành7480109

Tổ hợp môn xét tuyểnToán – Lý – Hóa; Toán – Lý – Anh; Toán – Văn - Anh; Toán - Hoá - Anh.

1. Giới thiệu về ngành đào tạo

Ngành Khoa học Dữ liệu (KHDL) là khoa học về việc quản trị và phân tích dữ liệu để tìm ra các hiểu biết, các tri thức hành động, các quyết định dẫn dắt hành động. KHDL gồm ba phần chính: Tạo ra và quản trị dữ liệu, phân tích dữ liệu, và chuyển kết quả phân tích thành giá trị của hành động. Có thể hình dung bước thứ nhất là về số hóa và bước thứ hai là về dùng dữ liệu. Việc phân tích và dùng dữ liệu lại dựa vào ba nguồn tri thức: toán học (thống kê toán học), công nghệ thông tin (máy học) và tri thức của lĩnh vực ứng dụng cụ thể. Như vậy Khoa học dữ liệu là một lĩnh vực mới, mang tính đa ngành, được hình thành trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

KHDL liên quan đến quá trình phân tích, khám phá tri thức từ dữ liệu nhằm hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp trong việc ra quyết định. KHDL giữ vai trò lớn trong thế kỷ 21. Trong cuộc chạy đua công nghệ số, người thắng cuộc chính là người làm chủ các nguồn dữ liệu lớn. Theo GS.TSKH Hồ Tú Bảo – Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến (JAIST), Nhật Bản: “KHDL là khoa học dựa trên sự kết hợp của toán học (tiêu biểu là thống kê) và công nghệ thông tin (tiêu biểu là machine learning)”. Nghiên cứu KHDL là quan tâm hàng đầu của chuyên gia công nghệ thông tin.

Ngành KHDL được trông đợi đào tạo ra các kỹ sư đạt được: Nền tảng kiến thức cơ bản vững chắc về quản lý, xử lý và phân tích dữ liệu lớn; Kiến thức chuyên ngành sâu và rộng về khoa học dữ liệu; Kiến thức chuyên sâu cần thiết về các lĩnh vực cần xử lý dữ liệu; Đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm đối với bản thân và xã hội; Khả năng tự học, tự nghiên cứu, làm việc độc lập hoặc theo nhóm, tham gia các khóa bồi dưỡng để nắm bắt các công nghệ mới; Đủ năng lực học tiếp sau đại học trong và ngoài nước.

2. Vai trò của ngành học đối với sự phát triển của đất nước

Theo báo cáo thị trường IT 2020 của Công ty khảo sát nhân lực hàng đầu Việt Nam TopDev, hiện 70% sinh viên IT ra trường cần được đào tạo/cập nhật lại kiến thức. Dự báo năm 2020 Việt Nam thiếu khoảng 100 nghìn nhân lực IT, con số này là 190 nghìn vào năm 2021. Như vậy có thể nói nhu cầu nhân lực CNTT chất lượng cao là rất thiếu, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu.

Theo GS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) cho biết: Đối với nền kinh tế số và xã hội số, có thể coi điện toán đám mây như môi trường, dữ liệu lớn như năng lượng, internet vạn vật như huyết mạch, trí tuệ nhân tạo là các hoạt động thông minh, và cũng có thể xem khoa học dữ liệu như “bộ não” nhằm phân tích nguồn dữ liệu lớn do các đột phá kia tạo ra, để hỗ trợ con người đưa ra các quyết định và hành động.

KHDL liên quan đến quá trình phân tích, khám phá tri thức từ dữ liệu nhằm hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp trong việc ra quyết định. KHDL giữ vai trò lớn trong thế kỷ 21. Trong cuộc chạy đua công nghệ số, người thắng cuộc chính là người làm chủ các nguồn dữ liệu lớn.

Những kỹ sư KHDL đáp ứng nhu cầu nhân lực cao trong lĩnh vực thu thập, khai phá, phân tích dữ liệu giúp cho các nhà quản lý đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời nhằm hạn chế rủi ro và có chiến lược phát triển đúng đắn hơn; có khả năng đáp ứng tốt những yêu cầu nghề nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty, công ty Công nghệ thông tin trong nước và quốc tế; là đầu tầu trong việc nghiên cứu, triển khai các dự án, sản phẩm, dịch vụ về KHDL đương đại trong các lĩnh vực Kinh tế - Xã hội của đất nước.

3. Tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, sinh viên theo học ngành này sẽ được đào tạo các kiến thức chuyên ngành gì để áp dụng vào thực tế công việc

Bên cạnh những kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành cốt lõi của ngành CNTT, ngành KHDL được trang bị những kiến thức mới và được cập nhật thường xuyên như: Kỹ nghệ tri thức và học máy, Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Thị giác máy tính, Trực quan hóa dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo; Big data + ứng dụng; Khai phá dữ liệu, Lập trình Python; Dữ liệu không gian…

Ngành KHDL của Trường Đại học Mỏ - Địa chất tập trung vào ba hướng chuyên sâu là thế mạnh trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong nhiều năm qua: (1) KHDL trong Kinh tế - Tài chính; (2) KHDL trong quản lý Tài nguyên - Môi trường; (3) KHDL Không gian.

4. Kỹ sư (cử nhân) tốt nghiệp ngành này sẽ làm việc ở đâu, công việc cụ thể là gì ?

Vị trí việc làm:

- Nhà khoa học dữ liệu

- Nhà phân tích dữ liệu

- Kiến trúc sư dữ liệu

- Nhà phân tích kinh doanh

- Kỹ sư dữ liệu

- Quản trị viên cơ sở dữ liệu

- Nhà thống kê

- Trình quản lý dữ liệu và phân tích

- Giáo viên/Giảng viên về KHDL tại các Trường Đại học, cao đẳng, trung cấp…

- Ngoài ra, kỹ sư KHDL có thể làm việc như những Kỹ sư Công nghệ thông tin…

Trong những vị trí việc làm ở trên, Nhà khoa học dữ liệu là một trong những chức danh công việc đòi hỏi khắt khe nhất và là một vị trí có mức lương cao nhất trong lĩnh vực KHDL.

Nơi làm việc:

- Làm việc trong các công ty giải pháp phần mềm CNTT trong và ngoài nước, phân tích dữ liệu nhỏ và lớn.

- Làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước hay tư nhân, hỗ trợ các công việc kỹ thuật về xử lý dữ liệu, thống kê và làm các quyết định; đặc biệt liên quan đến các lĩnh vực Kinh tế - Tài chính, quản lý Tài nguyên – Môi trường, Địa không gian

- Làm việc trong các tổ chức kinh doanh, quản lý và xử lý các tập dữ liệu phát sinh mỗi ngày.

- Làm việc và nghiên cứu tại các viện và trung tâm lớn của quốc gia về xử lý dữ liệu.

- Trở thành giảng viên và chuyên gia trong các lĩnh vực Khoa học Dữ liệu.

- Làm việc tại các ngành nghề liên quan đến khoa học công nghệ như: Công nghệ thông tin, Tài chính – Ngân hàng (FinTech), Địa Tin học…

5. Dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực của ngành này hiện nay

- Theo một dự báo của McKinsey, một trong tứ đại trong làng quản lý và tham vấn, nhu cầu tuyển dụng ngành KHDL đang tăng nhanh một cách chóng mặt. Ước tính ở Mỹ có thể tới gần con số 1.8 triệu vị trí đang cần tìm người trong ngành này. Ở Đông Nam Á, nhiều quốc gia cũng đang ráo riết phát triển nhiều chương trình thu hút nguồn nhân lực trình độ cao cùng với nhiều hoạt động xoay quanh khoa học dữ liệu. 

- KHDL được tạp chí Harvard Business Review gọi là “Nghề nghiệp quyến rũ nhất thế kỷ 21”. Thuật ngữ “Khoa học Dữ liệu” đã trở thành một từ khóa “nóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Hoa Kỳ, Khoa học Dữ liệu đứng đầu trong số 25 nghề tốt nhất, đứng thứ 16 về mức lương và đứng đầu trong số 10 ngành nghề được tuyển dụng nhiều nhất hiện nay.

- IBM dự báo tốc độ tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực này là 28%, đưa tổng số việc làm trong lĩnh vực này lên 2,7% vào năm 2020. Theo nghiên cứu của Burtch Works năm 2018, một báo cáo do tạp chí Forbes phát triển, mức lương khởi điểm bình quân của nghề Khoa học Dữ liệu là 95,000 đô la Mỹ/năm.

Năm 2019, ngành Khoa học Dữ liệu cũng đã chính thức lọt TOP 1 những ngành nghề có mức lương cao nhất cho sinh viên mới ra trường theo công bố của Bloomberg.

6. Những ưu đãi đặc biệt cho sinh viên theo học ngành này

- Đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài và các trường đại học uy tín trong nước trực tiếp giảng dạy, ngoài ra còn có sự phối hợp của các giảng viên có trình độ cao của các Khoa chuyên môn khác trong trường.

- Được hưởng các chế độ học bổng, miễn giảm học phí theo quy định của Nhà trường

- Được các doanh nghiệp tài trợ học bổng nếu có điểm thi đầu vào cao hoặc có thành tích học tập tốt

- Được giới thiệu thực tập, làm part-time tại doanh nghiệp trong thời gian học, xin việc sau khi tốt nghiệp

- Có cơ hội học tập chuyển tiếp sau đại học ở nước ngoài

7. Thông tin liên hệ 

Tầng 7 – Nhà C, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, số 18 phố Viên – Đức Thắng – Bắc Từ Liêm – Hà Nội

ĐT: 024 38387570. Hotline: 0868608379

Email: congnghethongtin@humg.edu.vn

Phòng QHCC&DN