Nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài NCKH cấp Bộ mã số B2021-MDA-06 do PGS. TS Nguyễn Văn Sáng làm chủ nhiệm

09/05/2023

Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Cơ sở  đề tài KH&CN cấp Bộ "Nghiên cứu đề xuất phương pháp xác định độ sâu đáy biển từ số liệu dị thường trọng lực trên khu vực Biển Đông" mã số B2021-MDA-06 do PGS. TS Nguyễn Văn Sáng làm chủ nhiệm

Mã số: B2021-MDA-06
Thời gian thực hiện: 2021-2022 (Gia hạn đến Tháng 6/2023)
Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS Nguyễn Văn Sáng
Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Mỏ - Địa chất
Thời gian nghiệm thu: 9h00' ngày 11 tháng 5 năm 2023 (Thứ Năm)
Địa điểm: Phòng họp Sông Công, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Phường Đức Thắng - Quận Bắc Từ Liêm - TP Hà Nội
Trân trọng kính mời các đại biểu và nhà khoa học quan tâm tới dự.

THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

Mục tiêu của đề tài

- Đề xuất được phương pháp xác định độ sâu đáy biển từ số liệu dị thường trọng lực và xác định được độ sâu đáy biển từ số liệu dị thường trọng lực trên khu vực giữa Biển Đông

Tính mới và sáng tạo:

- Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam đề xuất được phương pháp xác định độ sâu đáy biển từ số liệu dị thường trọng lực trên Biển Đông.

- Lần đầu tiên Việt Nam xác định được độ sâu đáy biển từ số liệu dị thường trọng lực trên khu vực giữa Biển Đông.

Kết quả nghiên cứu:

- Đề tài đã nghiên cứu đề xuất được phương pháp xác định độ sâu địa hình đáy biển từ số liệu dị thường trọng lực trên Biển Đông. Theo phương pháp này, dị thường trọng lực được chia làm 2 phần: dị thường trọng lực bước sóng dài liên quan đến vật chất ở sâu và rộng dưới đáy biển; và dị thường trọng lực bước sóng ngắn liên quan đến sự lồi lõm của địa hình đáy biển. Từ đó, xác định được độ sâu đáy biển từ dị thường trọng lực bước sóng ngắn.

- Đề tài đã nghiên cứu đề xuất được các giải pháp nâng cao độ chính xác xác định độ sâu từ số liệu dị thường trọng lực, bao gồm: (1) Làm khớp dị thường trọng lực xác định từ đo cao vệ tinh với dị thường trọng lực đo trực tiếp để nâng cao độ chính xác số liệu dị thường trọng lực; (2) Nghiên cứu xác định tương phản mật độ phù hợp với khu vực nghiên cứu; (3) Làm khớp độ sâu xác định từ dị thường trọng lực với độ sâu đo trực tiếp.

- Đề tài đã xây dựng được chương trình máy tính xác định độ sâu đáy biển từ dị thường trọng lực, bao gồm chương trình chính và các module chương trình như: module chương trình tính dị thường trọng lực bước sóng dài; module chương trình tính hiệp phương sai; module chương trình nội suy dị thường trọng lực bước sóng dài; module chương trình tính độ sâu đáy biển; module chương trình đánh giá độ chính xác độ sâu.

- Đề tài đã thu thập và xử lý số liệu trên khu vực nghiên cứu bao gồm: dị thường trọng lực vệ tinh từ các mô hình DTU10GRAV, DTU13GRAV, DTU15GRAV và DTU17GRAV; 33 332 điểm đo sâu và đo trọng lực trực tiếp từ các dự án hợp tác giữa Việt Nam với Nga và Việt Nam với Pháp; và hơn 10 000 điểm đo sâu trực tiếp.

- Đề tài đã đánh giá, lựa chọn số liệu dị thường trọng lực vệ tinh tốt nhất là số liệu của mô hình DTU17GRAV và làm khớp số liệu này với dị thường trọng lực đo trực tiếp bằng phương pháp Collocation để nâng cao độ chính xác số liệu dị thường trọng lực.

- Đề tài đã xác định được độ sâu đáy biển từ dị thường trọng lực trên khu vực nghiên cứu gồm 202501 điểm độ sâu ở dạng grid với kích thước mắt lưới 1’x1’, với tương phản mật độ phù hợp nhất là 1,40 g/cm3. Độ chính xác của độ sâu xác định được đạt ±85,544 m, độ lệch hệ thống là -1,175 m. Độ sâu này được làm khớp với độ sâu đo trực tiếp để nâng cao độ chính xác. Sau khi làm khớp, độ chính xác độ sâu đạt là ±83,957 m, độ lệch hệ thống là 0,727 m. So sánh với các mô hình độ sâu đã có của thế giới trên khu vực nghiên cứu như DTU18BAT, GEBCO2020 thì kết quả xác định độ sâu của nghiên cứu này có độ chính xác cao hơn nhiều.

 Sản phẩm của đề tài:

Sán phẩm khoa học

- 01 Bài báo đăng trong tạp chí quốc tế trong danh mục ISI (Q2);

- 02 Bài báo đăng trên tạp chí quốc tế trong danh mục Scopus;

- 03 Bài báo đăng trong tạp chí trong nước;

- 01 Báo cáo hội nghị khoa học trong nước,

Sản phẩm đào tạo

- 02 Cao học;

- Hỗ trợ 01 Nghiên cứu sinh.

Sản phẩm ứng dụng

- 01 Phương pháp xác định độ sâu đáy biển từ số liệu dị thường trọng lực trên khu vực giữa Biển Đông cùng quy trình chi tiết hướng dẫn các bước xác định độ sâu đáy biển từ số liệu dị thường trọng lực;

- 01 Chương trình máy tính xác định độ sâu đáy biển từ số liệu dị thường trọng lực trên khu vực giữa Biển Đông;

- 01 Bộ dữ liệu độ sâu đáy biển trên khu vực giữa Biển Đông. 

Phương thức chuyển giao, địa chỉ ứng dụng, tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu:

Phương thức chuyển giao

- Báo cáo tổng kết đề tài và chương trình máy tính được chuyển giao trực tiếp cho Khoa Trắc địa – Bản đồ và Quản lý đất đai, trường Đại học Mỏ - Địa Chất để làm tài liệu tham khảo trong giảng dạy.

- Phương pháp xác định độ sâu đáy biển từ số liệu dị thường trọng lực trên khu vực giữa Biển Đông cùng quy trình chi tiết hướng dẫn các bước xác định độ sâu đáy biển từ số liệu dị thường trọng lực và chương trình máy tính sẽ được chuyển giao trực tiếp cho Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển, Quân chủng Hải quân phục vụ công tác thành lập bản đồ địa hình đáy biển và hải đồ phục vụ cho Hải quân.

- Bộ dữ liệu độ sâu đáy biển trên khu vực giữa Biển Đông được chuyển giao trực tiếp cho các đơn vị.

Khả năng áp dụng

- Trường Đại học Mỏ - Địa chất và các trường đại học khác có đào tạo về Trắc địa biển có thể sử dụng sản phẩm của đề tài làm tài liệu tham khảo khi giảng dạy và nghiên cứu.

- Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển và các trung tâm nghiên cứu về Biển Đông, các nhà khoa học và sinh viên có thể sử dụng phương pháp, chương trình máy tính và kết quả thực nghiệm của đề tài để nghiên cứu về Biển Đông.

- Kết quả xác định độ sâu đáy biển trên khu vực nghiên cứu có thể được chuyển giao trực tiếp cho các đơn vị quân đội, các đoàn hải quân để phục vụ mục đích nghiên cứu và an ninh quốc phòng; chuyển giao cho các đơn vị khác sử dụng cho các mục đích về nghiên cứu biển.

Phòng KHCN