- Các lĩnh vực xem xét tuyển chọn
Các đề xuất tham gia tuyển chọn phải thuộc một trong 05 (năm) lĩnh vực sau (các đề xuất nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực khác sẽ không được xem xét):
1. Lĩnh vực Khoa học biển (nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên biển và đa dạng sinh học biển).
2. Lĩnh vực Công nghệ năng lượng (công nghệ tiên tiến trong khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất năng lượng).
3. Lĩnh vực Vật liệu mới (công nghệ chế tạo vật liệu thông minh, vật liệu tự phục hồi; vật liệu quang điện tử và quang tử; vật liệu từ).
4. Lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chính xác (ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), công nghệ di truyền).
5. Lĩnh vực Công nghệ vũ trụ (ứng dụng công nghệ vũ trụ trong dự báo biến đổi khí hậu, dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai; thông tin và bảo mật vệ tinh).
- Yêu cầu đối với sản phẩm của nhiệm vụ
1) Yêu cầu cụ thể đối với nhiệm vụ Nghị định thư
Nhiệm vụ Nghị định thư cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo các quy định hiện hành của Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như đáp ứng các điều kiện theo thông tư số 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo nghị định thư. Ưu tiên những đề xuất có tính đột phá, những công nghệ tiên tiến. Ưu tiên những nhiệm vụ mà hai phía đối tác đã có quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả.
2) Yêu cầu về sản phẩm của nhiệm vụ Nghị định thư
Các sản phẩm của nhiệm vụ NĐT phải là các sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới. Các sản phẩm của nhiệm vụ cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia với các sản phẩm dạng I, dạng II và dạng III:
- Sản phẩm dạng I phải có tính năng kỹ thuật, kiểu dáng, chất lượng tương đương, có thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
- Sản phẩm dạng II ưu tiên những quy trình công nghệ tiên tiến.
- Sản phẩm dạng III gồm ít nhất 02 bài báo đăng trên tác tạp chí quốc tế uy tín có độ trích dẫn cao, 2 bài báo trên các tạp chí có uy tín trong nước do quỹ Nafosted ban hành. Góp phần đào tạo được các tiến sĩ, thạc sĩ, và kỹ sư (theo hướng luận văn tốt nghiệp thực hiện theo các nội dung của hợp tác nghị định thư).
- Yêu cầu chung đối với đề xuất nhiệm vụ
Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 01/9/2023 đến ngày 31/10/2023.
Mỗi đề xuất nhiệm vụ phải được nộp đồng thời cho các cơ quan có thẩm quyền điều phối Chương trình hợp tác về khoa học và công nghệ phía Việt Nam và Liên bang Nga. Đề xuất chỉ nộp cho một phía sẽ không được xem xét.
Mỗi nhiệm vụ có thời gian thực hiện từ 2-3 năm trong giai đoạn 2024-2026. Hai Bên cùng xem xét tài trợ tài chính một phần hoặc toàn phần nhiệm vụ, việc đánh giá và quản lý nhiệm vụ được thực hiện theo quy định hiện hành của mỗi nước.
- Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn
Về phía Liên bang Nga: Các đề xuất phải được nộp theo quy định của Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga (theo hướng dẫn tại Thông báo kêu gọi tuyển chọn nhiệm vụ tại website https://minobrnauki.gov.ru/grants/grants/).
Về phía Việt Nam:
- Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Nộp trực tuyến bản scan hồ sơ tại Hệ thống quản lý nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, địa chỉ trang web https://stm.most.gov.vn
- Nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện gửi về Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Hà Nội.
- Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký tuyển chọn chậm nhất ngày 31/10/2023.
- Thông tin liên hệ
Thông tin chi tiết xin liên hệ đ/c Phạm Tuấn Anh, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ theo số điện thoại: +84 243 943 5376./.