Văn phòng: Phòng 703, tầng 7 nhà C12 tầng khu A Trường ĐH Mỏ - Địa chất

Địa chỉ: Số 18 Phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Điện thoại: (+84) (04) 3752 1428

Email: congnghephanmem@humg.edu.vn

1. Giới thiệu chung về lịch sử phát triển

Bộ môn Công nghệ Phần mềm được thành lập ngày 23 tháng 3 năm 2005, theo Quyết định số 142/2005/QĐ-MĐC-TCCB của Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Khi mới thành lập với lực lượng còn mỏng, cán bộ của Bộ môn đã tham gia giảng dạy các môn học ngành Công nghệ Thông tin cho các chuyên ngành đã có của Khoa Công nghệ Thông tin và cho toàn Trường. Từ năm học 2007-2008, Bộ môn bắt đầu đào tạo kỹ sư chuyên ngành Công nghệ Phần mềm.

2. Cơ cấu cán bộ, viên chức trong đơn vị

Hiện nay, Bộ môn có 10 cán bộ, viên chức với 1 phó giáo sư, 1 tiến sĩ, 4 nghiên cứu sinh (tại Pháp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Khoa học và Công nghệ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), 2 thạc sỹ và 2 kỹ sư/cử nhân, trong đó có 9 cán bộ giảng dạy và 1 trợ giảng. Có 7 cán bộ giảng dạy của Bộ môn tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin từ các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội, Liên bang Nga; 2 cán bộ giảng dạy còn lại là những sinh viên xuất sắc của Khoa Công nghệ Thông tin; 4 cán bộ giảng dạy tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ từ các trường đại học tại các nước tiên tiến trên thế giới. Một số cán bộ giảng dạy của Bộ môn còn là lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm tại Trung tâm Thông tin – Thư viện của Nhà trường.

3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được

Bộ môn có nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong ngành Công nghệ Thông tin nói chung và chuyên ngành Công nghệ Phần mềm nói riêng. Đến năm 2016, Bộ môn đã có 4 khóa sinh viên tốt nghiệp. Phần lớn sinh viên ra trường có việc làm, nhiều em có việc làm tốt trong các tập đoàn lớn như FPT, Viettel, VNPT hoặc mở công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Cán bộ của Bộ môn đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở; hướng dẫn nhiều đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên đạt kết quả cao; công bố nhiều công trình trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài nước, trong đó có các tạp chí trong danh mục SCI và SCIE. Ngoài ra, cán bộ của Bộ môn còn tham gia thực hiện nhiều hợp đồng phát triển phần mềm và đào tạo cho các đơn vị bên ngoài.

4. Mục tiêu và định hướng phát triển

Trong bối cảnh nhu cầu nhân lực cho nền công nghiệp Công nghệ Thông tin Việt Nam đang tăng cao, số lượng sinh viên mong muốn học chuyên ngành Công nghệ Phần mềm ngày càng nhiều, cán bộ, viên chức của Bộ môn tiếp tục phấn đấu đạt nhiều thành tích hơn nữa trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong thời gian tới, Bộ môn định hướng nâng cao năng lực của cán bộ, viên chức; mở chương trình đào tạo sau đại học ngành Công nghệ Thông tin; viết mới và hoàn thiện các giáo trình; tập trung nghiên cứu vào hướng ứng dụng Công nghệ Thông tin trong các lĩnh vực Mỏ và các khoa học Trái đất; công bố các công trình khoa học trên các tạp chí, hội nghị/hội thảo có uy tín trong và ngoài nước; thực hiện đề tài các cấp; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước về đào tạo và nghiên cứu khoa học.

5. Khen thưởng

Bộ môn đã nhiều năm liên tục đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Nhiều cán bộ của Bộ môn đã liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và giấy khen các cấp.