Trường Đại học Mỏ - Địa chất 40 năm một chặng đường vẻ vang

03/11/2006

Hôm nay trong sắc nắng vàng rực rỡ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất anh hùng tưng bừng hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trường. Bốn mươi năm về trước, ngày 8 tháng 8 năm 1966, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cho phép thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ngày 15 tháng 11 năm đó, khoá học đầu tiên được khai giảng tại xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Từ đó, ngày 15/11 hằng năm được lấy làm ngày truyền thống của Nhà trường.

Trường Đại học Mỏ - Địa chất được thành lập trong điều kiện hết sức khó khăn từ Khoa Mỏ - Địa chất của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Lúc đó trường chỉ có 4 khoa: Mỏ, Địa chất, Địa chất Công trình, Trắc địa và 2 Ban: Khoa học Cơ bản, Tại chức, với 11 Bộ môn chuyên môn, 6 bộ môn cơ bản và cơ sở. Khoá chiêu sinh đầu tiên, theo mốc đào tạo của Khoa Mỏ - Địa chất, là khoá thứ 11 có 623 sinh viên hệ dài hạn và 77 sinh viên hệ chuyên tu. Trong giai đoạn này, mọi cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập của nhà trường chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ tận tình giúp đỡ của chính quyền, nhân dân địa phương nơi trường sơ tán. Với sự nhiệt tình, đoàn kết của cán bộ và sinh viên, Nhà trường đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những lớp sinh viên đầu tiên đã nắm vững kiến thức, tham gia có hiệu quả vào các lĩnh vực xây dựng đất nước và trong đấu tranh cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong khó khăn gian khổ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất là một trong những trường đầu tiên đưa sinh viên xuống các cơ sở sản xuất, gắn học tập với thực tiễn.

Từ 1966 đến 1976, Nhà trường đã hoàn thành 10 đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ, 52 đề tài cấp trường, hàng trăm hợp đồng phục vụ sản xuất và chiến đấu. Với thành tích đóng góp vào xây dựng công trình ngầm H8 do khoa Mỏ phối hợp cùng đơn vị Công binh thực hiện thành công, Nhà trường đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Thầy và trò khoa Trắc địa đã thực hiện nhiều công trình đo vẽ bản đồ cho các tỉnh Hà Bắc, Bắc Thái, Lai Châu, được Trung ương cũng như các địa phương đánh giá cao và tặng nhiều bằng khen.

Nhà trường không chỉ làm tốt công tác đào tạo mà còn góp nhiều sáng kiến phục vụ chiến đấu, đóng góp sức người cho tiền tuyến. Đã có 1050 thấy giáo và sinh viên xếp bút nghiên, tình nguyện lên đường xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Nhiều người đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, nhiều người trở lại với mái trường thân yêu hoàn thành ước nguyên học tập nghiên cứu của mình, nhiều người chiến sỹ năm xưa nay đã thành những cán bộ lãnh đạo, các nhà khoa học đầu ngành của đất nước.

Khi chuyển về Phổ Yên, Bắc Thái thầy và trò Nhà trường lại tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường xây dựng phòng học, phòng thí nghiệm, khu ký túc xá sinh viên và khu tập thể cán bộ công chức. Trong một thời gian ngắn, nhà trường đã xây dựng được gần 20.000 m2 nhà cấp 4, đủ bảo đảm cho các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, ăn nghỉ của cán bộ và sinh viên của trường. Để góp phần xây dựng các trường Đại học ở miền Nam, đã có nhiều cán bộ giảng dạy, các nhà khoa học và cán bộ quản lý lên đường vào miền Nam công tác.

Tháng 4/1977, Nhà trường thành lập khoa Dầu khí để đào tạo kỹ sư thăm dò khai thác Dầu khí, góp phần xây dựng ngành Dầu khí non trẻ ở Việt Nam.

Năm 1976, Trường được Chính phủ cho phép mở bậc đào tạo nghiên cứu sinh. Nhà trường đã tổ chức thành công lễ bảo vệ luận án PTS đầu tiên trong các trường Đại học kỹ thuật ở nước ta.

Sau 40 mươi năm trên chặng đường đi từ không đến có, chuyển qua các cơ sở Hà Bắc, Hưng Yên, Bắc Thái và Hà Nội, nhớ lại những tháng năm ở nơi sơ tán, nhiều cán bộ và sinh viên đã không khỏi bồi hồi xúc động bởi tình người, tình đất họ đã viết lên những vần thơ, nốt nhạc ca ngợi những miền quê tươi đẹp, dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đã để lại nhiều kỷ niệm không thể mờ phai. Đó là những đêm nghiên cứu, học tập trong ánh trăng giữa rừng, những bữa cơm độn hạt mỳ, củ sắn, ngắm dòng sông Công hiền hoà, đôi bờ nở rộ màu sim tím...

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã tạo cho thầy và trò Nhà trường những cơ hội mới và thách thức mới. Giai đoạn 1990 – 1996 là thời kỳ phát triển mới của nhà trường: tiếp tục xây dựng, mở rộng diện tích, sắm sửa trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, học tập, xây dựng trường ngày càng khang trang, to đẹp hơn.

Hiện nay Nhà trường đã xây dựng được khu ký túc xá sinh viên khang trang, sạch đẹp với hai nhà ở 5 tầng và nhà ăn 2 tầng, tổng diện tích 5.500m2. Năm 2000 đã hoàn thành 2 công trình: Nhà thí nghiệm, lớp học 5 tầng và giảng đường 300 chỗ. Năm 2005 đã hoàn thành nhà C - 12 tầng và đã đưa vào sử dụng, nhà ký túc xá sinh viên 5 tầng tại khu B và triển khai dự án mở rộng trường tại khu vực Đông Ngạc với diện tích khoảng 30ha, dự án quy hoạch tổng thể phát triển trường đến năm 2010 đang được khởi thảo. Các khu tập thể của cán bộ công chức từng bước quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng. Cán bộ công chức và sinh viên ngày càng yên tâm công tác, học tập.

Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước không thể thiếu sự đóng góp về khoa học của nhà trường. Các nhà khoa học của trường đã thực hiện thành công hàng trăm đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và hàng nghìn đề tài cấp cơ sở, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho trường, góp phần thiết thực vào sự phát triển các ngành kinh tế, các địa phương. Sáu nhà khoa học tiêu biểu đã vinh dự đứng trong hàng ngũ những nhà khoa học được nhận giải thưởng khoa học Hồ Chí Minh.

Thực hiện theo chủ trương cải cách giáo dục, Nhà trường đã tích cực đổi mới nội dung và chương trình, từng bước tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất. Các tổ chức đoàn thể luôn cố gắng, góp phần thiết thực thúc đẩy mọi người hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Nhà trường luôn coi trọng mở rộng quan hệ với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các nước Nga, Ba Lan, Trung Quốc và các nước và nhiều nước khác, mở ra khả năng tiếp cận với nền khoa học tiên tiến trên thế giới. Trong 40 năm qua với tinh thần trách nhiệm cao, tinh thần đoàn kết nhất trí, nhà trường đã đạt đựơc thành tích to lớn, đào tạo cho đất nước trên 30 ngìn kỹ sư, 424 thạc sỹ, 215 tiến sỹ thuộc 35 chuyên ngành Đại học, 27 ngành Tiến sỹ, 19 chuyên ngành Thạc sỹ, trong đó có hàng chục kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ cho nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Với thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển, Nhà trường đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng hàng chục Huân chương các loại. Bộ môn Khai thác Hầm lò khoa Mỏ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; nhiều tập thể và cá nhân được Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục Đào tạo khen thưởng. Năm nay, trong không khí thi đua sôi nổi hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Trường Đại học Mỏ - Địa chất lại vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu thi đua cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh.

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Ngày nay, trên bước đường phấn đấu để trở thành trường đại học tiên tiến, bắt nhịp với xu hướng phát triển của thế giới và thời đại, Trường Đại học Mỏ - Địa chất anh hùng tiếp tục phát huy thành quả của 40 năm qua, vững bước đi lên, cần mẫn chở những chuyến đò sáng tạo, đưa những thế hệ sinh viên mới đến với bến bờ tươi sáng của tri thức khoa học, góp phần làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam .