Chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 296/CT-TTg

11/05/2010

Ngày 28/4/2010 Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ-Địa chất ban hành Quyết định kèm theo Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 11/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỎ - ĐỊA CHẤT

________________

Số: 55 / QĐ-MĐC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

________________________

 

                                      Hà Nội, ngày  28  tháng 4 năm 2010

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 11/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012

 

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỎ - ĐỊA CHẤT

 

            - Căn cứ Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Điều lệ trường Đại học”;

- Căn cứ Thông tư số 18/2004/TT-BGD&ĐT ngày 21/6/2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg; 

- Căn cứ Nghị quyết số 05/NQ-BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 11/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.

- Theo công văn số 1242/BGDĐT-VP ngày 12/3/2010 của văn phòng Bộ giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thảo luận và xây dựng chương trình hành động thực hiện các chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định của cấp trên về việc đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.

- Xét đề nghị của ông Trưởng phòng Tổ chức cán bộ

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 14/01/2010 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà) Trưởng Phòng TCCB, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Thủ trưởng các đơn vị chức năng, cán bộ viên chức và sinh viên trong Trường Đại học Mỏ-Địa chất chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.           

 

Nơi nhận:                                                                           HIỆU TRƯỞNG

-  Như điều 3 (để thực hiện);

- Bộ GD-ĐT (để báo cáo)                                                       (Đã ký)

-  Lưu TCCB, HCTH.

 

                                                                                     PGS.TS Trần Đình Kiên

 

 

 

 

 

 

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỎ - ĐỊA CHẤT

 

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-BCSĐ ngày 06/01/2010

 của Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT và Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012

 

(Kèm theo Quyết định số 55 /QĐ-MĐC

ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ-Địa chất)

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 05- NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban Cán sự Đảng bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 11/01/2010 về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, Trường Đại học Mỏ-Địa chất triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, Quyết định với những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

I. Tổ chức nghiên cứu, thảo luận, tuyên truyền đến toàn thể CBVC và sinh viên Trường Đại học Mỏ-Địa chất “Làm gì  để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo”.

      1. Nhà trường đã gửi cuốn “Đổi mới quản lý hệ thống giáo dục đại học 2010-2012” do Bộ GD-ĐT phát hành đến lãnh đạo các đơn vị chức năng trong trường để đọc, quán triệt các nội dung chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 05 của Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT, Quyết định 179 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.

      2. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và Ban giám hiệu ngày 23/3/2010 Nhà trường ra văn bản số 23/MĐC-HCTH triển khai kế hoạch thảo luận quán triệt các chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định nói trên theo văn bản hướng dẫn số 1242/BGDĐT-VP ngày 12/3/2010 của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.

            Theo kế hoạch từ ngày 26/3/2010 đến 15/4/2010 các đơn vị hoàn thành thảo luận và xây dựng chương trình hành động tại cơ sở và gửi báo cáo lên trường trước ngày 17/4/2010.

      3. Nhà trường đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết nói trên theo Quyết định số 144/QĐ-MĐC ngày 30/3/2010 của Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ-Địa chất, phân công lãnh đạo phụ trách, tổ chức thảo luận rộng rãi trong CBVC và sinh viên theo chủ đề: “Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học”“làm gì đề nâng cao và đảm bảo chất lượng đào tạo”.

(Phân công chỉ đạo thảo luận ở cơ sở khối CBVC do công đoàn và lãnh đạo các đơn vị chủ trì, khối sinh viên do Đoàn thanh niên và Hội sinh viên chủ trì).

      4. Từ ngày 17 đến ngày 22/4/2010 Nhà trường tổng hợp ý kiến thảo luận của các đơn vị và xây dựng chương trình hành động của Trường. Từ ngày 22/4/2010 đến ngày 28/4/2010 thông qua chương trình hành động tại Hội nghị cán bộ chủ chốt của trường, hoàn chỉnh văn bản gửi báo cáo Bộ trước ngày 10/5/2010, đồng thời đưa lên trang thông tin điện tử của Trường Chương trình hành động nói trên. Hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn chủ trì. Hội nghị cán bộ chủ chốt vào 8h30 ngày 27/4/2010 với các nội dung sau:

II- Vì sao phải nâng cao và đảm bảo chất lượng đào tạo:

      - Trong Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2008 đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 ban hành tháng 6/2009 đã khẳng định sứ mạng của Trường Đại học Mỏ-Địa chất là: “Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực khoa học trái đất và Mỏ, đáp ứng nhu cầu xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước”.

      - Mục tiêu của Nhà trường là: tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của một trường đại học đặc thù trong nước và khu vực, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao về các lĩnh vực Mỏ, Địa chất, Dầu khí, Trắc địa Bản đồ, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

      - Chất lượng đào tạo là tiêu chuẩn, thước đo để khẳng định uy tín và thương hiệu của Nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Nguồn nhân lực do Nhà trường đào tạo ra phải đáp ứng được nhu cầu xã hội và được đông đảo các doanh nghiệp, cơ quan trong và ngoài nước chấp nhận sử dụng có hiệu quả.

      - Để hoàn thành sứ mạng và mục tiêu nói trên Nhà trường cần phải chú trọng nâng cao và đảm bảo chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học trong thời gian tới. Đây cũng là yếu tố cơ bản để cạnh tranh với các trường Đại học trong và ngoài nước trong cơ chế thị trường định hướng XHCN.

      - Hiện nay công tác quản lý giáo dục đào tạo của Nhà trường còn có những hạn chế, chưa theo kịp với quá trình đổi mới của đất nước. Sinh viên tốt nghiệp ra trường còn thiếu kiến thức thực tế, kỹ năng thực hành còn yếu, do điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và thực tập thí nghiệm còn thiếu và yếu, thời gian đi thực tập sản xuất và thực tập tốt nghiệp còn hạn chế, chưa tiếp cận được các trang thiết bị tiên tiến của cơ sở sản xuất kinh doanh. Công tác đánh giá kết quả học tập còn chưa khách quan, yếu tố tiêu cực của cơ chế thị trường đã có tác động đến quá trình đào tạo của Trường, một số bộ phận sinh viên còn chưa chăm học, thụ động trong tự học, còn có hiện tượng học hộ, thi hộ. Đội ngũ cán bộ giảng viên và cán bộ quản lý bổ sung chưa kịp thời và chưa chuẩn về trình độ. Trong khi đó quy mô đào tạo tăng lên không ngừng (5-10%/năm) đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo trong những năm gần đây. Vì vậy, Nhà trường cần phải duy trì nâng cao và đảm bảo chất lượng đào tạo trong thời gian tới.

III- Về thực trạng các yếu tố tạo nên chất lượng đào tạo:

3.1. Về chuẩn đầu ra:

      - Trong những năm qua việc đánh giá sinh viên và cho điểm luận văn tốt nghiệp của từng ngành đào tạo đều lấy điểm chuẩn tối thiểu là 5 điểm. Tuy vậy chuẩn đầu ra này còn mang tính hình thức, chưa phù hợp với mục tiêu đào tạo của Trường cũng như nhu cầu của xã hội (xã hội yêu cầu là khá). Trong chiến lược phát triển Trường có đưa ra chuẩn về ngoại ngữ của sinh viên Trường khi tốt nghiệp (tiếng anh) là TOEFL đạt 350 điểm vào năm 2015, còn các vấn đề khác như đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng thực hành,… đang tiếp tục xem xét.

      - Trong năm 2010 Nhà trường sẽ hoàn chỉnh chuẩn đầu ra của sinh viên từng ngành và công bố với toàn xã hội.

3.2. Về chương trình đào tạo:

      - Chương trình đào tạo các ngành trong Trường đều được hoàn thiện theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung các môn học được cập nhật và tiếp nhận ý kiến góp ý của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, song chưa được thường xuyên và liên tục (nhìn chung còn tụt hậu so với các nước phát triển. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo).

3.3. Về tổ chức quy trình đào tạo:

      - Hiện nay Nhà trường đang tiến hành triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ (bắt đầu từ K54), các khóa còn lại vẫn thực hiện đào tạo theo niên chế, do vậy còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức đào tạo. Các khoa, bộ môn đã bắt đầu triển khai biên soạn giáo trình, bài giảng theo yêu cầu các nội dung và thời lượng của hình thức đào tạo tín chỉ.

      - Nhà trường đã ban hành niên giám đào tạo tín chỉ, hiện tại đang phổ biến quy trình này đến CBVC và sinh viên, tuy nhiên hiệu quả chưa thể hiện rõ nét, chưa đánh giá hết được trách nhiệm của cá nhân và tổ chức tham gia vào quá trình đào tạo. Công tác quản lý đào tạo hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, do trình độ cán bộ và trang thiết bị phục vụ chưa đáp ứng được quá trình đổi mới đào tạo như xếp thời khóa biểu, trình tự môn học, thời gian thi kết thúc môn học, mặt khác do áp lực của quy mô đào tạo mà giảng viên còn đổi giờ, dồn giờ nhiều do vậy ít nhiều cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo

3.4. Về phát triển đội ngũ giảng viên

      - Trong những năm qua đội ngũ giảng viên có trình độ cao, đã được đào tạo cơ bản từ các nước XHCN đã lần lượt nghỉ chế độ. Nhà trường đã lập quy hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy trẻ giai đoạn (2001-2010), song trong quá trình thực hiện vẫn khó khăn, không theo kịp được yếu tố tăng quy mô đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và mặt khác gây áp lực giờ dạy lên cán bộ giảng viên, do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.

      - Năm 2009 Bộ giao chỉ tiêu biên chế cho trường là 960 CBVC nhưng đến nay  (tháng 4/2010) tổng số CBVC mới có 839 người trong đó có 577 cán bộ giảng viên (trong đó có 9 GS; 42 PGS; 114 Tiến sỹ; 263 thạc sỹ). Hiện tại có 53 người đi đào tạo Tiến sĩ và 24 Thạc sỹ ở nước ngoài và Đào tạo Tiến sỹ trong nước 32 người và 36 Thạc sỹ.

      - Số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ còn thiếu, trong những năm qua Nhà trường đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để cho cán bộ giáo viên trẻ đi đào tạo bồi dưỡng trong và ngoài nước với số lượng khá đông, song vẫn còn bị hẫng hụt. Trong những năm tới cần phải đẩy mạnh công tác này và có cơ chế, chế độ thích hợp đối với cán bộ giảng dạy trẻ (vừa qua đã hỗ trợ cho cán bộ tự bồi dưỡng đạt chứng chỉ tiếng anh  TOFLE = 500 điểm, hỗ trợ dự Hội thảo ngoài nước,….

      - Năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng dạy hiện nay là chưa đồng đều và còn hạn chế do ảnh hưởng nhiều yếu tố khách quan như tiêu chí đánh giá khi tuyển dụng và chế độ chính sách cho cán bộ trẻ chưa phù hợp. Tỷ lệ giữa giảng viên/sinh viên hiện nay là: 1/20 còn cao so với quy định; Số cán bộ giảng dạy đạt trình độ TS, GS, PGS hiện đang giảm dần, đó là nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

3.5. Về hệ thống giáo trình và sách tham khảo

      - Nhìn chung hệ thống sách giáo trình và sách tham khảo còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu người học. Kinh phí dành cho viết giáo trình còn hạn hẹp, chưa động viên được người viết, nếu có viết cũng còn hạn chế, chưa sâu và chưa được phản biện một cách khách quan.

      - Sách tham khảo, tài liệu nước ngoài còn quá ít, mặt khác người đọc còn chưa đủ trình độ ngoại ngữ để hiểu biết và cập nhật trong quá trình giảng dạy.

      - Số giáo trình cấp trường đã cung cấp đủ cho người học, song chất lượng giáo trình chưa cao, vì lẽ chưa được phản biện đầy đủ, chưa được cập nhật bổ sung kịp thời những kiến thức mới, tiên tiến.

3.6. Về tình hình phòng thí nghiệm và bãi thực tập

      - Trong những năm gần đây một số phòng thí nghiệm đã được bổ sung, đổi mới trang thiết bị hiện đại, đa số còn lại là những thiết bị cũ, lạc hậu chưa tương xứng với quy mô và chương trình đào tạo của trường. Diện tích phòng thí nghiệm chật hẹp. Bãi thực tập Địa chất, Trắc địa ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình đã đáp ứng được phần nhỏ cho sinh viên thực tập.

      - Công tác quản lý và sử dụng các phòng thí nghiệm chưa thật sự tốt, trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý và hướng dẫn thực hành chưa cao, mặt khác việc bổ sung đầu tư hàng năm còn dàn trải, không đồng bộ, manh mún, do vậy mà không phát huy được hết công năng của thiết bị, lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp.

      - Phòng học ngoại ngữ chưa được đầu tư thích đáng để tạo điều kiện dạy và học môn học quan trọng này.

      - Các điều kiện nói trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.

3.7. Về hệ thống thư viện và mạng thông tin

      - Thư viện hiện tại còn quá nhiều tồn tại, hạ tầng thư viện còn nhiều yếu kém.

      - Mạng thông tin của trường chưa được hiện đại hóa nên còn hạn chế cho quá trình tra cứu và tiếp cận với bên ngoài của CBVC và sinh viên.

      - Ứng dụng CNTT vào quá trình đào tạo và NCKH còn rất nhiều hạn chế.

      - Phòng dạy và học CNTT chưa đạt yêu cầu (vì máy vi tính cũ kỹ, lỗi thời không sử dụng được và tỷ lệ 30 sinh viên /máy tính).

3.8. Về đánh giá chất lượng đào tạo và công tác thanh tra

      - Nhà trường đã thành lập bộ phận tự đánh giá chất lượng Trường và Hội đồng tự đánh giá chất lượng Trường, tổ chức đánh giá trong và đánh giá ngoài từ năm 2008. Bộ phận lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên đã thực hiện nhiều đợt lấy ý kiến từ các lớp sinh viên trong các học kỳ (đã lấy 12.000 phiếu thăm dò), mặt khác Ban thanh tra giáo dục thường xuyên kiểm tra tình hình giảng dạy và học tập, thi học kỳ tại các lớp sinh viên, kiểm tra tình hình hoạt động của các phòng thí nghiệm, song chưa có biện pháp xử lý những tồn tại trong quá trình thanh tra, kiểm tra để khắc phục yếu kém trong quá trình đào tạo.

      - Nhà trường đã tham gia đánh giá ngoài vào tháng 5/2009 với 53 tiêu chí theo quy định (trong đó có 14 chỉ tiêu đạt mức 1 và 39 chỉ tiêu đạt mức 2; đánh giá chung của cơ quan đánh giá ngoài là đạt cấp độ 2), đảm bảo chất lượng đào tạo.

      - Công tác kiểm tra, đánh giá này đã có tác dụng tích cực và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường hiện nay.

      3.9. Về vai trò nghiên cứu khoa học với chất lượng đào tạo thực tế của trường hiện nay:

      - Phong trào nghiên cứu khoa học trong những năm gần đây đã phát triển mạnh trong đội ngũ giảng viên và sinh viên, điều này đã có tác động tích cực đến chất lượng đào tạo và cải thiện đời sống cho CBVC và sinh viên.

      - Tuy vậy, công tác hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học còn nặng về hình thức, tính thực tiễn còn thấp, đa phần các đề tài nghiên cứu chủ yếu là giúp sinh viên làm quen với công tác nghiên cứu khoa học, hiệu quả chưa cao.

      - Đối với khối cán bộ giảng dạy việc nghiên cứu khoa học và thực hiện các dự án đề tài lao động sản xuất là mối quan tâm lớn, giúp cho cán bộ giảng viên có thêm nguồn tư liệu quý bổ sung cho bài giảng của mình, nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện đời sống. Doanh thu từ NCKH-LĐSX hàng năm đều tăng lên đáng kể và có hiệu quả rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống của CBVC và sinh viên.

3.10. Về việc thực hiện 3 công khai:

      - Nhà trường đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ 3 công khai, cam kết công khai về chất lượng đào tạo, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng và công khai tài chính trên Website của Trường theo quy định của Bộ GD-ĐT.

      - Các kế hoạch, công tác tháng, công tác quý đều được đưa lên trang thông tin điện tử của Trường. Hàng năm Nhà trường đều tổ chức tổng kết đánh giá từng mảng công tác lớn của Trường và sau đó là Hội nghị cán bộ viên chức, tổng kết đánh giá toàn diện các hoạt động của Nhà trường (trong tháng 10 hàng năm). Báo cáo tổng kết năm học của Trường được gửi đến các đơn vị để thảo luận, góp ý kiến của toàn thể CBVC tạo sự đồng thuận trong CBVC và sinh viên nhằm giữ vững sự ổn định và phát triển của Nhà trường.

3.11. Về quản lý tài chính:

      - Nhà trường đã đảm bảo được cơ cấu thu, chi theo đúng các quy dịnh của pháp luật, được các cơ quan thanh tra và kiểm toán nhà nước đánh giá tốt, thường xuyên rà soát và thay đổi các quy định nội bộ nhằm từng bước cải thiện đời sống cho CBVC và sinh viên. Tuy vậy nguồn thu của Nhà trường hàng năm còn hạn hẹp, trong khi đó nhu cầu chi tiêu cho các hoạt động của Trường  ngày càng tăng kể cả việc điều chỉnh lương, điều chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập, nhưng chưa thể đáp ứng hết các yêu cầu thực tiễn đời sống của CBVC và sinh viên trong trường.

      - Kế hoạch tài chính hàng năm đều được bàn bạc cụ thể ở hội nghị cán bộ chủ chốt. Tổng kết công tác tài chính được trình bày trước Hội nghị CBVC, công khai trên Website của Trường, kể cả thu nhập của từng cá nhân.

3.12. Về tình hình thực hiện chiến lược phát triển Trường:

      - Nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2001-2010 và tổ chức thực hiện trong những năm qua có hiệu quả.

       - Năm 2008 Nhà trường đã tổng kết, đánh giá thực trạng của chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2001-2010 và xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2008-2020 và tầm nhìn 2030, một số nội dung quan trọng trong chiến lược đã được triển khai như: Lộ trình đào tạo tín chỉ, xây dựng chương trình đào tạo theo chương trình khung, ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, đào tạo; thành lập hai khoa mới và mở thêm các chuyên ngành đào tạo, tổ chức đào tạo theo tín chỉ; liên kết đào tạo với Đại học Hồng Đức Thanh Hóa, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp (Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) và bắt đầu triển khai đào tạo chương trình tiên tiến ngành Lọc hóa dầu; xây dựng niên giám đào tạo tín chỉ, ra các văn bản quy định, quy chế về đào tạo tín chỉ, đào tạo tiến sỹ; triển khai các dự án xây dựng cơ bản (giảng đường, phòng thí nghiệm, KTX ở khu B, KTX sinh viên Lào và dự án khu đô thị Đại học); xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường năng lực các phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, xây dựng các chương trình NCKH-PVSX, các dự án trọng điểm… song việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển Trường thì chưa được ban hành kịp thời.

      - Nhìn chung Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2008-2010 và tầm nhìn đến 2030 của Trường phù hợp với định hướng phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn tới, hiện nay Nhà trường từng bước triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược.

3.13. Về chế độ trách nhiệm và chính sách đối với giảng viên:

      - Trong thời gian qua Nhà trường đã từng bước áp dụng quy định về chế độ làm việc của giảng viên. Hầu hết cán bộ giảng viên đều có tâm với nghề nghiệp luôn quan tâm đến chất lượng đào tạo của Trường song thu nhập của cán bộ còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội nên không khuyến khích, động viên được cán bộ, giảng viên trong quá trình thực thi công vụ.

      - Công tác quản lý sinh viên còn bất cập, cán bộ quản sinh, Bộ môn chủ quản, Phòng CTCT-SV chưa phối hợp chặt chẽ để quản lý sinh viên trong quá trình đào tạo.

      - Công tác cải cách hành chính và đổi mới quản lý giáo dục chưa được cải tiến, còn nhiều cán bộ gây phiền hà cho sinh viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

IV. Chương trình cụ thể trong 3 năm tới (2010-2012).

      - Để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học theo chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị Quyết 05 của Ban cán sự Đảng Bộ GD – ĐT, Quyết định 179 của Bộ trưởng Bộ GD – ĐT; Trường Đại học Mỏ - Địa chất trong 3 năm tới (2010-2012) cần giải quyết dứt điểm các việc sau đây:

4.1. Về chuẩn đầu ra:

      - Từ nay cho đến tháng 9/2010 Nhà trường cùng với các khoa, phòng, ban chức  năng và Bộ môn chủ quản hoàn thành chuẩn đầu ra cho sinh viên từng ngành học, theo đó đưa ra các quy định cụ thể cho từng sinh viên khi tốt nghiệp ra trường phải đạt chuẩn:

      + Đạt chuẩn về kiến thức (kiến thức các môn học chuyên ngành, kiến thức các môn học cơ bản và kiến thức về chính trị).

      + Đạt chuẩn về ngoại ngữ ( chủ yếu là Tiếng Anh) và tin học chuyên ngành (Theo chiến lược phát triển Trường Tiếng Anh đạt 350 điểm TOFLE, tin học chứng chỉ B).

      + Đạt chuẩn về kết quả học tập và làm luận văn tốt nghiệp (hiện tại mức đạt mốc trung bình là 5 điểm là chưa đáp ứng với yêu cầu xã hội).

        + Các chuẩn mực khác về đạo đức, sức khỏe, kiến thức xã hội, kỹ năng thực hành,…

(Chương trình này Phó Hiệu trưởng Nguyễn Phụ Vụ phụ trách, phòng ĐH&SĐH tổ chức thực hiện và bắt đầu áp dụng từ K54).

4.2. Về đổi mới chương trình đào tạo và giáo trình:

      - Để đảm bảo chất lượng trong 3 năm tới Nhà trường chủ trương không tăng quy mô đào tạo; song điều chỉnh chỉ tiêu giữa hệ không chính quy, hệ Sau đại học, hệ cao đẳng và liên thông CĐ – ĐH để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.

      - Cải tiến phương pháp dạy và học theo chương trình đào tạo tín chỉ.

      - Hoàn thiện chương trình đào tạo tín chỉ theo chương trình khung của Bộ, đồng thời rà soát và biên soạn lại giáo trình đào tạo các môn học đủ số lượng và chất lượng phục vụ cho đào tạo (hoàn thành vào năm 2012). Tổ chức đào tạo tín chỉ học kỳ 3 cho sinh viên K54. Tổ chức liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên tiếp cận với cơ sở sản xuất

      - Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học (đề án 322, du học tự túc và đề tài theo Nghị định thư, chương trình ODA).

(Chương trình này Phó Hiệu trưởng Nguyễn Phụ Vụ phụ trách, phòng ĐH&SĐH tổ chức thực hiện).

4.3. Về đổi mới quản lý và triển khai nghiên cứu khoa học:

       - Trong năm 2010 phải xây dựng xong chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 2011-2015, xây dựng quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học, chương trình nâng cao năng lực các phòng thí ngiệm trọng điểm phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, Tổ chức các hội thảo quốc gia và quốc tế về chương trình biển và biến đổi khí hậu, chương trình về khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

      - Đổi mới quy trình xét duyệt và đánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài các cấp.

        - Chuẩn bị các điều kiện để thành lập một số viện nghiên cứu trực thuộc Trường.

 (Chương trình này do Phó Hiệu trưởng Nguyễn Trường Xuân phụ trách, phòng KHCN tổ chức thực hiện).

4.4.Về đổi mới quản lý phòng thí nghiệm và bãi thực tập

      - Trong năm 2010 phải quy hoạch lại các phòng thí nghiệm, tổ chức quản lý hoạt động cho hiệu quả  và xây dựng kế hoạch đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm, đủ năng lực phục vụ đào tạo tín chỉ và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

      - Có kế hoạch tu sửa lại các bãi thực tập cho sinh viên và liên kết với các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo cho sinh viên thực tập và rèn luyện kỹ năng thực hành.

(Chương trình này do Hiệu trưởng phụ trách, Phòng QTTB tổ chức thực hiện)

4.5. Về đổi mới công tác tổ chức cán bộ:

      - Xây dựng quy hoạch đội ngũ CBVC giai đoạn 2011-2015 ( xong trước quý I/2011) và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng viên đủ về số lượng và chất lượng, đảm bảo cho các hoạt động đào tạo và NCKH của Trường.

      - Bắt đầu từ 2010 đến 2012 chúng ta tuyển thêm mỗi năm là 70 giảng viên, nâng tổng số giảng viên của Trường lên 787 giảng viên, nhằm giảm dần tỷ lệ GV/SV theo quy định của Bộ GD-ĐT. Phấn đấu đến năm 2012 có 65 GS, PGS, 160 Tiến sỹ và 350 Thạc sỹ.

      - Phấn đấu đến 2012 có 85% giảng viên được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và có 70% số giảng viên đạt trình độ Ngoại ngữ (Tiếng Anh) TOFEL 450 điểm.

      - Tháng 1/2010 chúng ta đã hoàn thành công tác quy hoạch đội ngũ CB quản lý giai đoạn 2010-2015 và đang triển khai quy hoạch đội ngũ CBVC giai đoạn 2010-2015 tại các đơn vị và Nhà trường sẽ hoàn thành quy hoạch đội ngũ CBVC vào năm 2011, đặc biệt quan tâm đến bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý đủ năng lực và trình độ để điều hành các hoạt động của Nhà trường.

      - Căn cứ vào Điều lệ trường Đại học Nhà trường tiến hành lộ trình thành lập Hội đồng Trường vào đầu  năm 2012, và xây dựng tiêu chí chức vụ Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và lãnh đạo các phòng, khoa, ban chức năng trong trường.

(Chương trình này do Hiệu trưởng phụ trách, phòng TCCB triển khai thực hiện)

4.6. Về đổi mới cơ chế tài chính:

      - Đảm bảo cơ cấu thu, chi các nguồn tài chính theo đúng các quy định của Nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ của Trường, công khai trên Website của Trường.     

      - Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung sửa đổi quy chế chi tiêu nội bộ cho phù hợp với tình hình phát triển của Nhà  trường , có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp đối với cán bộ giảng dạy trẻ. Nghiên cứu cơ cấu thu, chi tài chính hợp lý và hiệu quả các nguồn kinh phí, tiết kiệm chống lãng phí, từng bước nâng cao đời sống cán bộ viên chức và sinh viên.

      - Tìm kiếm các nguồn lực tài chính từ liên kết đào tạo, NCKH phục vụ sản xuất, các dự án với nước ngoài và các dịch vụ khác để tăng thêm nguồn kinh phí cho hoạt động đào tạo.

       (Chương trình này do Phó Hiệu trưởng Nguyễn Trường Xuân phụ trách, phòng tài vụ tổ chức thực hiện).

4.7. Về xây dựng cơ sở vật chất:

      - Hoàn thành dự án xây dựng giảng đường, phòng thí nghiệm, KTX tại khu B và dự án KTX sinh viên Lào vào năm 2012 với  3 nhà 10 tầng có diện tích 15.000m2 sàn giải quyết được một số chỗ ở cho sinh viên và phòng học phục vụ đào tạo tín chỉ.

      - Triển khai dự án xây dựng thư viện điện tử (2012). Hoàn chỉnh mạng lưới thông tin nội bộ (2011). Cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khu đô thị Đại học vào năm 2012. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, tăng cường năng lực các phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và NCKH.

(Chương trình này Hiệu trưởng phụ trách, Phòng QTTB và QLDA tổ chức thực hiện).

4.8. Về công tác đánh giá, kiểm định chất lượng và thanh tra:

      - Kiện toàn Ban thanh tra giáo dục, thường xuyên tổ chức kiểm tra giảng dạy, thi cử tại các lớp. Tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên và ý kiến góp ý của giảng viên đối với cán bộ quản lý, xin ý kiến góp ý của cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp về chất lượng đào tạo của Nhà trường (trong dịp hội chợ việc làm cho sinh viên hàng  năm). Kiện toàn Hội đồng tự đánh giá chất lượng Trường và tổ chức tự đánh giá các tiêu chí hàng năm nhằm đảm bảo chất lượng theo quy định.

      - Tăng cường kiểm tra chế độ làm việc của giảng viên và cán bộ viên chức.

      - Tăng cường công tác quản lý và đánh giá chất lượng cán bộ, đặc biệt là cán bộ giảng dạy.

(Chương trình này do Phó Hiệu trưởng Nguyễn Trường Xuân phụ trách, Phòng CT-CTSV phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức thực hiện).

4.9. Đối với sinh viên

      - Tăng cường công tác giáo dục toàn diện cho sinh viên nhằm nâng cao ý thức học tập và rèn luyện.

      - Tuyên truyền sâu rộng trong sinh viên về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Hướng dẫn sinh viên quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết, các quy chế, quy định của Bộ và Nhà trường vào đầu năm học (tuần công dân sinh viên).

      - Tổ chức hướng nghiệp và Hội chợ việc làm cho sinh viên hàng năm vào tháng 5, tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội việc làm.

      - Thực hiện đầy đủ các chính sách miễn giảm học phí và vay vốn ngân hàng để hỗ trợ cho sinh viên học tập.

      - Tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, rèn luyện kỹ năng thực hành và hướng nghiệp.

        - Tổ chức chỉ đạo đánh giá khách quan về kiến thức và kỹ năng của người học

(Chương trình do Phó Hiệu trưởng Nguyễn Trường Xuân phụ trách, Phòng CTCT-SV tổ chức thực hiện).

4.10. Về thực hiện chế độ báo cáo và thi đua khen thưởng:

      - Thực hiện báo cáo đầy đủ 3 công khai với Bộ GD – ĐT và đưa lên trang thông tin của Trường để CBVC, SV và xã hội biết khi kết thúc năm học.

      - Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ chế độ báo cáo theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

      -Công đoàn Trường phối hợp với Đoàn thanh niên và các đơn vị chức năng Hoàn chỉnh các quy định về công tác thi đua khen thưởng, tiếp tục cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn kết với cuộc vận động “Hai không” về 4 nội dung đã được Bộ GD – ĐT phát động nhằm động viên CBVC và sinh viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học.

      - Phòng Hành chính Tổng hợp là cầu nối giữa các phòng, khoa, ban chức năng với Ban giám hiệu Nhà trường tổng hợp tài liệu, xây dựng các báo cáo, kế hoạch và chương trình công tác, tham mưu cho Ban giám hiệu chỉ đạo các chương trình công tác đề ra trong những năm tới đạt kết quả.

 (Chương trình này Hiệu trưởng phụ trách, phòng HCTH tổ chức thực hiện).

V. Kiến nghị:

      - Nhà nước cần có các chính sách vĩ mô và đồng bộ về các hoạt động giáo dục đào tạo (đặc biệt là tăng cường đầu tư cho giáo dục đào tạo) để đảm bảo công tác nâng cao chất lượng đào tạo, khả thi và bền vững.

      - Nhà nước cần có cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị thuộc chương trình mục tiêu quốc gia cho các Trường, tương xứng với yêu cầu và các tiêu chí của một trường Đại học tiên tiến trong khu vực.

      - Nhà nước sớm có cơ chế , chính sách để các doanh nghiệp có điều kiện phối hợp, liên kết với trường Đại học trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và liên kết đào tạo đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu xã hội.

      - Nhà nước cần hoàn chỉnh về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường (vì hiện nay cơ chế tự chủ còn nửa vời, chưa triệt để).

VI. Tổ chức thực hiện:

      - Căn cứ vào sự phân công trách nhiệm nêu trên của Hiệu trưởng, các đơn vị chức năng cần triển khai thực hiện nghiêm túc và báo cáo kết quả trước Hội nghị giao ban kế hoạch công tác tháng (tổ chức vào đầu tháng).

      - Hàng năm tổng kết, đánh giá nhiệm vụ năm học và bình xét thi đua được thực hiện vào cuối tháng 6 tại các đơn vị, Nhà trường tổng hợp báo cáo Bộ vào đầu tháng 8 và tổ chức Hội nghị CBVC vào cuối tháng 10, đồng thời đưa các thông tin 3 công khai lên Website của Trường.

      - Ban giám hiệu chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện chương trình hành động này.

                                                                                                                                             Hiệu trưởng

                                                                                                                              Trường Đại học Mỏ-Địa chất