Hội thảo chuyên đề về giải pháp cơ sở hạ tầng dân dụng thông minh và xây dựng công trình ngầm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Contech Vietnam 2024

18/04/2024

Contech Vietnam 2024 là Triển lãm Quốc tế chuyên ngành về máy móc, thiết bị xây dựng, công nghệ khai thác mỏ, phương tiện vận tải, vật liệu xây dựng. Các chủ đề của triển lãm đều liên quan mật thiết đến các lĩnh vực nghiên cứu và ngành nghề đào tạo là thế mạnh của Trường, tập trung nhiều nhà khoa học có chuyên môn cao và được đào tạo bài bản từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới, có hợp tác chặt chẽ với các trường đại học và với các công ty, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Vì vậy, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã được Ban Tổ chức Triển lãm Contech Vietnam 2024 mời chủ trì hai hội thảo khoa học với các chủ đề “Các khía cạnh địa kỹ thuật và địa chất trong giải pháp cơ sở hạ tầng dân dụng thông minh” và “Phát triển không gian ngầm trong các thành phố lớn ở Việt Nam” vào ngày 18/4/2024 tại Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia (NECC), Nam Từ Liêm, Hà Nội.

PGS. TS Triệu Hùng Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất và ông Lê Ngọc Đức – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Quốc tế Hà Nội (HADIFA) đại diện các đơn vị tổ chức tham dự và phát biểu Khai mạc hai hội thảo. Ngoài ra, Khoa Xây dựng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất là đơn vị góp phần không nhỏ về mặt chuyên môn của hội thảo.

Hai hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các trường đại học kỹ thuật, các viện nghiên cứu, các công ty, tập đoàn xây dựng, địa chất và môi trường. Các báo cáo của hội thảo được trình bày bởi các nhà khoa học của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, đến từ các Khoa: Xây dựng, Mỏ, Khoa học và Kỹ thuật Địa chất; và đặc biệt có sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia đến từ các trường đại học và các doanh nghiệp là đối tác của Trường.

Hội thảo “Các khía cạnh địa kỹ thuật và địa chất trong giải pháp cơ sở hạ tầng dân dụng thông minh” gồm 5 báo cáo tập trung vào các giải pháp về vật liệu, địa chất và môi trường cho xây dựng hạ tầng dân dụng: Nghiên cứu chế tạo bê tông thông minh tích hợp khả năng kiểm soát mất mát ứng suất: ứng dụng trong kết cấu bê tông cốt thép ứng suất trước; Nghiên cứu khả năng chế tạo bê tông “xanh” sử dụng chất kết dính không xi măng từ hỗn hợp tro bay nhiệt điện, xỉ lò cao và phế thải gốm sứ tại Việt Nam; Nghiên cứu tiềm năng sử dụng tro trấu và tro rơm rạ cải tạo nền đất yếu phục vụ xây dựng công trình tại Việt Nam; Nghiên cứu khả năng sử dụng cọc làm từ vật liệu đá dăm thải loại trong gia cố nền đất yếu công trình đường giao thông; Thách thức và giải pháp phục hồi, hoàn nguyên môi trường cho các bờ mỏ, mái dốc tại các dự án khai thác vật liệu phục vụ xây dựng hạ tầng cơ sở tại Việt Nam.

Các báo cáo của hội thảo “Phát triển không gian ngầm trong các thành phố lớn ở Việt Nam” đưa ra thảo luận các vấn đề liên quan đến thực trạng, kỹ thuật và công nghệ mới nhằm phát triển không gian ngầm đô thị trong điều kiện Việt Nam: Nghiên cứu ứng xử của hình dạng kết cấu công trình ngầm khi chịu tải trọng động đất; Nghiên cứu ứng xử của kết cấu chống đường hầm có hình dạng đặc biệt; Phương pháp mô hình 3D tính toán tự động hầm NATM và khả năng ứng dụng trong xây dựng công trình ngầm đô thị; Thực trạng và đề xuất phát triển đường hầm, không gian ngầm thành phố tại Việt Nam; Hiện tượng tải trọng động trong khai thác than hầm lò Việt Nam.

Tại hai hội thảo, các nhà khoa học và các chuyên gia đã chia sẻ và thảo luận sôi nổi các kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu và các công nghệ mới; qua đó kết nối hợp tác giữa các chuyên gia, giữa trường đại học và doanh nghiệp, giữa trường đại học và cộng đồng hướng tới phát triển bền vững, là tiền đề cho các hợp tác nghiên cứu trong tương lai.

Dưới đây là chùm ảnh sự kiện được phóng viên ghi lại:

PGS.TS Triệu Hùng Trường - Phó Hiệu trưởng HUMG phát biểu tại sự kiện

 

Phòng HTQT

Các bài viết khác