Các trường tham gia Lễ ký kết gồm: Trường Đại học Bách khoa – thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Mục tiêu hợp tác là phát huy thế mạnh của từng trường, tiến tới hình thành một nhóm các trường kỹ thuật tiên phong trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhóm 7 trường sẽ cùng nhau đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, kiểm định chất lượng giáo dục, truyền thông, chuyển đổi số và hợp tác đối ngoại.
Hoạt động hợp tác xoay quanh 6 nội dung chính:
1. Chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ cao như CNTT, Điện tử viễn thông, Điều khiển tự động hóa, Công nghệ chế tạo, Xây dựng, Giao thông, Năng lượng tái tạo, và Vật liệu tiên tiến.
2. Tổ chức trao đổi, xây dựng cơ chế phối hợp đào tạo về vật liệu mới, vi điện tử, thiết kế vi mạch và các ngành phục vụ tăng trưởng xanh.
3. Xây dựng mạng lưới hạ tầng chuyển đổi số cho phép trao đổi tài nguyên số giữa các trường như thông tin, học liệu số… liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao.
4. Chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học, hướng tới tự chủ đại học và phát triển mô hình đại học số.
5. Nghiên cứu và áp dụng mô hình quản trị đại học phù hợp với điều kiện phát triển công nghệ cao tại Việt Nam.
6. Tăng cường phối hợp trong việc xây dựng chương trình nghiên cứu và thực hiện các đề tài khoa học có tính chiến lược phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tham dự Hội nghị, đoàn công tác của Trương Đại học Mỏ - Địa chất có GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng, Trưởng đoàn; PGS.TS Triệu Hùng Trường, Phó HIệu trưởng, cùng đại diện lãnh đạo một số phòng ban của Trường.
Tại buổi lễ, GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất, đã phát biểu và bày tỏ sự nhất trí cao với các lĩnh vực hợp tác được ký kết giữa 7 trường.
Giáo sư cho rằng: "Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao là một hướng đi cấp thiết, phù hợp với định hướng phát triển của chính phủ và là cách tiếp cận hiệu quả nhất của nhóm 7 trường khi đất nước đang tập trung phát triển công nghệ hiện đại và chuyển đổi số. Mặc dù các trường trong nhóm đều là những đơn vị tiên phong, dẫn dắt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhưng đây vẫn là một lĩnh vực đầy thách thức. Để thành công, chúng ta cần có sự hợp tác chặt chẽ nhằm mở rộng mạng lưới phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu và chia sẻ cơ sở vật chất để đạt được những bước tiến lớn."
Bên cạnh đó, Giáo sư nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc nghiên cứu và phát triển các vật liệu mới, cũng như khai thác và tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có. Trường Đại học Mỏ - Địa chất có thế mạnh đặc biệt trong việc khảo sát, tìm kiếm và tuyển luyện nguyên liệu. Tuy nhiên, để tạo ra và phát triển một vật liệu mới có tính ứng dụng cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường và các chuyên ngành khác nhau, từ khâu nghiên cứu cơ bản đến giai đoạn triển khai và chuyển giao công nghệ. Đây là một hành trình dài và đòi hỏi sự đầu tư công sức, nguồn lực từ nhiều đơn vị để đạt được thành công.
Với sự hợp tác này, các trường đại học không chỉ thúc đẩy các nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao mà còn xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai. Việc chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực sẽ giúp các trường tận dụng tối đa tiềm năng, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phát triển các mô hình đại học hiện đại tại Việt Nam.
Dưới đây là hình ảnh sự kiện:
Ảnh toàn cảnh Lễ ký kết
GS. TS Trần Thanh Hải, phát biểu tại buổi Lễ
Đại diện 07 trường cùng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trước sự chứng kiến của Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đại biểu tham dự
Các đại biểu tham dự Lễ ký kết chụp ảnh lưu niệm
Đoàn công tác của Trường Đại học Mỏ - Địa chất tham dự Lễ ký kết