Ngày 20/10/2006, Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức Hội nghị khoa học lần thứ 17. Tham gia Hội nghị có trên 300 nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các trường Đại học, Cao đẳng, cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp trong cả nước. PGS. TS Trần Đình Kiên - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội nghị.
PGS. TS Tạ Đức Thịnh - Phó Hiệu trưởng đã đọc báo cáo đề dẫn. Báo cáo đã nêu bật thành tựu hoạt động khoa học công nghệ của trường trong hai năm 2005 – 2006 và những định hướng hoạt động trong thời gian tới.
Về công tác NCKH của cán bộ: Trong hai năm qua, các nhà khoa học của trường đã triển khai thực hiện 7 đề tài cấp Nhà nước; 44 đề tài nghiên cứu cơ bản; 01 dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước; 69 đề tài, dự án cấp Bộ và 75 đề tài nghiên cứu cấp trường. Trong số đề tài cấp Nhà nước có 02 đề tài thuộc các chương trình trọng điểm, 01 đề tài độc lập và 04 đề tài hợp tác nghiên cứu theo hình thức Nghị định thư với Ba Lan và Trung Quốc. Hầu hết các đề tài đã hoàn thành đúng tiến độ, nghiệm thu đạt chất lượng cao. Nhà trường và các đơn vị trực thuộc trường đã ký kết 1.297 hợp đồng triển khai công nghệ với tổng kinh phí là 1.405.015.000đ và 17.400 USD.
Về thi Olimpic và NCKH của sinh viên: Trong hai năm qua đã có 705 sinh viên dự thi Olimpic cấp trường, có 213 em đạt giải với 20 giải nhất, 44 giải nhì, 56 giải ba và 93 giải khuyến khích. Tham gia thi Olimpic cấp quốc gia có 3 giải nhì, 11 giải ba, 33 giải khuyến khích. Trong hai năm đã có 333 báo cáo khoa học sinh viên với 78 giải thưởng, trong đó có 42 giải nhất, 28 giải nhì, 8 giải ba. Dự thi NCKH cấp Bộ và giải VIFOTEC năm 2005 đã có 1 báo cáo đạt giải nhất và 3 báo cáo đạt khuyến khích.
Tạp chí Khoa học kỹ thuật Mỏ - Địa chất đã xuất bản 07 số với tổng số 199 bài báo, 5000 bản. Trong hai năm 2005 – 2006, đã phát hành 600 ấn phẩm gồm các báo cáo khoa học của sinh viên đạt chất lượng cao.
Về định hướng nghiên cứu trong những năm tới: Nhà trường tập trung vào những hướng nghiên cứu chính sau đây:
1. Nghiên cứu đặc điểm địa động và các tai biến địa chất vùng biển, nghiên cứu cấu trúc sâu và môi trường đáy biển phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trương biển.
2. Điều tra, nghiên cứu tổng hợp, phân tích đánh giá tai biến địa chất, đề xuất các giải pháp phòng chống nhằm giảm thiểu thiên tai và bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.
3. Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước ngầm và khoáng sản rắn, đánh giá thực trạng môi trường khai thác tài nguyên khoáng sản, đề xuất các kiến nghị nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên và các giải pháp gắn khai thác với bảo vệ và cải tạo môi trường sống.
4. Nghiên cứu tìm kiếm, thăm dò phát hiện mỏ khoáng sản mới với quy mô khác nhau, sử dụng công nghệ cao của tin học trong việc xây dựng các loại bản đồ địa chất, địa chất thuỷ văn, địa chính và địa hình, làm cơ sở hoạch định các chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
5. Nghiên cứu áp dụng công nghệ tiến tiến trong xây dựng công trình ngầm ở Việt Nam nhằm tận thu khoáng sản và phục vụ xây dựng giao thông đô thị.
6. Nghiên cứu tổng hợp về địa chất, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, tư vấn cho việc lập quy hoạch tổng thể, xây dựng các loại công trình khác nhau.
7. Nghiên cứu công nghệ khai thác than theo hướng mới, sạch hơn và tiết kiệm tài nguyên hơn cho đất nước, đáp ứng với yêu cầu bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên của đất nước.
8. Ứng dụng các tiến bộ khoa học thuộc lĩnh vực Điện tử – Tin học – Tự động hoá vào công nghệ khai thác Mỏ – Dầu khí nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, có thể tham gia cạnh tranh vào thị trường quốc tế.
9. Phát huy tiềm năng hợp tác quốc tế giữa Trường Đại học Mỏ - Địa chất với trên 30 trường của nước ngoài, Nhà trường tăng cường ký kết các hiệp định hợp tác nhằm mở ra một số ngành đào tạo mới, gửi sinh viên và cán bộ đi đào tạo ở nước bạn, tăng cường máy móc thiết bị khoa học và năng lực các phòng thí nghiệm, phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường.
Sau phiên khai mạc, Hội nghị khoa học Trường Đại học Mỏ - Địa chất lần thứ 17 được tổ chức tại 26 tiểu ban chuyên môn, thu hút sự tham gia nhiệt tình của 426 báo cáo viên, các nhà khoa học trong và ngoài trường. Những kết quả nghiên cứu trình bầy tại Hội nghị đã hoặc sẽ được áp dụng trong các lĩnh vực khoa học Mỏ, Địa chất – khoáng sản, Địa chất công trình - Địa kỹ thuật, công nghệ Khoan – Khai thác, Trắc địa - Địa chính – Bản đồ, Kinh tế – Quản trị kinh doanh, Tin học ứng dụng, các khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn. Đây là một trong những Hội nghị khoa học có quy mô lớn nhất, được tổ chức tốt nhất từ trước đến nay.