Cuối năm không nói ra, "tức mà chết"!
Kính gửi thầy Nguyễn Thiện Nhân!
Đáng lý ra, con phải gọi thầy là "Ngài Bộ trưởng", nhưng con nghĩ, là người dẫn đầu, chỉ đạo của ngành giáo dục - ngài cũng đã là thầy! Con biết, thầy bận trăm công nghìn việc, có lẽ sẽ không đọc được thư con. Nhưng ông bà mình thường nói, chuyện năm cũ không được để sang năm mới.
Do vậy, con mới viết những dòng này để trút bới đi những "khúc mắc", "uất ức" của con - cũng như của bao giáo viên khác! Không nói ra, sang năm mới thế nào con cũng "tức mà chết"!
Trước hết, con rất hoan nghênh và cám ơn thầy vì việc thực hiện "Ba không" trong ngành giáo dục. Năng lực của học trò được phơi bày rõ ràng, chính xác. Cả xã hội cùng ồ lên khi biết chất lượng thật của kết quả giáo dục mấy năm nay. Nhưng thầy ơi, đã làm thì làm cho trót, không bệnh thành tích thì quy định chuẩn phổ cập này nọ để làm chi? Chẳng hạn như, ở Tiểu học, vì chuẩn phổ cập Trung học cơ sở (THCS) mà "lùa" học sinh lên lớp hết. Vậy, có phải là thành tích không? Không biết các tỉnh khác như thế nào, chứ ở tỉnh con, thầy có tin không, học sinh lớp 6, lớp 7 có đứa không viết được tên mình cho đúng, làm bài kiểm tra, con phải mời em lên đọc cho con hiểu (vì thật sự con không biết em viết cái gì?). Như vậy, sao lên được lớp 6, nếu không vì cái quy định chuẩn kia?
Đó là chuyện thứ nhất.
Còn chuyện thứ 2 con muốn than với thầy là việc sắp xếp môn học ở THCS. Các anh chị con của thầy chắc đã lớn hơn cả con, nên không phải trải qua thời khóa biểu kinh hoàng như bây giờ: Ngày nào cũng 5 tiết, từ thứ 2 đến thứ 7, thậm chí chủ nhật cũng phải học bồi dưỡng yếu kém, có hôm học thể dục trái buổi nữa, hỏi thầy các em sao kham? Mới lớp 6, lớp 7 (không nói chi lớp 8, lớp 9) mà học 12, 13 môn, với trí tuệ non nớt của một "búp trên cành" thì làm sao "tải" nổi lượng kiến thức khổng lồ này? Con nhớ, lúc con còn học THCS, việc học rất nhẹ nhàng thoải mái, có thời gian chơi đùa. Bây giờ, học trò của con vào lớp với gương mặt mệt mỏi.
Con biết, thầy cũng như các ngài khác trong ngành giáo dục, có lẽ ai cũng đều muốn đào tạo cho các em trở thành những con người phát triển toàn diện; nhưng ông bà mình vẫn thường nói: "Chậm mà chắc", "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề" thì tại sao mình không đào tạo từ từ? Có cần thiết lắm không khi vừa phải thuộc Toán, vừa phải nói được Anh văn, vừa biết Lý, biết Sinh học vừa phải biết khéo tay tỉa hoa, nấu ăn... trời ơi đủ thứ! Chưa kể, khi thay sách giáo khoa, một số bài đã bị đưa từ lớp cao xuống lớp thấp, mà để hiểu nó, giáo viên tụi con phải nát óc mấy ngày, còn học trò, lại bắt các em "cảm" trong 1 hoặc 2 tiết? Người lớn mình suy nghĩ nhiều thì mệt, mang cặp da 2kg còn than... sao lại nỡ chất hết lên lưng của học trò bé nhỏ mỗi ngày?
...Nãy giờ là chuyện liên quan đến học trò, bây giờ là chuyện liên quan đến giáo viên tụi con. Trước hết là chuyện lương. Con biết ngành giáo dục mình không phải là đơn vị kinh doanh nên tiền lương ít. Nhưng thầy ơi, ít quá làm sao tụi con sống nổi? Người ta làm nghề khác, mọi chuyện đều làm ở cơ quan rồi về nhà thảnh thơi, nếu lương kém họ cũng còn thời gian làm chuyện khác để kiếm thêm tiền. Còn tụi con, ở trường làm một nhưng về nhà lại làm đến hai: nào soạn bài, chấm bài, làm thêm đồ dùng dạy học... Như con đây còn ăn cơm "ké" ba mẹ, nên gom hết các khoản lương tháng được khoảng "triệu tư " thì cũng còn "ngớp ngớp" sống được. Còn những người khác, họ còn có vợ, có con, có gia đình phải lo. Lương như vậy để lo cho cuộc sống, họ phải làm chuyện khác (như dạy thêm chẳng hạn! Mà thầy không cho, người ta cũng dạy lén thôi! Vì miếng cơm mà thầy!); như vậy, họ đâu còn toàn tâm toàn ý cho việc dạy ở trường nữa?
Lúc con còn là sinh viên, con có được học: "Dạy học là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý"; "Thầy giáo là người chèo đò đưa học sinh qua bến bờ bên kia của tri thức"... nhưng thực tế: "Có thực mới vực được đạo", làm sao người ta có thề toàn tâm toàn ý "chở" học trò "qua bên kia sông" khi trong đầu họ luôn phải suy nghĩ, tính toán: Tiền đâu mua gạo? Tiền đâu mua thuốc cho con?... Bây giờ sắp đến Tết, người ta lại lo tiền đâu mà ăn Tết khi vật giá đang ở trên trời mà lương thì đang ở dưới đất đây?
...Con có đứa bạn, nó học hết lớp 9 rồi nghỉ, lên thành phố làm công nhân, lương nó tăng ca cũng được ba triệu đồng; gặp con nó hỏi: "Một tháng mày làm dư khá không?". Con hỏi nó, nó bảo: "Tao tằn tiện cũng được chỉ vàng". Con cười mà như mếu vì lương con có dạy thêm 2 năm đi nữa, nhịn ăn cả tháng cũng không mua nổi 1 chỉ vàng (mấy anh đồng nghiệp nam của con hay bảo nhau: phen này ế vợ hết vì tiền đâu mua vàng cưới vợ). Lúc đó, con ước gì con có thể quay lại với quá khứ để con nghỉ học sớm như nó đi làm, cả 10 năm nay dư biết là bao nhiêu? Rõ ràng, Thầy thấy đó, "có trình độ" "rẻ như bèo" phải không thầy?
Còn chuyện học nâng cao trình độ, ở tỉnh con, khuyến khích học thậm chí quy định đến năm đó giáo viên phải có bằng này, bằng nọ. Vậy mà không hỗ trợ cho tụi con một đồng nào. Con học đại học tại chức, cho là "tự giác" xin học nên đóng tiền học phí, tự bỏ tiền ra học cũng cam. Nhưng có người, được chọn đi học lớp này, lớp nọ (phòng giáo dục chọn hẳn hoi!) nhưng cũng phải "tự chi". Lương "một cọc ba đồng" mà cái gì cũng học: Anh văn, Vi tính... không học không đủ chuẩn, vậy là có nguy cơ sau này rớt! Mà đi học "nợ ngập đầu" rồi! Thầy thấy có khổ không thầy?
Vàng lên, xăng lên... con lại rầu nữa. Vì thầy biết sao không? Tiền đâu giáo viên tụi con đổ xăng đây hở thầy? Nhà thì xa trường, đi bộ sao nổi? Mấy thầy trường con đùa: phen này chắc "dứt cháo" (nói láy từ giáo chức) để cơm cho xe ăn thôi!
Sẵn nói chuyện Tết, con kêu khổ với thầy luôn vì từ lúc đi dạy đến giờ, con có biết tiền thưởng Tết là gì đâu! Người ta lãnh tiền thưởng vài triệu, thậm chí vài chục triệu, còn con tiền chục cũng không có nữa nè! Tết - lóc cóc xuống trường nhận quà (bọc trà, hộp mứt) của trường rồi về. Giáo dục mình nghèo dữ vậy sao?
Con biết con còn "trẻ người non dạ", những lời con nói ra có thể sẽ làm thầy buồn. Mong thầy bỏ qua, con chỉ muốn nó ra với hi vọng thầy có thể cải thiện hơn nữa nền giáo dục của mình như thầy đã từng làm được. Muộn còn hơn không phải không thầy?
Năm mới, con chúc thầy dồi dào sức khỏe để lo cho sự nghiệp lớn. Gia đình hạnh phúc, an khang, thịnh vượng!
Như Nguyễn (Cái Bè, Tiền Giang)
Nguồn: www.moet.gov.vn