Sáng 15/1, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã tổ chức Hội thảo định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Khoa Dầu khí. PGS.TS.Trần Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã chủ trì Hội thảo. Về phía khách mời có TS. Ngô Hữu Hải - Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP); TS. Bùi Quốc Quân - Ban Khoan PVEP; TS. Nguyễn Hải An - Ban Phát triển Khai thác PVEP; TS.Trần Văn Tính - Chủ nhiệm Bộ môn tâm lý - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo Khoa Dầu khí, Văn phòng Chương trình tiên tiến, Trung tâm Hướng nghiệp & Tư vấn việc làm sinh viên, Phòng công tác Chính trị sinh viên… cùng đông đảo sinh viên khoa Dầu khí đang theo học tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS.Trần Thanh Hải đã nhấn mạnh 3 kỹ năng cần thiết mà mỗi sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên Khoa Dầu khí nói riêng, đó là Kỹ năng chuyên môn, Kỹ năng mềm và Ngoại ngữ. Cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng mở rộng, đặc biệt là từ ngày 1/1/2016, người Việt Nam đã trở thành công dân ASEAN nên 3 kỹ năng này càng trở nên quan trọng.
Trước nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt thông tin về tình hình, xu thế phát triển của ngành dầu khí trong nước và trên thế giới của sinh viên khoa Dầu khí, TS.Ngô Hữu Hải - Tổng Giám đốc PVEP đã trình bày một cách ngắn gọn, xúc tích những thông tin thiết thực, hữu ích đối với hành trang kiến thức của mỗi sinh viên, đồng thời phân tích rõ về vai trò của ngành Dầu khí đối với nền kinh tế Việt Nam và dự báo xu thế phát triển trong tương lai.
Giao lưu với sinh viên, các câu hỏi chủ yếu tập chung vào cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, xu thế, diễn biến ngành dầu mỏ VN trong tương lai cũng như các tiêu chí tuyển dụng của Nhà tuyển dụng nói chung và PVEP nói riêng đối với sinh viên ngành dầu khí để sinh viên có sự chuẩn bị tốt sau khi tốt nghiệp.
Trong bối cảnh giá dầu không ngừng giảm nhanh và sâu, chưa có chiều hướng phục hồi, đã gây khó khăn rất lớn cho các công ty dầu khí. Hiệp hội Năng lượng Thế giới trước đây đã dự báo tổng đầu tư của các doanh nghiệp dầu khí sẽ đạt 48.000 tỷ USD đến năm 2035. Như vậy trung bình mỗi năm khoảng 2.000 tỷ USD, trong đó PVEP đã dự kiến đầu tư khoảng 2 tỷ USD/năm. Trước diễn biến phức tạp và khó lường của giá dầu, các chuyên gia đã dự báo năm 2016 thế giới chỉ đầu tư 550 tỷ USD vào lĩnh vực dầu khí.
PVEP hiện có 59 mỏ/dự án ở Việt Nam và 14 mỏ/dự án ở nước ngoài, tốc độ gia tăng trữ lượng được duy trì tốt. Nhưng nếu giá dầu xuống 15 USD, thậm chí 10 USD/thùng, lúc đó PVEP rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ bằng một cơ chế tài chính đặc biệt, bởi nếu thua lỗ, phải đóng mỏ sẽ tạo hệ lụy lớn với xã hội.
Theo TS. Ngô Hữu Hải, trong bối cảnh khó khăn, nhu cầu tuyển dụng 2016 của doanh nghiệp dầu khí thế giới và trong nước sẽ hạn chế, nhưng với PVEP, bên cạnh việc tạo cơ hội thuận lợi cho các sinh viên dầu khí có nhu cầu thực tập, Tổng công ty vẫn dành cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên mới ra trường, nếu đó thực sự là những sinh viên giỏi - trung thực - cầu thị - quyết tâm và luôn vững niềm tin. Bởi giống như nhiều ngành kinh tế khác, ngành Dầu khí có lúc vô cùng thuận lợi, nhưng cũng có lúc cực kỳ khó khăn. Trải qua những bước thăng trầm đó đã rèn đúc lên bản lĩnh, trí tuệ của những người kỹ sư dầu khí rất vững vàng, mạnh mẽ.
Chia sẻ với vai trò là một cựu sinh viên, cựu nghiên cứu sinh của Khoa Dầu khí - Trường Đại học Mỏ - Địa chất, TS. Ngô Hữu Hải đặt kỳ vọng rất nhiều vào thế hệ sinh viên dầu khí trẻ. Theo dự báo, tiềm năng khai thác dầu khí của Việt Nam có thể kéo dài tới hơn 100 năm nữa. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cho các sinh viên dầu khí trẻ. Trên thực tế, nguồn nhân lực cung ứng đang khá dồi dào, mỗi năm có thêm 600 sinh viên dầu khí mới ra trường (400 sinh viên từ Đại học Mỏ - Địa chất và Đại học Bách khoa; 100 sinh viên tại TP.HCM và khoảng 100 sinh viên được đào tạo từ nước ngoài trở về). Nhưng nguồn lực này có thể đủ, nhưng cũng có thể thiếu, bởi ngành dầu khí luôn cần những người giỏi - trung thực - cầu thị - quyết tâm và luôn vững niềm tin.
Giao lưu với sinh viên, các câu hỏi chủ yếu tập chung vào cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, xu thế, diễn biến ngành dầu mỏ VN trong tương lai cũng như các tiêu chí tuyển dụng của Nhà tuyển dụng nói chung và PVEP nói riêng đối với sinh viên ngành dầu khí để sinh viên có sự chuẩn bị tốt sau khi tốt nghiệp.
Tại Hội thảo, tất cả những câu hỏi thể hiện rõ sự băn khoăn, trăn trở của các sinh viên Khoa Dầu khí đã được TS. Ngô Hữu Hải trao đổi cởi mở và thẳng thắn, giúp các em định hình được những yêu cầu, thách thức sẽ phải vượt qua để có được một cơ hội nghề nghiệp tốt, từ đó đóng góp trí tuệ, sức trẻ cho ngành Dầu khí nước nhà.
Tổng Giám đốc, TS Ngô Hữu Hải trao tặng số tiền tài trợ cho Đại học Mỏ Địa Chất . PGS.TS Trần Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng đại diện Nhà trường và sinh viên tiếp nhận tài trợ từ PVEP
Nối tiếp sự đồng hành, hợp tác, giúp đỡ Nhà trường trong Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, ngay tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Tổng công ty PVEP đã trao tặng cho trường Đại học Mỏ - Địa chất số tiền 5 tỷ đồng để trang bị Thư viện điện tử phục vụ cho sinh viên toàn trường tiếp cận với những công nghệ mới. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa và thiết thực của Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, nhân viên PVEP dành cho sinh viên Nhà trường./.
Đưa tin: Phòng Công tác chính trị - Sinh viên
Nguồn: Trung tâm Hướng nghiệp và Tư vấn việc làm sinh viên