Nhằm đóng góp cơ sở khoa học và thực tiễn cho quá trình quy hoạch, thiết kế và triển khai dự án, ngày 18/4/2025, Trường Đại học Mỏ - Địa chất (HUMG) tổ chức Hội thảo khoa học “Nền móng và đường hầm cho đường sắt tốc độ cao Việt Nam”, với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo, các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, các giảng viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các giảng viên và sinh viên của trường tới dự.

PGS.TS Đỗ Ngọc Anh - Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thế Vinh – Phó Hiệu trưởng HUMG nhấn mạnh: “Với gần 60 năm kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực mũi nhọn như Địa chất, Trắc địa, Địa kỹ thuật, Công trình ngầm…, HUMG tổ chức buổi hội thảo này như một diễn đàn học thuật kết nối chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý, nhằm đề xuất các giải pháp tối ưu cho nền móng và đường hầm – hai cấu phần then chốt của dự án đường sắt tốc độ cao.”

PGS.TS Nguyễn Thế Vinh - Phó Hiệu trưởng HUMG phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các nhóm nghiên cứu trình bày 7 báo cáo khoa học , tập trung vào các chủ đề then chốt liên quan đến nền móng và đường hầm phục vụ thiết kế, thi công xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao, cụ thể như sau:
1. Thiết kế và xây dựng hầm đường sắt tốc độ cao: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng cho Việt Nam – Nhóm tác giả: PGS.TS Đặng Văn Kiên, PGS.TS Đỗ Ngọc Anh - HUMG

2. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực địa chất công trình, địa kỹ thuật, quản lý công trình phục vụ phát triển đường sắt tốc độ cao – Nhóm tác giả: TS Tô Xuân Bản, PGS.TS Nguyễn Thị Nụ; TS Nguyễn Hữu Hiệp - HUMG

3. Tổng quan về nghiên cứu mô đun đàn hồi động MR của nền đắp: thực trạng và hướng phát triển phục vụ cho xây dựng đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam – Nhóm tác giả: TS Nguyễn Văn Phóng, PGS.TS Bùi Trường Sơn – HUMG; Nguyễn Song Thanh – Viện Nền móng và Công trình ngầm

4. Biểu hiện áp lực nước lỗ rỗng bên trong nền đường sắt dưới tác dụng tải trọng lặp – Tác giả: TS Đỗ Mạnh Tân - HUMG
5. Địa chất thủy văn trong thi công tuyến đường sắt tốc độ cao Việt Nam. Thách thức và giải pháp – Nhóm tác giả TS Nguyễn Bách Thảo, TS Dương Thị Thanh Thủy – HUMG

6. Một số giải pháp trắc địa công trình trong thi công và quan trắc hầm đường sắt cao tốc – Nhóm tác giả: PGS.TS Phạm Quốc Khánh – HUMG cùng với TS Diêm Công Huy – Viện Khoa học Xây dựng Hà Nội
7. Công nghệ Lidar UAV: Bước tiến trong chuyển đổi số quy trình khảo sát và xây dựng đường cao tốc – Tác giả: TS Trần Trung Anh - HUMG

Theo đó, các nhóm nghiên cứu đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu thực địa dọc tuyến dự kiến đường sắt cao tốc và đưa ra khuyến nghị kỹ thuật có giá trị ứng dụng cao, hỗ trợ quá trình thiết kế – thi công an toàn, hiệu quả phù hợp với điều kiện địa hình – địa chất Việt Nam.

TS Đặng Văn Huấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo phát biểu tại Hội thảo
Đánh giá về Hội thảo, GS.TS Võ Chí Mỹ nhận định “Hội thảo lần này có ý nghĩa đặc biệt, mở ra định hướng mới cho nghiên cứu và đào tạo phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đây là cơ hội quý để các chuyên gia cùng trao đổi, làm rõ những vấn đề kỹ thuật trọng yếu như thi công đường hầm, xử lý nền móng, đo đạc chính xác và ứng dụng các công nghệ hiện đại như BIM, GeoAI... Giáo sư cũng khẳng định HUMG có thế mạnh vượt trội trong các lĩnh vực then chốt như trắc địa công trình, xây dựng ngầm và địa kỹ thuật – những nền tảng quan trọng cho dự án. Nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo gắn với thực tiễn và nghiên cứu chuyên sâu để trở thành lực lượng chủ lực cung cấp nguồn nhân lực và giải pháp kỹ thuật cho đất nước.”

GS.TS Võ Chí Mỹ đánh giá về Hội thảo
Hội thảo không chỉ cung cấp những luận cứ kỹ thuật quan trọng phục vụ công tác quy hoạch và thiết kế thi công tuyến đường sắt tốc độ cao, mà còn gợi mở định hướng đào tạo – nghiên cứu cho các trường kỹ thuật; thúc đẩy liên kết giữa nhà trường – doanh nghiệp – cơ quan quản lý trong chuỗi phát triển hạ tầng giao thông bền vững. Hội thảo một lần nữa khẳng định vị thế học thuật và năng lực chuyển giao tri thức của Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm