ASEAN++ 2014 là sự kiện của các nước ASEAN mở rộng với sự tham gia của các quốc gia như Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha và Úc. Đây là sự kiện thường niên và lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia tổ chức của trường Đại học Mỏ Địa chất, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. ASEAN++ 2014 đã được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu từ ngày 19 đến 23 tháng 10 năm 2014 với các sự kiện chính sau:
- Ngày 19 và 20 tháng 10: Gặp gỡ vùng Đông Nam Á của Hội các giáo sư ngành mỏ
- Ngày 21 tháng 10: Thăm quan thực tế Công ty Hóa chất mỏ Nam Bộ - MICCO và mỏ đá Thuận Lập
- Ngày 22 tháng 10: Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 3 về Những tiến bộ trong Khai thác mỏ và Công trình ngầm (ICAMT 2014)
- Ngày 23 tháng 10: Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 8 về Công nghệ tài nguyên khoáng sản (ICERT 2014)
Tham dự sự kiện có sự góp mặt của hơn 400 nhà khoa học, các giảng viên và các cơ quan quản lý nhà nước. Về phía nước chủ nhà, ngoài các đơn vị tổ chức, còn có sự tham gia của Cục quản lý môi trường (Bộ Tài nguyên môi trường), đại diện các tập đoàn kinh tế và các công ty thành viên như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ - Vinacomin, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp khai thác đá vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất xi măng, đại diện các cơ quan nghiên cứu và đào tạo như Viện Khoa học và Công nghệ mỏ, Trường Đại học Tài nguyên Môi trường thành phố Hồ Chí Minh v.v...
Các đại biểu quốc tế tham dự cuộc gặp vùng Đông Nam Á của Hội các Giáo sư mỏ (SOMP)
Các đoàn đại biểu nước ngoài đến từ CHLB Đức (Đại học Khoa học Ứng dụng George Agricola Bochum, Đại học Ruhr, RWTH Aachen, TU Freiberg, dựán RAME), Nhật Bản (Đại học Hokkaido, Đại học Kyushu), LB Nga (Đại học Mỏ Quốc gia Moscow), Tây Ban Nha (Đại học Hueva), Thái Lan (Đại học Chulalongkorn, Đại học Chiang Mai), Úc (Đại học New South Wales) v.v... đều đóng góp tham luận tại hội thảo.
Ngày 19/10, tại cuộc gặp vùng Đông Nam Á của Hội các Giáo sư mỏ (Society of Mining Professors), sau phát biểu khai mạc của PGS.TS. Trần Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường, các đại biểu tham dự đã có được cái nhìn tổng thể về hoạt động của Hội trong năm 2014, và các hoạt động trong năm 2015. Các quốc gia vùng Đông Nam Á như Thái Lan và Việt Nam đã trao đổi những hướng nghiên cứu mới trong phục vụ đào tạo và sản xuất. Các cơ hội đổi mới trong đào tạo ngành mỏ vì đã được các đại biểu Úc, Đức chia sẻ. Các đại biểu quốc tế cũng có cơ hội tìm hiểu về hoạt động đào tạo ngành mỏ, địa chất, dầu khí tại Việt Nam để mở rộng liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ, tăng cường đào tạo người dạy,ứng dụng truyền thông v.v... vì sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp mỏ.
PGS.TS. Trần Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc SOMP
Trong khuôn khổ cuộc gặp mặt của Hội các Giáo sư Mỏ, đoàn đại biểu Đại học Chiangmai do ông Nat Vonayos – Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Kỹ thuật đã có cuộc làm việc với Ban Giám hiệu Nhà trường và Phòng HTQT về hướng hợp tác của hai trường và với một số khoa của trường ta trong thời gian tới.
BGH Nhà trường làm việc với Trường đại học Chiangmai – Thái Lan
Sáng ngày 20/10, hội thảo về Tăng cường hoạt động của các đối tác vì sự phát triển bền vững trong ngành công nghiệp mỏ cũng được tổ chức với sự tham gia của tổ chức Liên hiệp kĩ sư quốc tế (World Federation of Engineering Organizations). Hội thảo đã bàn về vấn đề sử dụng nước tối ưu trong khai thác mỏ với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp khai thác mỏ, các tổ chức phi chính phủ và cơ quan quản lí nhà nước.
Đại diện các tổ chức điều hành hội thảo về tăng cường hoạt động vì sự phát triển bền vững trong ngành công nghiệp mỏ
Thảo luận nhóm vì sự phát triển bền vững trong ngành công nghiệp mỏ
Sáng 21/11, các đại biểu đã có chuyến thăm và làm việc với Công ty Hoá chất mỏ Nam Bộ - MICCO, thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Hoá chất mỏ - Vinacomin và mỏ đá Thuận Lập của tỉnh Bà Rịa. Các đại biểu đã đi thăm dây chuyền sản xuất đầu đạn khoan dầu, thuốc nổ Anfo, kíp nổ, các phòng thí nghiệm và kiểm định của công ty và chứng kiến công tác nạp mìn và nổ mìn tại mỏ đá Thuận Lập.
Ông Trần Văn Dũng – Giám đốc Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Nam Bộ đọc diễn văn chào mừng các đại biểu tới thăm công ty
Thăm công tác nạp thuốc và nổ mìn tại mỏ đá Thuận Lập
Trong ngày 22/11, Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 3 về Những tiến bộ trong khai thác mỏ và công trình ngầm - ICAMT 2014 do Trường đại học Mỏ - Địa chất tổ chức đã thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu với sự có mặt của đại diện nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sau diễn văn khai mạc hội nghị của PGS.TS. Lê Hải An – Hiệu trưởng Nhà trường, 2 báo cáo quan trọng liên quan tới lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí đã được trình bày tài phiên toàn thể, tiếp đến là 36 báo cáo của các diễn giả quốc tế và Việt nam tại 6 tiểu ban của Hội nghị. Các báo cáo tại các tiểu ban đều có chất lượng tốt, diễn ra sôi nổi, nhận được sự quan tâm và có nhiều trao đổi bên trong và ngoài hội trường của các báo cáo viên với người theo dõi.
PGS.TS. Lê Hải An – Hiệu trưởng Nhà trường khai mạc Hội nghị quốc tế ICAMT 2014
Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị quốc tế ICAMT 2014 chụp ảnh lưu niệm
PGS.TS. Bùi Xuân Nam và GS.TSKH. Victor Atruskevich điều hành các báo cáo tại Tiểu ban Kỹ thuật và công nghệ khai thác mỏ
TS. Nguyễn Thị Hoài Nga và GS.TS. Kretschmann báo cáo tại Tiểu ban Quản lý Mỏ
Ngày 23/10 khép lại các hoạt động của ASEAN++2014 với Hội thảo về Kĩ thuật Tài nguyên và Dầu khí lần thứ 8 ICERT 2014.
Nói tóm lại, ASEAN++2014 đã thành công rực rỡ, tạo được ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế và các đại biểu tham dự. Cũng qua hội nghị này, thương hiệu của Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã được nâng lên một tầm cao mới, là địa chỉ hơp tác đáng tin cậy của bạn bề quốc tế trong lĩnh vực các khoa học trái đất và mỏ.
ASEAN++2015 dự kiến sẽ tổ chức tại Bangkok, Thailand vào tháng 8/2015.
(Đưa tin: BTC Hội nghị)