Tại Đại học Quốc tế Quảng Tây, đoàn Trường Đại học Mỏ – Địa chất tham gia các hoạt động học thuật, giao lưu văn hóa và làm việc với đối tác trong môi trường quốc tế cởi mở. Bên cạnh các buổi học và trao đổi chuyên đề, sinh viên được tham quan khuôn viên trường, phòng thí nghiệm, trải nghiệm mặc trang phục truyền thống, vẽ mặt nạ dân gian, hòa mình vào giai điệu Trung Hoa qua hoạt động học hát và giao lưu văn nghệ – những trải nghiệm giàu tính kết nối và khám phá văn hóa. Đại diện các trường đại học Việt Nam cũng có buổi làm việc với Phòng Hợp tác Quốc tế của Đại học Quốc tế Quảng Tây, thảo luận định hướng phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu và trao đổi trong thời gian tới.

Sinh viên HUMG trải nghiệm trang phục truyền thống tại Đại học Quốc tế Quảng Tây

Khám phá nghệ thuật dân gian Trung Hoa qua hoạt động vẽ mặt nạ tại tại Quảng Tây
Sinh viên HUMG mang đến chương trình nguồn năng lượng tích cực, chủ động hòa nhập và sự tự tin khi hòa nhập vào môi trường học thuật đa văn hóa. Mỗi ngày trôi qua là một hành trình mới, không chỉ mở rộng tri thức mà còn mở ra cơ hội gặp gỡ, khám phá và trưởng thành. Như một sinh viên chia sẻ đầy cảm xúc: “Từ giảng đường đến những chuyến đi, mỗi ngày ở Quảng Tây là một trang sách mới.”
Song song với đó, đoàn HUMG cũng tham dự Trại hè quốc tế về Luyện kim các-bon thấp và Năng lượng xanh tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Côn Minh – chương trình học thuật kéo dài gần một tháng, tập trung vào hai chủ đề chính: luyện kim carbon thấp và năng lượng xanh. Đây là hai chủ đề rất quan trọng để thế giới đạt được mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và Net Zero vào năm 2050. Sinh viên HUMG được tiếp cận các bài giảng chuyên sâu về luyện kim chân không, vật liệu cathode thế hệ mới, công nghệ pin thể rắn, thu hồi kim loại quý và công nghệ quang điện, do các chuyên gia đầu ngành trình bày.
Bên cạnh học thuật, sinh viên còn tham quan thực tế tại các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Nhôm Vân Nam, Gecmani Vân Nam… nhằm quan sát trực tiếp dây chuyền sản xuất và ứng dụng công nghệ trong thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu nhóm, thảo luận, bảo vệ đề tài và giao lưu sinh viên quốc tế cũng được lồng ghép xuyên suốt, giúp sinh viên nâng cao tư duy học thuật, kỹ năng trình bày và khả năng thích ứng trong môi trường toàn cầu.

Trải nghiệm thực tế tại các cơ sở nghiên cứu luyện kim tại Côn Minh
Đáng chú ý, sinh viên HUMG còn có dịp kết nối và giao lưu sâu sắc với sinh viên Lào trong khuôn khổ chương trình, góp phần lan tỏa tình hữu nghị giữa thế hệ trẻ hai quốc gia anh em ngay tại không gian học thuật quốc tế ở Côn Minh.

Sinh viên Việt – Lào tình anh em lan tỏa giữa lòng Côn Minh
Việc đồng thời tham gia hai chương trình học thuật tại Trung Quốc không chỉ mang đến cơ hội tiếp cận tri thức và công nghệ mới cho sinh viên Trường Đại học Mỏ – Địa chất, mà còn thể hiện bước tiến vững chắc của nhà trường trên con đường thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết nghiên cứu với chuyển giao tri thức và công nghệ trong bối cảnh hội nhập. Từ không gian lớp học quốc tế đến thực địa nghiên cứu, từ những trải nghiệm văn hóa đến các buổi đối thoại học thuật sâu sắc – tất cả đã góp phần nuôi dưỡng tư duy toàn cầu, năng lực chuyên môn và tinh thần hợp tác của thế hệ trẻ HUMG. Đây không chỉ là một mùa hè ý nghĩa, mà còn là dấu mốc cụ thể trong hành trình đưa nhà trường trở thành đại học đa ngành định hướng nghiên cứu, có uy tín trong nước và quốc tế vào năm 2030.