Diễn văn kỷ niệm 40 năm thành lập Trường

29/11/2006

Phát huy truyền thống anh hùng, tăng cường đoàn kết nhất trí, phát huy mọi nguồn lực, xây dựng Trường Đại học Mỏ - Địa chất thành trường đại học tiên tiến, chủ động hội nhập quốc tế

(Trích diễn văn của PGS. TS Trần Đình Kiên - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Trường và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, ngày 15/11/2006)

Hôm nay, trong không khí phấn khởi cả nước đón chào sự kiện Việt Nam gia nhập WTO và Hội nghị APEC 14 tổ chức tại Hà Nội, Trường Đại học Mỏ-Địa chất vinh dự và long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm đào tạo, 40 năm ngày thành lập Trường và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng cho Trường về những thành tích đã đạt được trên chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển.

Thay mặt cán bộ viên chức và các em sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất, tôi nhiệt liệt chào mừng và chân thành cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, các liên đoàn, các cơ quan, đơn vị sản xuất, các vị đại biểu đại diện cho các cơ quan, đoàn thể của Trung ương và địa phương, các đoàn khách quốc tế, đại diện báo chí, phát thanh, truyền hình, các đồng chí cán bộ nhà trường đã chuyển công tác, đã nghỉ hưu, các đồng chí cựu sinh viên, các thày giáo, cô giáo, cán bộ viên chức và sinh viên đã về dự buổi Lễ trọng thể hôm nay.

........................

Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 8 tháng 8 năm 1966 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 147/QĐ-CP cho phép thành lập Trường Đại học Mỏ-Địa chất trên cơ sở Khoa Mỏ - Địa chất của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày 31 tháng 8 năm 1966 tại làng Bút Tháp thuộc xã Đình Tổ - Thuận Thành - Hà Bắc, đồng chí Đặng Xuân Đỉnh thay mặt Ban trù bị tổ chức cuộc họp công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Mỏ-Địa chất. Ngày 15 tháng 11 năm 1966 Trường Đại học Mỏ - Địa chất chính thức khai giảng khóa học đầu tiên. Kể từ thời điểm đó, ngày 15 tháng 11 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của Trường.

Vượt lên những khó khăn, thử thách của buổi ban đầu trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, nhà trường đã nhanh chóng hoàn chỉnh bộ máy làm việc, chương trình đào tạo và cơ cấu học thuật để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo cán bộ đáp ứng cho nhu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

-------

40 năm qua đối với Trường Đại học Mỏ - Địa chất là cả một chặng đường khó khăn, thử thách. Những ngày đầu thành lập sơ tán tại Hà Bắc, Trường phải phân tán trong một địa bàn rộng của huyện Thuận Thành. Được sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân, Nhà trường đã vượt qua khó khăn chồng chất về điều kiện ăn ở, phương tiện giảng dạy để đảm bảo chương trình và nội dung đào tạo. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, bên cạnh việc duy trì công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã động viên cán bộ và sinh viên hăng hái lên đường tham gia chiến đấu tại các chiến trường trong cả nước. Đã có 1050 cán bộ và sinh viên của Nhà trường lên đường tham gia chiến đấu. Trong số đó có nhiều đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, góp trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Nhiều đồng chí sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu đã trở lại giảng đường tiếp tục giảng dạy, học tập, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng và phát triển Nhà trường.

Từ năm 1973, chấp hành quyết định của Nhà nước, toàn bộ cơ sở của trường lại được chuyển từ Thuận thành - Hà Bắc lên Phổ Yên - Bắc Thái, mở đầu một thời kỳ mới trong quá trình xây dựng và phát triển của trường. Tại đây thày trò Nhà trường lại một lần nữa phát huy tinh thần tự lực, tự cường bắt tay vào việc xây dựng lớp học, phòng thí nghiệm, hội trường, nhà ăn, ký túc xá sinh viên và khu tập thể cán bộ công chức với diện tích 19.500 m2 nhà cấp 4.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được độc lập thống nhất, hưởng ứng chủ trương của Đảng về việc sắp xếp và xây dựng lại các trường Đại học ở Miền Nam và đáp ứng nguyện vọng của các đồng chí cán bộ có quê hương ở miền Nam, hàng chục cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý có trình độ và kinh nghiệm của Trường đã được điều động tăng cường cho các Trường Đại học phía nam.

Để góp phần đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 1976 Trường Đại học Mỏ - Địa chất được Chính phủ cho phép mở bậc đào tạo nghiên cứu sinh; năm 1977 nhà trường đã tổ chức thành công việc bảo vệ luận án PTS (nay gọi là Tiến sĩ) đầu tiên trong các Trường Đại học kỹ thuật của nước ta. Tháng 4 năm 1977 Khoa Dầu khí được thành lập; tháng 1 năm 2000 thành lập Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh; tháng 9 năm 2002 khoa Công nghệ thông tin và khoa Mác - Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Do ở xa thành phố, trường đã gặp những khó khăn về mọi mặt. thể theo nguyện vọng của cán bộ và sinh viên nhà trường, ngày 16/2/1979 Thủ tướng Chính phủ ra văn bản số 625/VP thông báo cho phép Trường Đại học Mỏ-Địa chất được xây dựng tại ven nội thành Hà Nội; tháng 9 năm 1981 UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định cấp đất cho Trường tại cánh đồng thuộc 3 xã Cổ Nhuế, Phú Minh và Thượng Cát. Từ đó bắt đầu một thời kỳ mới của Nhà trường. Trường Đại học Mỏ - Địa chất vừa tiếp tục duy trì mọi hoạt động ở địa điểm Phổ Yên - Bắc Thái vừa tích cực tổ chức xây dựng cơ sở mới ở Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội để sớm đưa Trường về Thủ đô. Năm học 1982-1983 đã có những lớp sinh viên đầu tiên của trường (khoá 26) được học tập ở khu trường mới. Đến cuối năm 1984 Nhà trường đã xây dựng được 6.500 m2 nhà cấp 4 và chuyển toàn bộ hoạt động của Trường về Hà Nội.

Tháng 2/1988 Chính phủ quyết định giao lại Khách sạn 214 đang xây dựng dở dang tại xã Đông Ngạc - Từ Liêm - Hà Nội cho Trường để cải tạo thành cơ sở của trường.

......................................

Hiện nay, Trường Đại học Mỏ - Địa chất là trường đại học duy nhất đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ đại học và trên đại học cho các ngành thuộc các lĩnh vực Mỏ, Địa chất, Dầu khí, Trắc địa-Bản đồ, Kinh tế Quản trị Doanh nghiệp, Công nghệ thông tin, đồng thời tiến hành các hoạt động khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ôn lại những chặng đường lịch sử 40 qua kể từ khi có Quyết định của Nhà nước thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất, chúng ta rất đỗi tự hào về những thành tích đã đạt được.

Về công tác đào tạo, Nhà trường đã hoàn thiện hệ thống đào tạo từ Cao đằng, Đại học và Sau đại học với năng lực đào tạo ngày càng lớn. Nhà trường luôn duy trì công tác đào tạo trong mọi hoàn cảnh, không ngừng mở rộng quy mô đào tạo và đa dạng hoá các loại hình đào tạo với địa bàn rộng khắp cả nước. Trong đó, Nhà trường đặc biệt chú trọng các vùng công nghiệp khai thác than và dầu khí (Quảng Ninh và Vũng Tàu), các khu vực miền Trung (Quảng Ngãi, Tây Nguyên) và miền núi (Bắc Thái, Vĩnh Phú)...

Nhà trường đã đầu tư thích đáng để hoàn thành 345 giáo trình đại học, 302 giáo trình sau đại học; biên soạn lại bài giảng và giáo trình đã xuất bản trên năm năm nhằm cập nhật những thông tin mới nhất; áp dụng các phương pháp giảng dạy mới trong quá trình đào tạo. Nhà trường đã sử dụng nhiều giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng thí nghiệm, đáp ứng quy mô đào tạo ngày càng tăng.

Đến nay nhà trường đã tuyển sinh được 41 khoá đại học, 10 khoá cao đẳng, 12 khoá cao học và hàng chục khoá nghiên cứu sinh với hơn 32.000 kỹ sư của 42 chuyên ngành; 542 Thạc sỹ; 222 Tiến sỹ; trong đó có 32 kỹ sư, 3 Tiến sỹ và 1 Thạc sỹ của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào anh em. Nhiều người đã trở thành các nhà khoa học đầu ngành, các nhà quản lý giỏi, những cán bộ chủ chốt, đảm nhận các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, có người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trong 10 năm gần đây, Nhà trường đã thực hiện có kết quả chương trình cải cách giáo dục theo chiều sâu với hệ thống chương trình giảng dạy đổi mới nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Trường Đại học Mỏ - Địa chất là một trong những trường đi đầu trong việc tổ chức thực hiện nghiêm túc và có kết quả chủ trương cải cách giáo dục ở bậc đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, Nhà trường tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực có thế mạnh như: điều tra quy hoạch, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và quản lý đất đai, lãnh thổ. Nhà trường đã quan tâm đầu tư các phòng thí nghiệm công nghệ mới để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong 40 năm qua đội ngũ cán bộ khoa học của Nhà trường đã chủ trì thực hiện 149 Đề tài cấp Nhà nước; 379 Đề tài cấp Bộ, 761 Đề tài cấp trường; 4.466 đề tài, dự án phục vụ sản xuất các ngành Mỏ, Địa chất, Dầu khí, Trắc địa - Bản đồ, Kinh tế, Công nghệ thông tin với tổng kinh phí hơn 160 tỷ đồng; cung cấp những giải pháp kỹ thuật quan trọng cho nhiều địa phương khác nhau trong cả nước; có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều tập đoàn kinh tế, các công ty trong cả nước.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ: Nhà trường luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ cả về số lượng lẫn chất lượng, quy hoạch lâu dài, cân đối và hợp lý cơ cấu cán bộ giữa hai khối giảng dạy và phục vụ giảng dạy theo phương châm chuẩn hoá, trẻ hoá và đảm bảo tính kế thừa, góp phần khắc phục sự hụt hẫng về đội ngũ cán bộ giảng dạy. Trong 5 năm gần đây, Nhà trường đã tuyển dụng được gần 400 cán bộ giảng dạy trẻ có đủ phẩm chất và năng lực, tuyển chọn, gửi đi đào tạo chuyên môn ở trong nước và nước ngoài, nhằm phục vụ cho sự phát triển của Nhà trường.

Cơ cấu học thuật và quản lý của Nhà trường ngày càng đi vào thế ổn định. Hiện nay Nhà trường 6 khoa chuyên môn, Khoa Đại học Đại cương, Khoa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa Giáo dục Quốc phòng, Khoa Tại chức với 54 Bộ môn chuyên môn, cơ bản, cơ sở; 15 Phòng, Ban và một số đơn vị trực thuộc trường.

Hiện nay Nhà trường có 809 Cán bộ Công chức. Trong đó có 527 Cán bộ Giảng dạy với 11 Giáo sư; 55 Phó Giáo sư; 177 Giảng viên chính và 2 Nhà Giáo Nhân dân, 24 Nhà giáo Ưu tú. Số Cán bộ Giảng dạy có trình độ trên đại học gồm 12 TSKH, 121 Tiến sĩ, 158 Thạc sỹ chiếm tỷ lệ 55,22% (291/527). Đây là một tỷ lệ tương đối cao trong các trường đại học trong cả nước.

Về hợp tác quốc tế: Trong 40 xây dựng và phát triển, Nhà trường đã chú trọng việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các đại học chuyên ngành ở Đông Âu, Tây Âu, Mỹ, Canađa, Nhật Bản, úc... nhằm đẩy nhanh quá trình hội nhập với nền khoa học kỹ thuật tiên tiến. Nhà trường đã có quan hệ chính thức với hơn 30 trường Đại học, các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp của các nước trong khu vực và thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tiếp cận với nền khoa học tiên tiến và thực hiện nhiều đề tài, dự án theo Nghị định thư của Chính phủ.

Trong suốt 40 năm qua, Nhà trường luôn coi trọng và quan tâm đến công tác chính trị tư tưởng. Các thầy giáo, cô giáo đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ của cuộc sống, giữ vững lương tâm nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, thi đua dạy tốt, cùng nhau xây dựng và từng bước hoàn thành mục tiêu đào tạo để phù hợp với quá trình đổi mới của đất nước. Các tổ chức đoàn thể đã tích cực hoạt động phối hợp với chính quyền phát huy năng lực sáng tạo của cán bộ, sinh viên trong lĩnh vực công tác của mình. Trường Đại học Mỏ - Địa chất là một tập thể đoàn kết nhất trí, là một khối thống nhất hành động, luôn gương mẫu, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, khắc phục mọi khó khăn và thử thách, vượt lên chính mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Từ truyền thống tốt đẹp của Nhà trường, cùng với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong 40 năm xây dựng và phát triển Nhà trường đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý mà đặc biệt năm 2004 được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới" và ngày 25 tháng 9 năm 2006, Chủ tịch Nước đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là vinh dự to lớn, niềm tự hào của nhiều thế hệ thầy, cô giáo, cán bộ viên chức và lớp lớp sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

40 năm xây dựng và phát triển Trường đã để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý báu:

1. Sự đoàn kết nhất trí và sự lãnh đạo vững vàng của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu qua các thời kỳ là động lực quyết định sự tồn tại và phát triển của Nhà trường.

2. Đội ngũ cán bộ của Nhà trường với phẩm chất chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, đồng bộ về ngành nghề là yếu tố cơ bản để Nhà trường có uy tín, xây dựng được thương hiệu của mình trong hệ thống các trường đại học trong cả nước.

3. Sự kế thừa và phát huy một cách hiệu quả truyền thống trong 40 năm qua là cơ sở vững chắc cho quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường.

4. Nắm vững và vận dụng kịp thời đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước trong công tác giáo dục để xây dựng các kế hoach và giải pháp phù hợp với hoàn cảnh của nền kinh tế thị trường là bước đi đúng đắn của Nhà trường trong thời gian qua nhằm nâng cao vị thế của trường trong xã hội, khu vực và trên thế giới.

..........................

Trên cơ sở quát triệt Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam, để triển khai thực hiện những nhiệm vụ phát triển giáo dục đại học trong giai đoạn từ nay đến 2020, để thực hiện quyết định 14/CP của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam và những chương trình công tác do Đại hội Đảng bộ nhà trường lần thứ XVII đề ra, Nhà trường cần tiếp tục phấn đấu giải quyết những vấn đề về đổi mới chương trình, nội dung phương pháp giảng dạy đại học, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ; đổi mới phương pháp dạy và học chuẩn bị tốt các điều kiện để từng bước triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ; nâng cao chất lượng đào tạo, chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hoá, phấn đấu đến năm 2010 đạt 100% giảng viên dạy lý thuyết có trình độ thạc sỹ trở lên. Phát triển và hoàn thiện hệ thống khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục. Mở rộng khuôn viên trường tại khu đô thị đại học Đông Ngạc, Từ Liêm. Từng bước có kế hoạch cụ thể xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất của Nhà trường theo định hướng chuẩn hoá và hiện đại hoá phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà trường cố gắng phấn đấu thực hiện các dự án có chất lượng và đúng tiến độ. Chuẩn bị tốt các điều kiện tham gia dự án giáo dục đại học cấp II, Dự án tăng cường về nguồn lực khoa học công nghệ. Triển khai tốt dự án 322 "Đào tạo cán bộ khoa học tại cơ sở nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước”; tiếp tục tìm kiếm các nguồn kinh phí, hỗ trợ từ các tổ chức trong nước và quốc tế để nâng cao trình độ cho cán bộ và công chức Nhà trường. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động khoa học công nghệ, phấn đấu để Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực sự là một trung tâm NCKH và chuyển giao công nghệ có chất lượng cao về các lĩnh vực chuyên môn của trường. Tăng cường công tác hợp tác quốc tế, tích cực trao đổi kinh nghiệm, học thuật; tăng cường liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín nước ngoài, tạo điều kiện cho cán bộ của mình có khả năng tham gia trao đổi về kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường tiên tiến trong khu vực và thế giới. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học.