Hạn chế lớn nhất hiện nay của Trường là thiếu nguồn nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng, cơ sở vật chất còn rất nhiều hạn hẹp (chủ yếu là thiếu phòng học, phòng thí nghiệm) đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của công tác đào tạo.
Tiêu chuẩn 4. Các hoạt động đào tạo
1. Những mặt mạnh
Hòa chung với phong trào cải cách sâu sắc và toàn diện ngành giáo dục nước ta nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội, Trường đại học Mỏ-Địa chất đã bước đầu thiết lập được cho mình một phương thức đào tạo phù hợp với thực tế. Đó là đa dạng hóa các loại hình đào tạo từ chính qui đến không chính qui, từ Cao đẳng đến Đại học, Sau đại học, mở rộng qui mô đào tạo bằng việc liên tục thành lập các cơ sở đào tạo tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhà trường đã và đang hợp tác với các trường đại học lớn trên toàn quốc và thế giới như: Nga, Trung Quốc, Ba Lan, Anh, Pháp... đồng thời cũng đa dạng hóa các ngành nghề chuyên môn trong lĩnh vực: Mỏ, Dầu khí, Địa chất, Trắc địa, Cơ điện... giúp cho người học có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp đáp ứng với nhu cầu xã hội và tiếp cận được với công nghệ cao trên thế giới. Bên cạnh đó Nhà trường đã thiết lập được một hệ thống quản lý điểm thi, cấp bằng chứng chỉ cho người học có chất lượng cao và hiệu quả, đặc biệt là có sự hỗ trợ đáng kể về công nghệ thông tin và giải pháp đảm bảo an toàn cho dữ liệu cho nên không có sự sai sót, thất lạc về điểm và cấp phát văn bằng. Như vậy, Trường đã có một hướng đi mới tích cực và đúng đắn trong công tác đào tạo nhằm đưa Trường đến một tầm cao mới thỏa mãn xu thế phát triển chung của toàn xã hội.
2. Tồn tại và kế hoạch
Hạn chế lớn nhất hiện nay của Trường là thiếu nguồn nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng, cơ sở vật chất còn rất nhiều hạn hẹp (chủ yếu là thiếu phòng học, phòng thí nghiệm) đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của công tác đào tạo.
Sự phối hợp giữa các đơn vị trong trường như giữa các bộ môn, các khoa, các phòng, ban chưa được nhịp nhàng và đồng bộ nên đã tạo ra những khó khăn nhất định cho việc phát triển các phương thức đào tạo.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số môn học không đảm bảo thời gian chấm và tra điểm theo quy định đã làm ảnh hưởng đến các kế hoạch khác như: xử lý năm học, thi lại lần 2.... Mức độ yêu cầu đối với bài tiểu luận hoặc đồ án môn học chưa đạt hiệu quả cao.
Để thực hiện việc áp dụng chuẩn mực chung về chương trình đào tạo và kiểm tra, đánh giá đối với các phương thức tổ chức đào tạo khác nhau, Trường sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn mang tính pháp quy và ban hành rộng rãi trong toàn Trường
Tiếp tục triển khai chương trình đổi mới phương pháp dạy và học với những nội dung cụ thể: Đổi mới phương pháp truyền đạt bảo đảm tính chủ động của sinh viên; thay đổi cơ cấu giờ giảng với việc tăng cường thảo luận, bài tập và thực hành.
Hoàn thành việc biên soạn lại đề cương của các môn học, thống nhất được bộ mã số cho các môn học và cán bộ nhằm tạo điều kiện cho đổi mới công tác quản lí đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Nhà trường sẽ thường xuyên tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá mức độ tin cậy và tính phù hợp của các phương pháp đánh giá đối với từng học phần áp dụng cho từng loại hình đào tạo. Thường xuyên điều tra mức độ tích lũy của người học về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề.
Nhà trường sẽ đầu tư công nghệ thông tin và phần mềm quản lí thích hợp, đưa toàn bộ thông tin về quản lí sinh viên, chương trình đào tạo, đề cương môn học và điểm học tập của sinh viên theo dạng mở giúp người học và các thầy cô giáo có thể chủ động trong các khâu này.
Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất để xây dựng thêm nhiều phòng học, phòng thí nghiệm. Đồng thời tăng cường biện pháp thực hiện đúng quy chế về đào tạo hệ đại học trong đội ngũ các giáo viên và toàn bộ sinh viên trong trường nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy học và học tập theo đúng quy chế, định hướng chung, chiến lược phát triển của Trường cũng như của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
(còn tiếp)