Hội nghị quốc tế về Hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Ba Lan và Việt Nam lần thứ IV (Pol-Viet 2017) được tổ chức thành công tốt đẹp

12/12/2017

Từ ngày 20-24/11/2017, tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH Kraków, Ba Lan (AGH-UST) đã diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ IV về Hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Ba Lan và Việt Nam (Pol-Viet 2017) trong các lĩnh vực như: Khoa học về Trái đất, Công nghệ vật liệu, Vật lý ứng dụng và Khoa học xã hội....

Tiếp nối thành công của Hội nghị Quốc tế lần thứ III về Hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Ba Lan (Viet-Pol 2016) , Hội nghị Quốc tế về Hợp tác nghiên cứu khoa học Ba Lan – Việt Nam lần thứ IV (PolViet 2017) đã được tổ chức thành công từ ngày 20-24/11/2017 tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH, Krakow, Ba Lan (AGH-UST).

Hội nghị đã thu hút hơn 100 nhà khoa học từ các Trường Đại học và các Viện nghiên cứu của Việt Nam và Ba Lan. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, đã có 82 báo cáo được trình bày trong đó có 56 báo cáo tại 12 Tiểu ban (Địa chất, Địa chất du lịch, Địa vật lý, Vật lý ứng dụng, Vật liệu nano, Trắc địa Công trình, Trắc địa Mỏ, Khai thác Mỏ, Kỹ thuật khoan, Bảo vệ môi trường, Khoa học xã hội, Giáo dục và Hợp tác quốc tế) và 26 báo cáo được trình bày dưới dạng poster trong đó có nhiều báo cáo của các nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Ba Lan. Qua đây, Hội nghị cũng đã tổng hợp tình hình hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH và nhiều cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu của Việt Nam.

 

Toàn cảnh Hội nghị quốc tế Việt Nam - Ba Lan (Pol-Viet 2017)

Về phía Ba Lan, tham dự Hội nghị có GS. TSKH Tadeusz Słomka - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH (AGH-UST), ThS Marta Foryś Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế của Trường AGH-UST cùng các cán bộ, giảng viên của Trường AGH cùng với các NCS Ba Lan đang theo học tại Trường.

Tham dự Hội nghị phía Việt Nam có PSG.TS Trần Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất (HUMG), ThS Hồ Chí Hưng - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ba Lan, TS Trần Tú Ba - Viện Trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin, PGS.TS Nguyễn Văn Giảng - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng nhiều cán bộ giảng dạy của HUMG và các viện nghiên cứu, trường Đại học khác của Việt Nam và các học viên cao học, nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại AGH - UST.

 Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS Tadeusz Słomka – Hiệu trưởng trường Đại học AGH UST và PGS.TS Trần Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã nêu lên tính quan trọng và những hiệu quả thiết thực của sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học giữa các cơ quan khoa học của hai quốc gia, đặc biệt thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế và cho rằng Hội nghị sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học Việt Nam và Ba Lan giới thiệu các nghiên cứu mới nhất trong nhiều chuyên ngành khác nhau về lĩnh vực khoa học địa chất, thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo về Khoa học trái đất, địa chất khoáng sản, khai thác mỏ, công nghệ mới trong địa chất và khoa học vật liệu ứng dụng.

 

GS. Tadeusz Słomka-Hiệu trưởng Trường AGH-UST đọc diễn văn khai mạc Hội nghị

PGS. TS Trần Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỏ - Địa chất phát biểu tại Hội Nghị

PGS. TS Trần Thanh Hải trao tặng quà lưu niệm cho GS. Tadeusz Słomka - Hiệu trưởng Trường AGH-UST

PGS.TS Nguyễn Văn Giảng trao bằng khen và kỷ niệm chương của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN cho Hiệu trưởng Tadeusz Słomka về các thành tích của Hiệu trưởng trong hợp tác khoa học với Viên Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

            GS Tadeusz Słomka-Hiệu trưởng trường AGH-UST phát biểu khai mạc Hội nghị. Ngay sau lễ khai mạc là phiên làm việc  tại Tiểu ban với chủ đề Geology 1 và Geophysics 1. Tại đây các nhà khoa học của hai nước đã trình bày các báo cáo công bố các kết quả nghiên cứu trong hai lĩnh vực là Địa chất và Địa vật lý. Các báo cáo đều liên quan trực tiếp đến các đề tài nghiên cứu khoa học của Việt Nam và Ba Lan bao gồm cả các lĩnh vực mang tính thời sự như Vật lý vi sinh, Vật liệu nano. Trong số các báo cáo tại Hội nghị có nhiều báo cáo được trình bày bởi các nghiên cứu sinh và thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Ba Lan.

TS Nguyễn Thị Hoài Nga trình bày báo cáo tại Hội nghị
NCS Dương Văn Hào - một trong những NCS của HUMG đang theo học tại AGH-UST trình bày báo cáo tại Hội nghị
Các đại biểu trao đổi về chuyên môn giữa giờ nghỉ giải lao

              Chương trình chính thức của Hội nghị tiếp tục kéo dài tử 21-22/11/2017 với 6 tiểu ban chuyên môn, bao gồm: Humanities, Education, Cooperation; Geology 2, Geoturism; Geophysics 2; Geodesy and Mining surveying; Mining and Drilling; Applied physics, Materials engineering. Sau khi kết thúc phiên làm việc tại các Tiểu ban chương trình Hội nghị được tiếp tục diễn ra bằng chuyến đi thực tế tại Công ty SAG và đi thực địa tại miền núi Zakopane trong hai ngày 23-24/11/2017 với sự tham gia của các nhà khoa học hai bên.

               Hội nghị thành công tốt đẹp và kết thúc vào chiều ngày 24/11/2017.

 

KHQT