Thông báo phát động Cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp HUMG 2018"

12/10/2018

Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 của Bộ GD&ĐT về việc triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”;

Triển khai kế hoạch hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của Nhà trường và hưởng ứng Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2018” (SWIS-2018) do Bộ GD&ĐT tổ chức, Trường đại học Mỏ - Địa chất phát động Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp HUMG 2018 tới toàn thể sinh viên trong Trường.

Theo đó, khuyến khích sinh viên hoặc nhóm sinh viên thuộc các ngành đào tạo trong toàn trường đăng ký dự thi theo đơn vị Khoa chủ quản. Sau đó các Khoa sẽ lựa chọn những ý tưởng, dự án có tính khả thi cao và chuyển lên BTC Cuộc thi cấp Trường trước ngày 31/10/2018 để tham gia vòng thi Chung kết cấp Trường, dự kiến sẽ diến ra vào ngày 09/11/2018.

Kết thúc Cuộc thi cấp Trường, BTC sẽ chuyển tiếp 02 ý tưởng, dự  án suất sắc nhất để tham dự vòng thi cấp quốc gia sẽ được tổ chức vào tháng 12/2018. (Chi tiết xem file đính kèm bên dưới).

Gợi ý trình bày bản thuyết minh dự án như sau:

+ Phân khúc khách hàng: Dự án tạo ra giá trị cho những đối tượng nào? Chỉ ra đối tượng khách hàng quan trọng nhất của dự án.

+ Mục tiêu, giá trị, tầm nhìn: những giá trị mà dự án đem lại cho khách hàng; những vấn đề dự án có thể giải quyết giúp khách hàng; sản phẩm cốt lõi của dự án; giải pháp mới, tính sáng tạo của dự án; lý do khách hàng chọn sản phẩm, giải pháp của dự án thay vì lựa chọn các sản phẩm khác.

+ Các kênh truyền thông: Dự kiến kênh truyền thông để tiếp cận khách hàng, đánh giá hiệu quả của kênh truyền thông đó.

+ Quan hệ khách hàng: mô tả các loại quan hệ khách hàng mà dự án muốn thiết lập với các phân khúc khách hàng chính. Giải pháp giữ chân khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới.

+ Nguồn lực chính: mô tả các nguồn lực quan trọng để hoạt động kinh doanh của dự án có thể tồn tại (tiền vốn, các nguồn lực khác như: nhân lực, tài nguyên, môi trường, nguồn tri thức, bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ,..).

+ Hoạt động chính: mô tả các hoạt động quan trọng nhất mà dự án cần triển khai để duy trì, phát triển công việc kinh doanh (phát triển nền tảng, xây dựng trung tâm dữ liệu, xây dựng chuỗi phân phối sản phẩm…).

+ Đối tác chính: mô tả các nhà cung cấp nguồn lực và các đối tác giúp công việc kinh doanh của dự án được triển khai hiệu quả và có thể phát triển nhanh, bền vững.

+ Cấu trúc chi phí: mô tả tất cả các chi phí cần thiết để duy trì và vận hành công việc kinh doanh trên nền tảng phát triển dự án. Chi phí quản trị điều hành, chi phí tiếp thị bán hàng, chi phí nghiên cứu phát triển dự án.

+ Doanh thu, lợi nhuận dự kiến: Phân tích, đánh giá nguồn doanh thu chính của dự án; dự kiến lợi nhuận, thời gian hoàn vốn; đánh giá khả năng tăng trưởng của dự án; đánh giá các chỉ số tài chính cơ bản của dự án cho từng năm.

+ Trong trường hợp mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội cần phải thể hiện rõ số lượng và chất lượng của tác động xã hội.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ BTC: ThS Phạm Quang Ba, PGĐ Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, Phòng A1.16, Nhà A, ĐT 024. 3757 4219

Trân trọng ./.

Quang Ba

File đính kèm