Trường Đại học Mỏ - Địa chất tiếp nhận và vận hành hệ thí nghiệm vê hydrat khí do Đại học Mỏ Quốc gia St. Etienne, Pháp tài trợ

19/05/2019

Theo văn bản thỏa thuận trao tặng được ký giữa Trường Đại học Mỏ Quốc gia Saint-Etienne (EMSE, Pháp) và Trường Đại học Mỏ - Địa chất (HUMG, Việt Nam) vào ngày 05/7/2018, Đại học Mỏ Quốc gia tại Saint-Etienne đã tặng một hệ thiết bị phản ứng áp suất cao về hydrat khí cho Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Hệ thí nghiệm này dùng để phát triển một phòng thí nghiệm về hydrat đầu tiên tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất (HHLAB), phục vụ cho việc trao đổi khoa học và học thuật (giảng viên, sinh viên, thạc sỹ, nghiên cứu sinh) giữa hai Trường.

Lễ trao tặng tượng trưng hệ thiết bị đã được tổ chức vào ngày 07/3/2019 giữa Trường Đại học Mỏ Quốc gia Saint-Etienne và Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Trong sự kiện này, Giáo sư Jean-Michel HERRI (Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học (SPIN), Trường Đại học Mỏ Quốc gia Saint-Etienne) đã đại diện đơn vị tài trợ trao văn bản gốc thỏa thuận trao tặng được ký giữa hai Trường và bảng trao tặng hệ thiết bị cho Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mỏ-Địa chất, PGS.TS. Trần Xuân Trường, đại diện cho Trường Đại học Mỏ - Địa chất, cảm ơn Giáo sư Jean-Michel HERRI và Trường Đại học Mỏ Quốc gia Saint-Etienne và bày tỏ sự tin tưởng vào sự hợp tác hiệu quả giữa hai Trường trong tương lai gần. 

 

Giáo sư Jean-Michel HERRI đại diện đơn vị tài trợ trao văn bản gốc thỏa thuận trao tặng được ký giữa hai Trường và bảng trao tặng hệ thiết bị cho PGS.TS Trần Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Mỏ - Địa chất

 

Ngày 10/05/2019, hệ thí nghiệm về hydrat khí đã được vận chuyển về tới Hà Nội, lắp đặt và thử nghiệm thành công, chính thức đi vào hoạt động tại Phòng thí nghiệm Lọc-Hóa dầu dưới sự chứng kiến của GS. TS Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ-Địa chất; PGS.TS Nguyễn Thế Vinh - Trưởng Khoa Dầu khí; TS Nguyễn Thạc Khánh - Phó Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ; PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng bộ môn Lọc-Hóa dầu và Chánh văn phòng Chương trình tiên tiến về Kỹ thuật hóa học và các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Mỏ-Địa chất.  Tại đây, TS Phạm Trung Kiên - một trong những người có nhiều đóng góp để đưa hệ thiết bị thí nghiệm về Việt Nam đồng thời cũng từng là nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Mỏ Quốc gia Saint Etienne đã giới thiệu cách sử dụng và kế hoạch nghiên cứu đối với hệ thí nghiệm này (như xử lý nước, phân tách và tồn chứa khí (CO2, khí tự nhiên,…), đảm bảo dòng chảy, thu hồi hydrat tự nhiên,…). Các thông tin này đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giảng viên và sinh viên trong Trường. GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu Trưởng Nhà trường, đã đánh giá cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu về hydrat khí và gửi lời chúc mừng bộ môn Lọc-Hóa dầu về hệ thiết bị hiện đại này. Hiệu trưởng khẳng định luôn sẵn sàng hỗ trợ dự án phòng thí nghiệm về hydrat khí và hy vọng rằng hệ thí nghiệm này sẽ được sử dụng một cách hiệu quả.

 

Hệ thí nghiệm về hydrat khí đã được vận chuyển về tới Hà Nội, lắp đặt và thử nghiệm thành công, chính thức đi vào hoạt động tại Phòng thí nghiệm Lọc-Hóa dầ

 

Hiện tại, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã trở thành một đối tác chiến lược và toàn diện với Trường Đại học Mỏ Quốc gia Saint-Etienne. Giáo sư Jean-Michel HERRI (https://www.linkedin.com/in/jean-michel-herri-346a2b19/) là người đầu tiên thiết lập mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai Trường. Giáo sư Jean-Michel HERRI đã hướng dẫn 03 nghiên cứu sinh cho Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội (06 nghiên cứu sinh và 01 thạc sỹ cho Việt Nam) và là diễn giả và chủ tịch tiểu ban Dầu khí trong hai hội thảo tại Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội (năm 2016 và 2017). Giáo sư Jean-Michel HERRI cũng chính là cầu nối để Trường Đại học Mỏ - Địa chất đang trong quá trình được xét duyệt để trở thành thành viên của chương trình Erasmus+ Mundus (trao đổi giảng viên và sinh viên) và French IMT Consortium với 06 đại học của Việt Nam.

Dự án (30,000 EUR) về trao đổi nghiên cứu và học thuật giữa hai Trường đã được chấp nhận và phê chuẩn bởi vùng Auvergne-Rhone-Alpes, Pháp (các thành viên trong dự án: Tiến sỹ Bouillot, Giáo sư Ballerat-Busserolles, Bà Florence Granger, Giáo sư Jean Michel Herri, Tiến sỹ Lê Quang Duyến, Tiến sỹ Phạm Trung Kiên và Nghiên cứu sinh Hồ Văn Sơn). Trong thời gian từ ngày 04/3 đến ngày 08/3/2019), Giáo sư Jean-Michel Herri đã tham gia giảng dạy cho Chương trình tiên tiến và thảo luận về phát triển phòng thí nghiệm hydrat và về trao đổi nghiên cứu và học thuật, theo văn bản thỏa thuận ký giữa hai Trường (2013) và về dự án của vùng Auvergne-Rhone-Alpes. Bên cạnh đó, sinh viên Ngô Văn Hiếu, K5 của Chương trình tiên tiến đã được đã được dự án tài trợ đi thực tập ba tháng tại Khoa Kỹ thuật hóa học (SPIN), Trường Đại học Mỏ Quốc gia Saint-Etienne, với tổng chi phí lên đến 1000 EUR/tháng. Đến cuối năm 2019, một hoặc hai giáo sư từ Trường Đại học Mỏ Quốc gia Saint-Etienne sẽ đến giảng dạy cho Chương trình tiên tiến.

Giáo sư Jean-Michel Herri mong muốn tuyển 2-3 sinh viên xuất sắc/năm để tham gia Chương trình Master về Kỹ thuật hóa học tại Trường Đại học Mỏ Quốc gia Saint-Etienne. Nếu các bạn sinh viên quan tâm, thông tin về chương trình Master, theo đường link sau:

https://www.mines-stetienne.fr/en/formation/msc-process-engineering-industrial-energy-efficiency-pei2e/

P. HTQT