Nghiệm thu cấp Cơ sở nhiệm vụ KHCN theo Nghị định thư mã số NĐT.02.GER/15 do PGS.TS Phan Quang Văn chủ trì

30/10/2019

Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Cơ sở nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư  "Hợp tác nghiên cứu thành phần vật chất, đề xuất quy trình công nghệ chế biến, định hướng phương pháp khai thác và bảo vệ môi trường mỏ đất hiếm Nậm Xe, tỉnh Lai Châu, Việt Nam

Mã số: NĐT.02.GER/15

Thời gian thực hiện: 12/2015 đến 10/2019

Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Phan Quang Văn

Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Thời gian nghiệm thu: 9h00' ngày 01 tháng 11 năm 2019 (Thứ Sáu)

Địa điểm: Phòng họp Thuận Thành, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Phường Đức Thắng - Quận Bắc Từ Liêm - TP Hà Nội;

Trân trọng kính mời các đại biểu và nhà khoa học quan tâm tới dự.

THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

- Làm rõ được đặc tính khoáng vật khoáng sàng đất hiếm mỏ Nậm Xe;

- Tiếp nhận quy trình công nghệ tuyển luyện và tách đơn nguyên tố đất hiếm từ quặng của mỏ Nậm Xe; Trong đó nêu rõ quy trình tách urani, thori khỏi tinh quặng REE mỏ Nậm Xe

- Đề xuất được quy trình công nghệ khai thác, tuyển và luyện đất hiếm tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam

- Đề xuất giải pháp phục hồi môi trường sau khi mỏ đóng cửa

Kết quả nghiên cứu:

Khai thác và sử dụng các nguyên tố đất hiếm của mỏ Nậm Xe có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh sự phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao của thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng. Các sản phẩm chiết tách từ đất hiếm mỏ Nậm Xe có thể được ứng dụng trực tiếp trong nước hoặc xuất khẩu đến các nước tiên tiến, đóng góp cho sự phát triển của xã hội và nền kinh tế quốc dân.

Nhiệm vụ nghiên cứu có đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường thông qua đánh giá hiện trạng môi trường nền của khu vực nghiên cứu, đề xuất giải pháp phục hồi môi trường sau khi mỏ đóng cửa đối với khai thác khoáng sản có yếu tố phóng xạ có ý nghĩa thiết thực và bền vững môi trường.

- Báo cáo tổng quan đất hiếm Việt Nam sẽ thể hiện các khu vực có khoáng vật đất hiếm và các đặc điểm thành tạo đất hiếm, tiềm năng khai thác và sử dụng đất hiếm hiện có trên lãnh thổ Việt Nam và là tài liệu cần thiết trong dự báo khả năng cung cấp các nguyên tố đất hiếm cho phát triển kinh tế - xã hội của nước ta;

- Báo cáo đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế xã hội và đặc điểm cấu tạo địa chất mỏ Nậm Xe;

- Nghiên cứu đánh giá đặc tính khoáng vật của mỏ Nậm Xe cho thấy tiềm năng khai thác và sử dụng khoáng vật đất hiếm từ mỏ Nam và Bắc Nậm Xe, trên cơ sở đó giúp các doanh nghiệp có tài liệu thiết kế xác định qui trình công nghệ khai thác và tuyển quặng đất hiếm phục vụ phát triển đất nước;

- Từ các nghiên cứu xác định các đặc tính khoáng vật của mỏ Nậm Xe sẽ đề xuất quy trình công nghệ tuyển luyện và tách đơn nguyên tố đất hiếm từ quặng của mỏ Nậm Xe, giúp các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài phối hợp khai thác và tuyển quặng đất hiếm Nậm Xe sau này;

- Báo cáo hiện trạng môi trường khu vực mỏ Nậm Xe được thực hiện thông qua các công tác khảo sát, đánh giá môi trường nền, làm tài liệu phục vụ cho công tác thiết kế khai thác và tuyển quặng đất hiếm Nậm Xe, đảm bảo bền vững môi trường;

- Thông qua các nghiên cứu dự báo thành phần, trữ lượng các nguyên tố đất hiếm và định hướng khai thác hợp lý khoáng sản đất hiếm Nậm Xe và phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ, giúp các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có thể hợp tác khai thác và sử dụng đất hiếm khoáng sàng Nậm Xe sau này.

 Sản phẩm của đề tài:

- 100 gram Urani kỹ thuật (75 % U3O8)

- Báo cáo tổng quan đất hiếm Việt Nam

- Báo cáo đánh giá đặc điểm địa chất khoáng sàng của mỏ Nậm Xe

- Quy trình công nghệ tuyển và tách đơn nguyên tố đất hiếm từ quặng của mỏ Nậm Xe

- Quy trình tách urani, thori từ quá trình xử lý tinh quặng đất hiếm

- Số liệu hiện trạng môi trường khu vực mỏ Nậm Xe

- Tập tài liệu định hướng phương pháp khai thác và đề xuất giải pháp phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ

- 02 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế (chuẩn ISI/tạp chí tại Đức/Việt Nam)

- 03 bài báo công bố trên các tạp chí/sách chuyên ngành trong nước (chuẩn ISSN, ISBN)

- Hỗ trợ 01 Nghiên cứu sinh (Kỹ thuật môi trường/ Khai thác mỏ/ Tuyển khoáng/ Địa chất)

- Đào tạo 02 Thạc sĩ (Kỹ thuật môi trường/ Khai thác mỏ/ Tuyển khoáng/ Địa chất)

Phòng KHCN