Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho ra đời nhiều công trình khoa học có giá trị cao

14/04/2021

Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học đã cho ra đời nhiều sản phẩm trí tuệ góp phần làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Trường Đại học Mỏ - Địa chất được đánh giá là 1 trong 12 trường đại học của Việt Nam với nhiều thành tựu về học thuật, nhiều công trình khoa học có giá trị cao, có thể áp dụng vào thực tiễn.

Một trong những sản phẩm khoa học đó được Văn phòng thường trực, Ban Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái đồng ý tiếp nhận vào áp dụng ở tỉnh năm 2020. Đó là đề tài “Nghiên cứu xây dựng bản đồ phân vùng và cảnh báo lũ quét độ phân giải cao cho một số tỉnh vùng Tây Bắc nhằm tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai của cộng đồng, phục vụ xây dựng nông thôn mới” do TS. Nguyễn Viết Nghĩa – Khoa Trắc địa Bản đồ và Quản lý đất đai làm chủ nhiệm. Đề tài đã ứng dụng công nghệ 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tối ưu hóa. Từ đó, xây dựng được bản đồ phân vùng và cảnh báo lũ quét đạt yêu cầu độ chính xác tỉ lệ bản đồ 1:50.000.

Bản đồ lũ quét Việt Nam
Mô hình RF cho cảnh báo lũ quét tại tỉnh Yên Bái và Sơn La

Trong điều kiện vô cùng khó khăn khi Việt Nam còn thiếu các trạm quan trắc, đề tài đã có hướng tiếp cận hoàn toàn mới khi giải quyết được những hạn chế. Thay vào đó, sử dụng dữ liệu viễn thám trực tiếp kết hợp với hệ thống thông tin địa lý, bản đồ số; giúp đánh giá độ chính xác bản đồ cảnh báo và phân vùng lũ quét khách quan. Đồng thời, xây dựng được phần mềm Vflashflood có thể cài đặt trên các thiết bị di động có hệ điều hành IOS – VIFM giúp người dân có thể truy cập thuận lợi cũng như có phương án phòng chống thiên tai và giảm thiểu thiệt hại tối đa.

Với chiến lược phát triển Trường Đại học Mỏ - Địa chất tầm nhìn 2030, Nhà trường tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình để cho ra đời các sản phẩm nghiên cứu khoa học có giá trị thuộc lĩnh vực khoa học trái đất và mỏ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Mô hình Random Forest (rừng ngẫu nhiên) trong cảnh báo lũ quét
Mô hình ANN sử dụng cho thành lập mô hình cảnh báo lũ quét

 

Phòng QHCC & DN

(Hồng Hạnh)

File đính kèm