Tới dự Hội nghị và Lễ kỷ niệm có PGS.TS Nguyễn Trọng Tín, Chủ tịch Hội Địa chất Dầu khí; TS. Nguyễn Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí; Ông Nguyễn Hữu Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Sông Hồng; Ông Vũ Việt Hưng, Giám đốc dự án lô 01-02/97, Tổng Cty thăm dò khai thác dầu khí PVEP; Ông Nguyễn Duyên Hiếu, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần vận tải dầu khí; Ông Bùi Trí Tâm, Giám đốc Trung tâm lưu trữ dầu khí; có nhiều đồng chí lãnh đạo đại diện các Trung tâm, Ban, Phòng thuộc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí, Cửu Long JOC, Hoàng Long - Hoàn Vũ JOC; đại diện các cơ quan, công ty, các viện nghiên cứu, các trường bạn; đại diện các thế hệ sinh viên, NCS ngành Địa chất dầu khí.
Về phía Trường Đại học Mỏ - Địa chất có các đồng chí nguyên lãnh đạo Nhà trường qua các thời kỳ; có PGS.TS Trần Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS Triệu Hùng Trường, UV BTV Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Hoàng Anh Dũng - Chủ tịch Công Đoàn Trường; ThS. Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Đoàn thanh niên Trường; đại diện các Phòng, Khoa, Ban, Trung tâm, các bạn đồng nghiệp tới dự.
Về phía Khoa Dầu khí có các đồng chí nguyên lãnh đạo Khoa, lãnh đạo Bộ môn Địa chất Dầu khí qua các thời kỳ; có TS. Lê Quang Duyến, Phó Trưởng Khoa Dầu khí cùng các đồng chí trong Đảng ủy, Ban chấp hành Công đoàn Khoa, Ban chấp hành Chi đoàn thanh niên, Đại diện lãnh đạo các Bộ môn trong Khoa Dầu khí; cán bộ viên chức khoa và sinh viên tham dự.
Hội nghị khoa học - đào tạo Địa chất Dầu khí nhân kỷ niệm 45 năm đào tạo ngành Địa chất Dầu khí (1977-2022) nhằm thúc đẩy hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Nhà trường và các cơ sở sản xuất, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo khác ở Việt Nam. Ban tổ chức đã nhận được tổng số 18 bài báo gửi về tham dự Hội nghị từ các nhà khoa học đang công tác tại VPI-EPC; PVEP-POC; PVEP-ITC; PVEP Song Hong; PVEP-Blocks 01/97&02/97 Project; Cuu Long JOC; Hoang Long-Hoan Vu JOC; Zarubezhneft EP Vietnam; HUMG-AC và HUMG-FOP. Ban khoa học của Hội nghị đã hoàn thành việc biên tập, đọc bình duyệt và hiệu đính theo Quy định của Tạp chí Journal of Mining and Geology. Số Chuyên đề Tiếng Anh Advanced Petroleum Geoscience Studies là công bố khoa học chính thức của Hội nghị, gồm có 14 bài (135 trang) trên tổng số 18 bài đã nhận được. Kỷ yếu của Hội nghị chỉ in 18 Tóm tắt bài báo khoa học. Tất cả 18 bài báo đều tham gia phần Poster Presentation.
Có 3 báo cáo được trình bày trong Hội nghị, đó là: 1) Công tác đào tạo Địa chất dầu khí và định hướng phát triển trong giai đoạn mới (Phạm Văn Tuấn, Trưởng Bộ môn Địa chất Dầu khí, HUMG-FOP); 2) Chuyển đổi số trong thăm dò và khai thác dầu khí (Nguyễn Anh Đức, Ban Chiến lược, PVN); 3) Công tác nghiên cứu và đào tạo tại Viện Dầu khí Việt Nam thích ứng với chiến lược chuyển đổi số của PetroVietnam (Nguyễn Thanh Tùng, Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, VPI). Mỗi báo cáo được trình bày 15 phút theo Chương trình của Hội nghị.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, TS Phạm Văn Tuấn, Trưởng bộ môn Địa chất Dầu khí đã điểm lại những cột mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Bộ môn. Từ khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ còn mỏng, điều kiện giảng dạy và học tập còn thiếu thốn nhưng với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, các thầy cô đã xây dựng Bộ môn có mô hình đào tạo và cơ cấu học thuật ngành Địa chất Dầu khí hoàn chỉnh, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bộ môn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo và NCKH. Cụ thể, Bộ môn đã đào tạo được 21 tiến sỹ, 8 thạc sỹ và 805 kỹ sư. Các cựu sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Bộ môn đã và đang công tác, giữ nhiều vị trí chủ chốt trong ngành dầu khí ở khắp mọi miền tổ quốc. Cán bộ của Bộ môn đã giảng dạy một số môn học cho các ngành Địa vật lý, Khoan – Khai thác dầu khí; tham gia giảng dạy các khóa học ngắn hạn phổ biến hoặc nâng cao kiến thức; tham gia Hội đồng trữ lượng cấp Nhà nước; chủ trì nhiều đề tài NCKH các cấp, hợp đồng sản xuất; tác giả hơn 100 bài báo đăng trên tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước. Với những nỗ lực đó, Bộ môn và các cán bộ viên chức của Bộ môn đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Huy chương vì sự nghiệp địa chất, Huy chương vì sự nghiệp dầu khí, Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo. Tất cả những thành tựu ấy là kết quả của sự đoàn kết, trí tuệ, trách nhiệm, sự nỗ lực của tập thể cán bộ Bộ môn Địa chất dầu khí qua nhiều thế hệ.
Ghi nhận những đóng góp của Bộ môn Địa chất dầu khí, PGS.TS Triệu Hùng Trường – Phó Hiệu trưởng đã thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu chúc mừng những thành tích mà các thế hệ, giảng viên, sinh viên của Bộ môn đã đạt được. Để giữ vững sự ổn định và phát triển, vượt qua những thách thức, thầy mong muốn Bộ môn thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ; nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường công tác NCKH gắn với thực tiễn và xây dựng Bộ môn thành trung tâm NCKH và chuyển giao công nghệ có hiệu quả trong lĩnh vực ĐCDK.
Trong bài phát biểu của mình, PGS.TS Nguyễn Trọng Tín – Chủ tịch Hội Địa chất Dầu khí, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí đã gửi lời chúc mừng 45 năm thành lập Bộ môn. Ông đánh giá cao tinh thần hợp tác trong nhiều năm qua ở lĩnh vực đào tạo, phổ biến kiến thức, trao đổi học thuật, NCKH giữa Bộ môn và Hội Địa chất Dầu khí, đã gặt hái được nhiều thành công và đã đóng góp nhất định cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Ông cho rằng khoa học Địa chất Dầu khí là một bộ môn triết học của các khoa học trái đất. Để thăm dò, đánh giá và khai thác hiệu quả dầu khí, nhu cầu về cán bộ thăm dò và khai thác dầu khí hiện nay vẫn còn thiếu. Đây chính là cơ hội, điều kiện của Bộ môn trong tương lai. Vì vậy, các em sinh viên hãy tin tưởng và đến với Bộ môn Địa chất dầu khí. Nơi đây đã đào tạo rất nhiều cán bộ cho ngành Dầu khí nói chung, là thành viên Hội Địa chất Dầu khí nói riêng.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Bộ môn, TS Lê Trung Tâm – Trưởng phòng Địa chất công nghệ mỏ, Công ty TNHH MTV Thăm dò khai thác dầu khí trong nước, nguyên là sinh viên ĐCDK Khóa 45 và NCS của Bộ môn, phát biểu thay mặt cho các thế hệ sinh viên ngành Địa chất Dầu khí, đã rất xúc động khi trở về Trường; tự hào là những thế hệ sinh viên đã tốt nghiệp từ Bộ môn, công tác ở nhiều nơi trên cả nước, có những đóng góp cho sự nghiệp thăm dò và khai thác dầu khí và các lĩnh vực kinh tế trọng điểm khác của đất nước. Dù ở đâu, các anh vẫn luôn ghi nhớ công ơn các thầy cô. Anh đã thay mặt các thế hệ sinh viên xin tri ân các thầy cô, xin chúc Bộ môn luôn phát triển, gặt hái thêm nhiều thành công trong đào tạo và NCKH.
Hình ảnh về buổi Lễ được ghi lại dưới đây:
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm
TS Phạm Văn Tuấn - Trưởng Bộ môn Địa chất dầu khí đọc diễn văn kỷ niệm
PGS.TS Triệu Hùng Trường - Phó Hiệu trưởng ghi nhận những thành tích đã đạt được của Bộ môn ĐCDK
TS. Lê Quang Duyến phát biểu chúc mừng
PGS.TS Nguyễn Trọng Tín - Chủ tịch Hội Địa chất dầu khí phát biểu tại buổi Lễ
TS Lê Trung Tâm – Cựu sinh viên ĐCDK K45 tri ân các thầy cô
Lãnh đạo Bộ môn ĐCDK tri ân Lãnh đạo Nhà trường qua các thời kỳ
Tri ân Lãnh đạo Bộ môn ĐCDK qua các thời kỳ
Bó hoa tươi thắm được gửi tặng Lãnh đạo trường thay lời tri ân
Hình ảnh cán bộ viên chức Bộ môn ĐCDK hiện nay