Tới dự sự kiện có GS.TS Bùi Xuân Nam - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát – Trưởng phòng Đào tạo cùng đại diện Đoàn Thanh niên, Phòng CTSV. Về phía FUNiX có ông Nguyễn Thành Lâm - Giám đốc FUNiX HCM, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, Bà Lê Minh Đức - Giám đốc Thương mại FUNiX cùng các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu về công nghệ.
Một số hình ảnh tại Sự kiện:
8h45 sáng nay, hội trường tầng 2 ĐH Mỏ - Địa chất đã không còn chỗ trống. Trước sức hút của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sinh viên chuyên ngành CNTT tại trường đã nhanh chóng có mặt, chọn lựa chỗ ngồi đẹp nhất để có thể tiếp thu được những trải nghiệm, kiến thức quý báu từ các chuyên gia, diễn giả.
Phát biểu tại sự kiện, GS. Bùi Xuân Nam cho biết: "Sự kiện Thanh niên 4.0 là chương trình ý nghĩa cho sinh viên không chỉ đam mê công nghệ mà còn ở các lĩnh vực khác như kinh tế, đời sống, xã hội. Do vậy, với sinh viên chuyên ngành CNTT, đây là cơ hội để học tập, rèn luyện và trau dồi kinh nghiệm trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghệ 4.0".
Mở đầu chương trình, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT chia sẻ với hàng trăm sinh viên Mỏ - Địa chất về sự ảnh hưởng cùng những thách thức, cơ hội của thời đại trí tuệ nhân tạo và robot tự động hóa. Với 30 phút trò chuyện cùng sinh viên, anh Việt đã "vẽ" bức tranh toàn cảnh về thế giới công nghệ 4.0 với thành phố, giao thông thông minh, y tế thông minh... khiến sinh viên vô cùng thích thú. Từng giây, từng phút trong phần chia sẻ của anh Việt được sinh viên tập trung cao độ, thể hiện mong muốn học hỏi và trau dồi chuyên sâu. Các sinh viên có mặt tại hội trường hầu hết là sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin.
Những thông tin ý nghĩa từ sự kiện là cần thiết với những ai đam mê và muốn làm việc về công nghệ. Thậm chí, nhiều bạn còn hy sinh buổi học chính khóa để mong muốn có một chỗ ngồi tại hội thảo.
Nguyễn Văn Đạt, sinh viên năm 2 CNTT chia sẻ: "Em đã xin nghỉ một buổi học chính khóa trên lớp để có mặt tại hội thảo ngày hôm nay. Những thông tin về cách mạng 4.0 còn mơ hồ với chúng em. Vì vậy, em hy vọng sự kiện ngày hôm nay sẽ giúp em thấy rõ hơn những cơ hội và thách thức tương lai".
Ông Lê Hồng Việt chia sẻ: "Trong tương lai sinh viên có hàng trăm, hàng nghìn cơ hội việc làm. Quan trọng là các bạn tức thời, chọn lựa công việc không gây nhàm chán, lạc hậu".
Với băn khoăn về sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhiều sinh viên như Phan Thế Hiển tỏ ra bối rối về an toàn thông tin trong tương lai. Giải đáp thắc này, anh Lê Hồng Việt cho biết: "Không phủ nhận 4.0 sẽ mang đến một số điểm tiêu cực về an ninh mạng, thông tin. Không ai muốn những thông tin cá nhân bị ăn cắp... Tuy nhiên, viễn cảnh về 4.0 chứa đựng nhiều điểm tích cực hơn thế. Vì vậy, sinh viên nên chuẩn bị cho mình những tâm thế, tinh thần để thích nghi với cuộc sống số, với thói quan làm việc cùng máy móc, robot".
"Trước cuộc cách mạng lớn, những sinh viên còn non về kinh nghiệm. đang ngồi trên ghế nhà trường cần phải chuẩn bị hành trang như thế nào?" là câu hỏi của bạn Dương Trọng Nghĩa, sinh viên năm 2 đặt cho các diễn giả của chương trình. Trả lời câu hỏi này, anh Việt khuyên sinh viên: "Hãy cho bản thân cơ hội được làm và được sai. Trau dồi kiến thức, đặc biệt là toán cao cấp. Đó là nơi các bạn có nhiều cơ hội và sáng tạo. Bên cạnh đó, thái độ cùng tác phong làm việc sẽ giúp các bạn ghi điểm trong bất cứ môi trường làm việc nào". Ông Việt cũng cho biết: "Hiện tại, trên thế giới chỉ có 22.000 người đang làm về trí tuệ nhân tạo. Vậy những vị trí tiếp theo sẽ là của các bạn. Hàng nghìn công việc mới sẽ được tạo ra bởi chính các bạn - những người đang giữ trong mình những đam mê công nghệ".
Liên quan đến vấn đề trên, Ông Nguyễn Thành Lâm - nguyên TGĐ FPT Software chia sẻ thêm: "Hãy cho phép mình được làm và được sai. Ngay bây giờ, các bạn tìm cho mình đội nhóm để làm việc, hãy suy nghĩ về một dự án tương lai và cùng làm với nhóm".
Sinh viên năm cuối Phạm Anh Tuấn đã có kinh nghiệm nhiều năm đi làm bày tỏ băn khoăn: "Với tốc độ phát triển và thiếu nguồn nhân lực về trí tuệ nhân tạo. Vậy FUNiX có phương pháp nào để giúp đỡ sinh viên tiến nhanh hơn với 4.0?". Anh Thành Lâm nhận thấy đây là câu hỏi hay. Anh chia sẻ: "Hiện tại, FUNiX đã, đang huy động hết lực lượng mentor là những người có kinh nghiệm không chỉ ở FPT mà còn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trong tương lai là thế giới. Vì vậy, bài toán về nhân lực và tốc độ hy vọng sẽ sớm được giải quyết".
Nguyễn Đình Mạnh , sinh viên năm 3 CNTT, đưa ra câu hỏi cuối cùng cho các diễn giả: "Chúng em nên tìm kiếm cơ hội học hỏi, tiếp cận kiến thức ở đâu?". Anh Thành Lâm giới thiệu cho sinh viên website MIT - ngôi trường dạy CNTT danh tiếng nhất thế giới. "Tại đây, tất cả các bài giảng, giáo trình đều được công khai trên hệ thống cho sinh viên toàn thế giới truy cập. Do vậy, chưa bao giờ học công nghệ thông tin dễ dàng như bây giờ. Cơ hội xung quanh các bạn. Hãy cho phép bản thân được học, được làm và được phép sai".
Chia sẻ cùng các em sinh viên, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo Đại học cho rằng: "Sự kiện ý nghĩa với tất cả sinh viên. Nhà trường hy vọng sinh viên chuyên ngành CNTT đã tìm thấy được con đường rõ ràng hơn cho bản thân sau hôm nay. Từ đây, nhà trường cũng sẽ có định hướng tốt hơn cho sinh viên".
Với 300 sinh viên tham dự chương trình, các diễn giả, chuyên gia công nghệ đã có một buổi trò chuyện thực sự với sinh viên. Sinh viên khoa CNTT ĐH Mỏ - Địa chất Phạm Văn Nam bày tỏ sự cảm ơn: "Sự kiện là điều mỗi sinh viên chúng em cần. Sau sự kiện, chúng em hiểu và biết mình nên làm gì".