Bài kiểm tra tư duy với đề bài ở các mức độ khác nhau, từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng sáng tạo, yêu cầu thí sinh có khả năng suy luận, nắm bắt và vận dụng kiến thức trong thời gian ngắn. Toàn bộ phần kiến thức nằm trong kiến thức phổ thông nhưng gắn liền với tình huống thực tế. Qua đó, để đánh giá tư duy và năng lực cốt lõi của các em thí sinh, khả năng theo học các ngành đại học, đặc biệt những ngành khoa học kĩ thuật. Nội dung bài thi được xây dựng phù hợp với đặc điểm của giáo dục Việt Nam và cách tiếp cận tiên tiến trên thế giới.
Việc xét tuyển này sẽ giúp cho xã hội và người học giảm áp lực số lần thi cử và di chuyển, giảm tốn kém vật chất, thời gian và công sức cho những thí sinh có nguyện vọng vào đại học, đặc biệt các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các trường sẽ giảm bớt gánh nặng ở các khâu tổ chức kỳ thi và ra đề thi.
Việc áp dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy này dựa trên Biên bản thỏa thuận giữa các trường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải; Trường Đại học Giao thông vận tải; Trường Đại học Mỏ-Địa chất; Trường Đại học Thăng Long; Trường Đại học Thủy lợi; Trường Đại học Xây dựng Hà Nội vừa ký kết ngày 18/11/2021. Biên bản này có hiệu lực kể từ ngày ký cho đến ngày kết thúc năm 2022. Hết thời hạn này, các trường cùng xem xét, thống nhất để tiếp tục phát triển Kỳ thi đánh giá tư duy, xây dựng phương thức xét tuyển bền vững dựa trên Kỳ thi trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã hoan nghênh chủ trương này. Thứ trưởng đánh giá: Làm sao để có ít kỳ thi, nhưng đã thi là phải tin cậy, chất lượng, đảm bảo công bằng. Đây sẽ là chìa khóa để thành công, đặc biệt trong những năm tới.