1 - Tên ngành đào tạo: Kỹ thuật tuyển khoáng (Mã ngành: 7520601)
Tên tiếng Anh: Mineral Processing
2 - Trình độ đào tạo: Đại học
3 - Khối thi xét tuyển: A00,A01, D01
4 - Yêu cầu về kiến thức: Hoàn thành chương trình đào tạo chuyên ngành Tuyển khoáng được thiết kế theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có khả năng áp dụng các kiến thức cơ bản và kiến thức khoa học kỹ thuật đã học để nhận biết, phân tích và vận dụng sáng tạo các vấn đề kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực tuyển khoáng.
5 - Yêu cầu về kỹ năng:
Kỹ năng cứng: Nắm được các kỹ năng nghề nghiệp như biết thiết kế công nghệ xưởng tuyển khoáng; vận hành tốt các thiết bị công nghệ chính thuộc xưởng tuyển khoáng; thực hiện chính các công việc thí nghiệm - nghiên cứu về Tuyển khoáng; thực hiện tốt công tác kiểm tra và thẩm định được chất lượng sản phẩm.
Kỹ năng mềm: Nắm được các chương trình tin học cơ bản và biết cách sử dụng một số phần mềm để giải quyết các bài toán trong tuyển khoáng. Có trình độ tiếng Anh cơ bản và kiến thức về tiếng Anh chuyên ngành để đọc và hiểu kiến thức chuyên môn bằng tiếng Anh với mục đích giao dịch chuyên môn đơn thuần, là nền tảng để sinh viên tiếp tục bổ túc tiếng Anh để nâng cao trình độ. Được trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật; bổ sung thêm kiến thức về ngữ pháp tiếng Việt ứng dụng và khả năng soạn thảo văn bản; kỹ năng giao tiếp và cách thức làm việc theo nhóm thông qua các buổi giới thiệu chuyên đề.
6 - Yêu cầu về thái độ:
- Hiểu biết về các giá trị đạo đức, tự rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật và yêu nghề; có ý thức công dân tốt về các vấn đề của đất nước, yêu Tổ quốc, hiểu rõ vai trò của các giải pháp kỹ thuật trong bối cảnh kinh tế, xã hội và môi trường của đất nước.
- Có ý thức và vai trò trách nhiệm cao trong việc đóng góp công sức và trí tuệ của mình vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
- Có nhận thức trong việc phải thường xuyên học tập cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn và giải quyết tốt các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tuyển khoáng.
7 - Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp:
- Vận hành tốt các thiết bị công nghệ chính thuộc xưởng tuyển khoáng và đảm nhận chức tổ trưởng tổ sản xuất trong dây chuyền công nghệ;
- Là nhân viên thuộc phòng KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) thuộc các mỏ hoặc xưởng tuyển;
- Thực hiện chính các công việc thí nghiệm - nghiên cứu về Tuyển khoáng;
- Là cán bộ giảng dạy các trường cao đẳng nghề và các trường đại học và cao đẳng có đào tạo ngành Tuyển khoáng hoặc Chế biến khoáng sản;
- Thực hiện chính công việc thiết kế công nghệ xưởng tuyển khoáng;
- Là chuyên viên các đơn vị hành chính nhà nước quản lý tài nguyên - môi trường.
8 - Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường:
Sau khi ra trường có đủ khả năng tự học tập để nâng cao trình độ, tiếp tục tham gia học tập các chương trình đào tạo sau đại học để nhận được các học vị Thạc sĩ kỹ thuật (chuyên ngành: Tuyển khoáng) và Tiến sĩ kỹ thuật (chuyên ngành: Tuyển khoáng).
9 - Các chương trình, tài liệu chuẩn quốc tế đã tham khảo:
- Dựa vào các mô hình chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ của một số nước như Mỹ, Singapore, Trung Quốc,... để xây dựng chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho chuyên ngành Tuyển khoáng. Theo chương trình đào tạo này, sinh viên ngoài việc học các học phần bắt buộc, còn được tự chọn những học phần thuộc kiến thức đại cương, chọn các học phần theo hướng chuyên môn sâu cho phù hợp với điều kiện công tác sau khi ra trường; được chọn những kiến thức thuộc chuyên ngành gần trong khoa để bổ trợ cho kiến thức chính ngành và chọn một số học phần để mở rộng kiến thức chung.
- Đưa các kiến thức mới của chuyên ngành, đặc biệt là các công nghệ và thiết bị tiên tiến trong lĩnh vực tuyển khoáng, các tiêu chuẩn liên quan của các nước Mỹ, châu Âu và ISO vào nội dung bài giảng.
- Bổ sung các trang thiết bị có công nghệ hiện đại hiện nay trong lĩnh vực tuyển khoáng để nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên. Phòng thí nghiệm tuyển khoáng đáp ứng các yêu cầu phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất.
Chuẩn đầu ra trên đây được xây dựng cho sinh viên theo hệ thống tín chỉ, áp dụng cho sinh viên từ khóa 54.
Đối với sinh viên từ khóa 53 trở về trước, các nội dung của chuẩn đầu ra về cơ bản như đã được xây dựng trên đây. Chương trình đào tạo vẫn được xây dựng theo chương trình khung của Bộ giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, do chương trình đào tạo được thiết kế để đào tạo theo phương thức học phần nỉên chế, nên chương trình đào tạo này kém mềm dẻo hơn chương trình được xây dựng theo hệ thống tín chỉ.