Trường Đại học Mỏ - Địa chất tham gia Dự án Erasmus+ ESSENCE

05/02/2018

Vượt qua 194 đề xuất nằm trong nhóm chương trình Capacity Building in Higher Education (CBHE) của Erasmus+, dự án «Establishing smart energy system curriculum at Russian and Vietnamese universities» - ESSENCE là một trong số 18 dự án được EU lựa chọn và phê duyệt tài trợ kinh phí.

   

Dự án bao gồm 10 trường đại học đối tác cùng nhau làm việc, trong đó có 03 trường đại học thuộc liên minh Châu Âu: Riga Technical University (RTU-Latvia) - điều phối dự án, Institut Polytechnique de Grenoble (Grenoble INP - Pháp), Technical University of Košice (TUKE-Slovakia); 05 trường Đại học Nga: Irkutsk National Research Technical University (INRTU), Tomsk Polytechnic University (TPU), Ural Federal University (UrFU), Kazan State Power Engineering University (KSPEU), và North-Eastern Federal University (NEFU). Trường Đại học Mỏ-Địa chất là một trong hai trường đại học Việt Nam tham gia dự án cùng với Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh (HCMUTE).

Một trong những ưu tiên của ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu là việc tạo ra và sử dụng hệ thống năng lượng thông minh kết hợp với những tiến bộ về công nghệ năng lượng và thông tin. Vì vậy, dự án Erasmus+ ESSENCE có mục tiêu là hiện đại hóa chương trình đào tạo thạc sỹ sẵn có ngành kỹ thuật điện cho các trường đại học Nga và Việt Nam, dựa trên mối quan hệ chặt chẽ và gắn với nhu cầu thực tế của ngành công nghiệp trong nước và thế giới, đồng thời phù hợp với Khung năng lực chung Châu Âu (EQF -European Qualifications Framework) và Tiến trình Bologna về cải cách giáo dục đại học châu Âu, đang được các nước trong Cộng đồng Châu Âu và nhiều nước khác ngoài khối áp dụng. Dự án nhằm đào tạo các chuyên gia có khả năng lập kế hoạch, phát triển và áp dụng các giải pháp sáng tạo trong các điều kiện khác nhau cho ngành năng lượng trong tương lai ở Nga và Việt Nam.

Dự án sẽ kéo dài trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 10 năm 2017. Ở bước đầu thực hiện, dự án sẽ khảo sát trên 3 đối tượng: giảng viên, sinh viên và nhà tuyển dụng nhằm đánh giá những yêu cầu của thị trường và ngành công nghiệp năng lượng đối với chương trình đào tạo. Trên cơ sở đó, thông qua một loạt các gói công việc đã được phân công, các trường đối tác sẽ cùng làm việc để phát triển, cải tiến, hiện đại hóa các môn học trong chương trình đào tạo của mỗi trường. Cuối cùng, các giảng viên, sinh viên và nhà tuyển dụng cần phản hồi lại và đánh giá hiệu quả đào tạo của dự án.

Trong quá trình thực hiện, học viên có cơ hội tham gia các khóa học trao đổi, khóa học mùa hè, thực tập tại các trường tham gia dự án. Các giảng viên làm việc trong dự án cũng sẽ tham gia các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực và tiếp cận những công nghệ tiến bộ của thế giới về năng lượng thông minh.

Thông qua dự án, Trường Đại học Mỏ-Địa chất có cơ hội tăng cường năng lực chuyên môn và mở rộng mạng lưới hợp tác với các trường đại học trên thế giới, tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và thông qua đó thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo của Nhà trường; như vậy, tạo thêm cơ hội việc làm cho sinh viên. Dự án cũng là dịp để sinh viên của trường được giao lưu, học hỏi ở nước ngoài thông qua các chuyến trao đổi sinh viên, giúp nâng cao năng lực ngoại ngữ và trình độ chuyên môn. Cuối cùng, việc hiện đại hóa chương trình đào tạo thạc sỹ ngành kỹ thuật điện theo tiêu chuẩn Châu Âu sẽ giúp Nhà trường cải tiến chất lượng đào tạo, đưa chương trình đào tạo tiến gần và có những điểm tương đồng với chương trình của Nga và Liên minh Châu Âu, nâng cao uy tín cho Nhà trường và thúc đẩy những chương trình trao đổi cán bộ, sinh viên trong tương lai.

 

 

Phòng KHQT