Tham gia Hội thảo có đại diện Hội đồng Anh Việt Nam – Bà Nguyễn Phương Chi – quản lý chương trình Giáo dục đại học của Hội đồng Anh Việt Nam; đại diện các trường đại học Vương quốc Anh: Trường Đại học of Salford có GS. Hisham Elkadi – Trưởng khoa Kiến trúc và Môi trường xây dựng đồng thời cũng là trưởng dự án HEP mà Trường Đại học Mỏ-Địa chất đang tham gia, GS. Zeeshan Aziz – điều phối dự án phía Vương quốc Anh và cô Amina Helal – phụ trách phát triển chương trình đào tạo của đại học Salford; đến từ trường Đại học Cranfield có TS. Rebecca Charles. Đây là những trường đại học có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển mô hình liên kết đại học-doanh nghiệp rất hiệu quả ở Anh. Đại diện Trường Đại học Mỏ-Địa chất có GS. TS Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Nhà trường cùng lãnh đạo các Khoa chuyên môn và các Phòng liên quan. Hội thảo cũng chào đón đại diện các doanh nghiệp đang hợp tác với Nhà trường và thanh viên nhóm dự án “Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình” của Chính phủ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng mối quan hệ liên kết Nhà trường – Doanh nghiệp do các đại biểu đến từ Vương quốc Anh trình bày. Theo kinh nghiệm hiện đang áp dụng rất hiệu quả tại Vương quốc Anh: việc phát triển hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà Trường - Doanh nghiệp phải thông qua:
- Tạo dựng mạng lưới chuyên môn giữa nhà trường và doanh nghiệp để hỗ trợ và thúc đẩy sự tham gia của giảng viên vào xây dựng quan hệ nhà trường doanh nghiệp
- Chuyển giao tri thức và công nghệ
- Sự tham gia của doanh nghiệp vào xây dựng chương trình đào tạo và định hướng trang bị kỹ năng làm việc cho sinh viên ra trường
- Xây dựng đội ngũ để có thể đáp ứng quan hệ nhà trường/doanh nghiệp dựa vào các chương trình đào tạo nghiên cứu sinh, đào tạo kỹ năng cho doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng của trường đại học để hỗ trợ cho mối liên hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp
Ngoài ra, các diễn giả của Đại học Salford và Cranfield trình bày các ví dụ và kinh nghiệm thực tế về mô hình liên kết hiện đã và đang áp dụng tại các trường đại học này, đặc biệt việc xây dựng chương trình đào tạo có định hướng môi trường doanh nghiệp để hỗ trợ hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D), mối quan hệ nhà trường - doanh nghiệp và môi trường sáng tạo mở cũng nhận được nhiều sự quan tâm thảo luận của các đại biểu.
Hội thảo đã cung cấp nhiều bài học bổ ích và quý báu đối với Trường Đại học Mỏ-Địa chất trong giai đoạn đổi mới và tự chủ; trong đó việc xây dựng và phát triển sự liên kết Đại học – Doanh nghiệp đòi hỏi sự tham gia của tất cả các cấp lãnh đạo Nhà trường cho đến các cá nhân. Dự án HEP và Trường Đại học Mỏ-Địa chất đang tham gia đã nghiên cứu và chỉ ra 11 thách thức đối với các trường đại học Việt Nam liên quan đến chủ đề này (UI linkage). Để giải quyết các thách thức đó, cần có một hệ thống các chiến lược, nguồn lực và thái độ-văn hóa nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Nhà trường và Doanh nghiệp, dựa trên các chương trình hành động sau:
- Xây dựng quan hệ dựa trên lợi ích của cả hai bên, quan hệ đối tác đặc biệt Nhà trường – Doanh nghiệp được đặt vào trung tâm các hoạt động của nhà trường.
- Phát triển văn hóa “cùng sáng tạo” (co-creation) trong đội ngũ sinh viên, cán bộ và doanh nghiệp.
- Cung cấp cơ sở hạ tầng hấp dẫn cho phép người dạy, sinh viên và đối tác học tập và thực hành trong môi trường như trên thực tế công việc.
Sau Hội thảo tại Hà Nội, nhóm dự án tiếp tục có những Hội thảo tại Trường Đại học Cần Thơ (theo chương trình dự án) và Hội thảo mở rộng (do Hội đồng Anh tổ chức) với sự tham gia của nhiều trường đại học và doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: