Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Bộ môn Địa vật lý, Trường Đại học Mỏ - Địa chất

15/12/2021

Ngày 15/12/2021, được sự đồng ý của Đảng ủy Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Bộ môn Địa vật lý long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Bộ môn Địa vật lý và Hội thảo với chủ đề “Địa vật lý: Thành tựu, thách thức và định hướng phát triển”.

Tới dự Lễ Kỷ niệm về phía khách mời có TS. Nguyễn Quốc Thập – Nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Ông Trịnh Việt Thắng – Thành viên HĐTV Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí; TS Nguyễn Thanh Tùng – Phó Viện Trưởng Viện Dầu khí, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu Khí; PGS.TS Hoàng Văn Long – Viện Dầu khí Việt Nam; TS. Lại Mạnh Giàu – Liên Đoàn trưởng Liên Đoàn Vật lý Địa chất; TS Dương Quốc Hưng – Viện Địa chất – Địa vật lý biển, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam; TS Nguyễn Thái Sơn – Liên đoàn Địa chất Xạ hiếm.

Về phía Trường Đại học Mỏ - Địa chất có PGS.TS. Trần Xuân Trường – Bí thư Đảng uỷ Trường, Chủ tịch Hội đồng trường; GS.TS. Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng; PGS.TS Triệu Hùng Trường - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Thế Vinh - Trưởng Khoa Dầu khí. Ngoài ra còn có các đồng chí lãnh đạo các Phòng, Khoa, Ban và các đơn vị trong Trường cùng của toàn thể cán bộ - viên chức Khoa Dầu khí và Bộ môn Địa vật lý; các đại biểu nguyên là cán bộ đã từng công tác tại Bộ môn, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, đang theo dõi trực tiếp trên fanpage của trường và bộ môn.

Buổi Lễ còn kết nối trực tuyến với một số điểm cầu tại các đơn vị, công ty bên ngoài như: Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí PVEP Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị thành viên, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, Viện NIPI, Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan, Công ty Ngôi sao Biển Đông, Viện Dầu khí, Liên đoàn Vật lý – Địa chất, Liên đoàn Địa chất Xạ hiếm, Liên đoàn Địa chất Miền Nam, Liên Đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Miền Bắc. Liên Đoàn Địa chất Miền Bắc, Liên Đoàn Địa chất Tây Bắc, Liên Đoàn Địa chất Trung Trung Bộ, Liên Đoàn Địa chất Nam Trung Bộ. 

Mở đầu chương trình, TS. Kiều Duy Thông – Trưởng Bộ môn Địa vật lý đã trình bày báo cáo về 55 năm hình thành và phát triển của Bộ môn: Với đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao trong đó 01 NGND, 06 NGUT, 04 GS, 07 PGS, 03 TSKH,và 17 TS; với sự đoàn kết, nỗ lực, với sự chủ động sáng tạo, Bộ môn đã đẩy mạnh các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cụ thể, Bộ môn đã đào tạo được 1434 Kỹ sư, 153 Thạc sỹ và 37 Tiến sỹ. Các cựu sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Bộ môn nhiều người đã trở thành các nhà lãnh đạo các cấp, Giám đốc, Phó Giám đốc của các Tập Đoàn, Tổng Công ty, Công ty, nhiều người thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh và văn nghệ sỹ. Bộ môn đã chủ trì nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở; đã xuất bản nhiều bài báo khoa học ISI, Scopus, các tạp chí trong nước và quốc tế; các giáo trình cấp Nhà xuất bản, cấp trường. Bộ môn đã duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với các cơ quan, đơn vị trong nước và quốc tế. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Bộ môn đã gặp phải những thách thức to lớn. Tuy nhiên, Bộ môn Địa vật lý tin tưởng rằng với truyền thống tốt đẹp, với nỗ lực của các cán bộ và sinh viên, với sự tạo điều kiện thuận lợi của Nhà trường, sự giúp đỡ của các cơ quan đơn vị, Bộ môn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu thực tế của ngành Địa vật lý.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, GS.TS Trần Thanh Hải gửi lời chúc mừng Bộ môn Địa vật lý về những kết quả đã đạt được. Đồng chí nhấn mạnh sự phát triển của Nhà trường 55 năm qua đều gắn liền với sự đóng góp của Bộ môn Địa vật lý. Đồng chí ghi nhận những thành tựu của Bộ môn trong sự nghiệp đào tạo cán bộ ngành khai thác và chế biến khoang sản nói chung; đối với ngành Địa vật lý và luyện kim nói riêng cho đất nước. Những đóng góp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học của Bộ môn không những góp phần nâng cao vị thế của Nhà trường trên trường quốc tế mà còn đóng góp cho sự phát triển của ngành Địa vật lý, cho kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước.

Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu, GS.TS Trần Thanh Hải đã cảm ơn sự giúp đỡ và ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy, các cấp, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức khoa học trong nước, quốc tế, các doanh nghiệp, cá nhân trên khắp đất nước.

Hiệu trưởng yêu cầu Bộ môn tập trung thực hiện tốt 4 nhiệm vụ sau:

- Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển Bộ môn theo chiến lược phát triển Nhà trường;

- Tiếp tục nâng cao chất lượng đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên;

- Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, triển khai mạnh mẽ các giải pháp học tập và quản lý đào tạo năng động, áp dụng công nghệ mới trong đào tạo để thích ứng điều kiện thực tiễn;

- Tiếp tục phát huy thế mạnh trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất và đào tạo.

Nhân dịp này, PGS.TS Nguyễn Thế Vinh – Trưởng khoa Dầu khí phát biểu tin tưởng Bộ môn Địa vật lý sẽ cùng Khoa Dầu khí đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, gắn kết với doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng cục Địa chất khoáng sản, Bộ Tài nguyên và môi trường…để góp phần vào sự phát triển chung của khoa Dầu khí trong đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ có uy tín trong nước và quốc tế, trong lĩnh vực địa vật lý, dầu khí và khoáng sản.

Với vai trò là một trong những người sáng lập Bộ môn Địa vật lý, NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Phơn đã tóm tắt về quá trình hình thành Bộ môn. Từ những khó khăn ban đầu về nhân lực, về cơ sở vật chất khi đất nước còn đang chiến tranh, cán bộ bộ môn đã năng nổ, đồng lòng xây dựng Bộ môn và chương trình đào tạo cho sinh viên khóa 11 của Trường. Đến giai đoạn phát triển rực rỡ, Bộ môn đã đào tạo số lượng lớn nguồn nhân lực có giá trị cho thị trường lao động; tham gia sản xuất nhiều đề tài, nhiều công trình trọng điểm quốc gia; Bộ môn đã có những đóng góp to lớn cho khoa học, quốc phòng của đất nước. Với những giai đoạn thăng giáng của thị trường, Bộ môn đã xác định được những tác động của kinh tế, công nghệ ảnh hưởng chung đến toàn bộ các ban, ngành, ảnh hưởng đến sinh viên ngành Địa vật lý. Chính vì vậy, Bộ môn xác định cần thiết phải đổi mới ngành nghề đáp ứng nhu cầu của đơn vị sản xuất. NGƯT Nguyễn Văn Phơn – Nguyên Trưởng Bộ môn Địa vật lý tin tưởng vào sự thay đổi ấy sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp.

Xúc động phát biểu tại Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Bộ môn, Ông Nguyễn Tấn Hiểu – Cựu sinh viên khóa đầu tiên của Bộ môn đã gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công đến các thầy cô giáo của Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Trong vài phút ngắn ngủi, ông đã kể về những kỷ niệm sâu sắc khi học tại trường, vinh dự là lứa sinh viên được chọn lọc đào tạo. Những khó khăn mà sinh viên thế hệ ông đã trải qua không sánh được với “ngọn bút trí tuệ” mà các thầy cô trao tặng để đến hôm nay những kiến thức Địa vật lý, những tư duy khoa học được đào tạo đã làm tiền đề để nghiên cứu thêm kiến thức xã hội, kiến thức triết học, lịch sử, để có thể đưa ra những lý luận sắc bén, có thể vận dụng vào công việc, cuộc sống và giúp ích cho các công trình tại địa phương, các đề án chung của đất nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Ông tin rằng với những khó khăn trước mắt, ngành Địa vật lý sẽ có những bước phát triển mới, có những thay đổi để tìm ra khoáng sản rắn, nước, nghiên cứu cấu trúc vỏ trái đất, về vùng biển rộng lớn của nước ta.

Chúc mừng Bộ môn Địa vật lý đã vượt qua chặng đường “55 năm xây dựng và phát triển”. Hy vọng Bộ môn sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh để đóng góp vào sự phát triển chung của Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

Dưới đây là toàn cảnh lễ kỷ niệm:

Lãnh đạo Nhà trường tặng hoa chúc mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Bộ môn Địa vật lý

Trưởng Bộ môn Địa vật lý tặng hoa tri ân Ban Lãnh đạo Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Tặng hoa tri ân Ban Lãnh đạo Khoa Dầu khí

TS Kiều Duy Thông - Trưởng Bộ môn Địa vật lý tặng hoa tri ân các cán bộ đã và đang công tác tại Bộ môn

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Chụp ảnh lưu niệm

Phòng QHCC & DN

Các bài viết khác