Hội thảo với sự tham dự của Phó Giáo sư Tiến sĩ (PGS TS) Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cùng 100 đại biểu là đại diện Bộ GDĐT, Hội đồng Anh, các lãnh đạo giáo dục đại học, các điều phối viên dự án, đại diện doanh nghiệp, các tổ chức liên quan của Vương quốc Anh và Việt Nam. Đoàn Trường Đại học Mỏ-Địa chất do GS. TS Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng dẫn đầu cũng tham gia sự kiện này.
Chính phủ Việt Nam xác định đổi mới sáng tạo là trụ cột để phát triển kinh tế và xã hội và các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái này. Tại các quốc gia phát triển, trường đại học có vai trò chủ yếu để tạo ra các cơ hội nghiên cứu, sáng tạo, tinh thần doanh nhân thông qua liên kết đại học và doanh nghiệp. Cùng với trọng tâm của các quốc gia là cuộc cách mạng 4.0, việc xây dựng mối quan hệ giữa chính phủ – trường đại học – doanh nghiệp trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Là quốc gia có chỉ số đổi mới đứng thứ tư trên thế giới, Vương quốc Anh đã xây dựng một nền tảng quốc gia thúc đẩy tri thức và hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Vương quốc Anh được coi là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xây dựng đối tác đại học và doanh nghiệp. Hội đồng Anh mong muốn chia sẻ các mô hình thành công, cơ cấu, tổ chức về xây dựng đối tác đại học và doanh nghiệp, chia sẻ tri thức để hỗ trợ các quốc gia phát triển, trong đó có Việt Nam thực hiện được mong muốn phát triển kinh tế, xã hội thông qua nâng cao chất lượng và tác động của hệ thống đại học với đổi mới và chuyển giao tri thức.
Tập trung vào một trong bốn lĩnh vực ưu tiên của luật giáo dục đại học sửa đổi - Kết nối trường đại học và doanh nghiệp - Báo cáo Nghiên cứu của Hội đồng Anh: Cơ hội, Mô hình và Phương pháp tiếp cận phát triển Hợp tác Giáo dục Đại học Vương quốc Anh và các nước khu vực Đông Á về phát triển sâu rộng các hợp tác đối tác giữa đại học và doanh nghiệp giới thiệu ba nội dung chính trong mối quan hệ của đại học – doanh nghiệp (U-I), bao gồm: tổng quan về bối cảnh, sự phát triển và vị thế của Vương quốc Anh và Đông Á trong lĩnh vực hợp tác doanh nghiệp – đại học; giới thiệu nghiên cứu đánh giá theo từng quốc gia về tiềm năng phát triển quan hệ đối tác; và việc giới thiệu các mô hình hợp tác, những lựa chọn tiềm năng để hỗ trợ phát triển hợp tác giữa các trường đại học thuộc Vương quốc Anh và Đông Nam Á.
Trình bày báo cáo, bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết giáo dục đại học quốc tế tại Việt Nam vẫn đang duy trì tốt các hợp tác với Vương quốc Anh trong lĩnh vực giáo dục và phát triển các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam - qua đó tạo nền tảng cho việc phát triển mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Về mặt chính sách, Việt Nam cho thấy là một quốc gia rất kiên định với mong muốn phát triển một chính sách đổi mới trong tương lai, tuy nhiên vẫn còn những mặt cần phải có sự phối hợp thực hiện. Việt Nam vẫn đang trong quá trình tiếp tục thúc đẩy phát triển các chính sách hỗ trợ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, những thách thức mang tính hệ thống mà Việt Nam đang phải đối mặt không chỉ là những thách thức dễ dàng giải quyết được chỉ với công nghệ. Tập trung cải thiện về chất lượng giảng dạy cũng như việc gia tăng tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp sẽ cần được giải quyết thông qua các chương trình trao đổi và giao lưu quốc tế cùng với sự hỗ trợ của mạng lưới đối tác trường đại học và doanh nghiệp.
Liên kết doanh nghiệp – đại học dựa trên kết nối cung – cầu giữa thị trường lao động để khắc phục vấn đề hiện tại của vị trí giáo dục đại học trong nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, để khắc phục vấn đề sinh viên tốt nghiệp không thể tìm được việc làm, trong khi doanh nghiệp không thể tuyển dụng lao động ... Những mô hình thực tế của các trường đại học Vương quốc Anh như mô hình hợp tác ba bên chính phủ – trường đại học và doanh nghiệp của Đại học Salford, hay mô hình hợp tác đại học doanh nghiệp mang tầm thế giới của Đại học Cranfield đã giúp chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ việc xây dựng mạng lưới chuyên gia hỗ trợ giảng viên đại học tham gia chương trình hợp tác với doanh nghiệp. Một nội dung cũng rất được các đại biểu quan tâm đó là việc chuyển giao công nghệ và hợp tác với doanh nghiệp và đặc biệt việc làm thế nào để huy động doanh nghiệp tham gia vào xây dựng và phát triển các chương trình, cung cấp cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp… Bên cạnh việc làm thế nào để nâng cao năng lực hợp tác với doanh nghiệp thông qua chương trình đào tạo tiến sỹ, kỹ năng hợp tác doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp thì việc làm thế nào để xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo định hướng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp để hỗ trợ các hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, từ đó thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, và khuyến khích sáng tạo cũng là những ưu tiên mà các trường của Vương quốc Anh luôn chú trọng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế mở ra nhiều cơ hội, tuy nhiên cũng không ít thách thức cho các trường đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Liên kết doanh nghiệp – đại học thành công là mối quan hệ đối tác cùng có lợi, trong đó vai trò của quốc tế hóa giáo dục đại học sẽ giúp cải thiện được năng lực của các trường đại học, của từng khoa chuyên ngành cũng như của các nghiên cứu dựa trên chính nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là hội thảo có ý nghĩa trong giai đoạn các trường đại học đang cần tiếp tục tìm hiểu để thích nghi và phát triển, đáp ứng với nhu cầu của xã hội, học hỏi từ những ý tưởng mới và đảm bảo rằng các trường đại học luôn nắm bắt đúng nhu cầu và xu thế mà doanh nghiệp và thị trường lao động cần.
Hợp tác Việt Nam – Vương quốc Anh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. Vương quốc Anh được biết đến là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo dựa trên chính hợp tác với doanh nghiệp để có thể nắm bắt được nhu cầu thực tế mà doanh nghiệp cần. Hội thảo ngày hôm nay là cơ hội rất tốt để các trường đại học Việt Nam có thể rút kinh nghiệm và học hỏi từ chính các mô hình thành công của các đối tác đi trước. Phát biểu tại hội thảo, PGS TS Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh “Tôi tin rằng hội thảo là một trong những sáng kiến rất quan trọng của Hội đồng Anh, đóng góp cho các mục tiêu chiến lược của Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học của hai quốc gia Việt Nam và Vương quốc Anh. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp tuyệt vời của Hội đồng Anh trong việc cải thiện môi trường giáo dục ở Việt Nam cũng như trên thế giới.”
Cũng tại hội thảo Thúc đẩy hợp tác hiệu quả doanh nghiệp và đại học - Chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam và Vương quốc Anh, Hội đồng Anh đã giới thiệu kế hoạch hoạt động của của Mạng lưới các trường đại học Việt Nam Vương quốc Anh trong năm 2019-2020, với sự dẫn dắt của trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong vai trò trường Chủ tịch của mạng lưới, và sự đồng hành hỗ trợ của Bộ GDĐT và Hội đồng Anh tại Việt Nam. Bà Donna McGowan cho biết: Hội đồng Anh luôn cam kết hợp tác chặt chẽ với Bộ GDĐT Việt Nam và các trường đại học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác doanh nghiệp – đại học phát triển. Hợp tác với doanh nghiệp là một phần quan trọng trong ưu tiên của Hội đồng Anh tại Việt Nam nói riêng và của khu vực Đông Á nói chung, nhằm thúc đẩy sự đổi mới, sự chuyển đổi và dịch chuyển sang nền kinh tế lớn qua đó hỗ trợ những người trẻ tham gia vào nền kinh tế đó.
Hỗ trợ Chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học của Việt Nam và Vương quốc Anh và góp phần thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025 của Việt Nam được chính phủ phê duyệt tháng Một năm 2019 là nội dung quan trọng xuyên suốt của hội thảo. Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam khẳng định Vương quốc Anh, thông qua Hội đồng Anh là đối tác nghiên cứu và hợp tác giáo dục được ưa chuộng trên thế giới và tại Việt Nam, chúng tôi tự hào là đối tác chiến lược, tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong Chương trình cải cách giáo dục đại học bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của Vương quốc Anh trong bốn lĩnh vực ưu tiên được xác định trong luật giáo dục đại học sửa đổi: i) Lãnh đạo và Quản trị trường đại học; ii) Chương trình liên kết đào tạo và Đảm bảo chất lượng; iii) Kết nối trường đại học và doanh nghiệp; và iv) Nghiên cứu và Dịch chuyển.
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Chia sẻ của GS. Hisham Alkadi - Trưởng Khoa Build Environment - Trường Đại học Salford
Báo cáo của GS. Zeeshan Azir về kết quả dự án két nối và chia sẻ kinh nghiệm hợp tác Nhà trường - Doanh nghiệp của nhóm Trường: ĐH Salford, ĐH Cần Thơ, ĐH Trà Vinh, ĐH Xây dựng Miền Tây và ĐH Mỏ-Địa chất
Chia sẻ của cô Amina Helal - Phụ trách phát triển chương trình đào tạo của ĐH Salford về kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp
Đại biểu doanh nghiệp - Chủ tịch Tập đoàn Cacao Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
TS. Rebecca Charles chia sẻ mô hình liên kết doanh nghiệp hiện đang thực hiện rất thành công tại ĐH Cranfield.
GS. Hisham Elkadi chủ trì một phiên thảo luận tại Hội thảo
Một số Trường tham gia Hội thảo
Nhóm thực hiện dự án HEP gồm các Trường: ĐH Salford, ĐH Cần Thơ, ĐH Trà Vinh, ĐH Xây dựng Miền Tây và ĐH Mỏ-Địa chất
GS. TS Trần Thanh Hải trả lời phỏng vấn của Báo chí tại Hội thảo