Đánh giá hiện trạng hợp tác với doanh nghiệp tại Trường Đại học Mỏ-Địa chất với sự hỗ trợ của Trường Đại học Salford, Manchester.

14/09/2019

Ngày 12 tháng 9 năm 2019, tại Trường Đại học Mỏ-Địa chất, Giáo sư Hisham Elkadi – Trưởng Khoa Kiến trúc và Môi trường Xây dựng, Trường Đại học Salford Manchester, Vương quốc Anh, đã có một buổi hội thảo với lãnh đạo các đơn vị của Trường Đại học Mỏ-Địa chất nhằm đánh giá về hiệu quả hợp tác giữa Nhà trường và các doanh nghiệp đối tác.

Hai trường hiện là thành viên của dự án kết nối các trường đại học Việt Nam – Vương quốc Anh do Hội đồng Anh và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tổ chức (HEP), cùng với các Trường Đại học Việt Nam khác: Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học xây dựng Miền Tây. Dự án tập trung phát triển mô hình liên kết Nhà trường – Công nghiệp (University – Industry Linkage) bằng cách học hỏi kinh nghiệm từ những trường đại học Anh hiện đang có mô hình hợp tác hiệu quả với đối tác công nghiệp như Đại học Salford.

Cuộc họp ngày 12/9/2019 nhằm mục đích đánh giá thực trạng và tính hiệu quả của quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Mỏ-Địa chất và các doanh nghiệp có hợp tác với Trường. Theo GS. Elkadi, trên thực tế, phát triển mối quan hệ thành công với ngành công nghiệp có thể là chìa khóa thành công của trường đại học trong tương lai gần. Nhưng phát triển quan hệ đối tác thành công là luôn là vấn đề không đơn giản. Ông chỉ ra rằng trong khi nhiều khoa, nhiều giảng viên tin rằng họ có mối quan hệ thành công với ngành công nghiệp, thì ít người biết cách đánh giá chính xác các mối quan hệ này. Khi các trường đại học làm việc với thế giới doanh nghiệp, cần có sự tham gia sâu của các lãnh đạo doanh nghiệp vào các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu thông qua các hợp đồng dài hạn, tham gia các hội đồng khoa học và đào tạo của Trường, và có thể là đồng tác giả của các công trình nghiên cứu và chương trình đào tạo của Nhà trường.

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường cần được lượng hóa để có thể đề ra các giải pháp thích hợp trong hoạt động hợp tác của các bên. Do đó, Trường đại học Salford đã xây dựng một công cụ đánh giá dựa trên 14 tiêu chí, dưới các góc độ: nghiên cứu, cam kết và giảng dạy. GS. Elkadi cho rằng tại Việt Nam, các tiêu chí có thể khác nhau tùy thuộc vào chiến lược của từng trường đại học và mỗi đơn vị có thể phát triển các tiêu chí riêng để đo lường sự hợp tác thành công với ngành công nghiệp và công nghệ.

Sau khi thực hiện đánh giá ví dụ một mối quan hệ hợp tác với Công ty Dầu khí Rosneft Vietnam để hiểu sâu về phương pháp áp dụng bộ tiêu chí đánh giá này, Trường Đại học Mỏ-Địa chất đã lên kế hoạch đánh giá hiệu quả quan hệ với doanh nghiệp tại từng đơn vị, từng khoa. Đây là bước đầu tiên và là cơ sở thúc đẩy sự thành công và hiệu quả trong hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp.

Các bài viết khác